📞

'Để có thể sống chung với Covid-19, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm'

Nguyệt Anh 11:09 | 01/09/2021
Chuyên gia truyền thông Đỗ Cao Bảo (đồng sáng lập, Ủy viên Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT) nhận định, thời điểm này chúng ta chưa đủ điều kiện để nới lỏng phong toả, chưa thể sống chung với Covid-19.
Ông Đỗ Cao Bảo nêu quan điểm, thời điểm này nước ta chưa đủ điều kiện sống chung với Covid-19.

Mặc dù thực tế dịch đang rất căng thẳng nhưng nhiều ý kiến vẫn đề cập đến chuyện sống chung với Covid-19? Cá nhân ông nghĩ sao?

Sống chung với Covid-19, sống chung như thế nào, kết hợp giữa kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đi lại, vui chơi giải trí của người dân như thế nào.

Trên thế giới hiện đã có một số nước chấp nhận sống chung với Covid-19. Điểm chung của các nước này là hệ thống y tế tiên tiến, mạnh và đã tiêm 2 liều vaccine cho tối thiểu 55% dân số.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, "chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên”.

Nghĩa là, công việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh phải được đặt lên trước tiên.

Vậy theo ông, nguyên tắc cơ bản của sống chung với Covid-19 là gì?

Theo tôi, nguyên tắc cơ bản của sống chung với Covid-19 là không để hệ thống y tế quá tải, sụp đổ. Bởi nếu hệ thống y tế sụp đổ là thảm hoạ quốc gia, sinh mạng số đông người dân không còn thì cũng chẳng có ai để làm kinh tế cả.

Nghĩa là, cứ khi nào tỷ lệ số bệnh nhân Covid-19 nhập viện trên tổng số giường bệnh vượt trên một ngưỡng nào đó (55%, 70%, 75% tuỳ quốc gia) thì thực hiện lệnh đóng cửa, khi nào tỷ lệ giường bệnh trống tăng lên thì lại gỡ bỏ lệnh đóng cửa.

"Nguyên tắc cơ bản của sống chung với Covid-19 là không để hệ thống y tế quá tải, sụp đổ. Bởi nếu hệ thống y tế sụp đổ là thảm hoạ quốc gia, sinh mạng số đông người dân không còn thì cũng chẳng có ai để làm kinh tế cả".

Việt Nam chúng ta rất mạnh về phòng dịch, nhưng hệ thống y tế không mạnh, số bác sĩ, số nhân viên y tế, số giường bệnh, số máy thở, số máy ECMO, số bác sĩ hồi sức cấp cứu tính trên 100.000 dân thuộc nhóm thấp của thế giới và khu vực, trong khi đó tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 mới được 20% dân số.

Nghĩa là, thực trạng dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương đang quá tải nên chưa thể nói đến việc sống chung?

Đúng vậy, hiện tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và nhiều tỉnh phía Nam đang ở tình trạng hệ thống y tế quá tải rất nặng.

Mặc dù đã có trên 16.000 bác sĩ và nhân viên y tế được tăng cường từ Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, miền Trung nhưng thực tế Bình Dương vẫn cần bổ sung thêm trên 4.000 bác sĩ và nhân viên y tế nữa.

Trong khi đó, hệ thống y tế Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung đang rất mong manh, "rỗng ruột" (do nhiều nhân lực được điều vào hỗ trợ các tỉnh miền Nam). Chưa kể con số tử vong và tỷ lệ tử vong ở TP. Hồ Chí Minh hiện tại vẫn đang rất cao, cao hơn trung bình thế giới.

Như vậy thời điểm này chúng ta chưa đủ điều kiện để nới lỏng phong toả, chưa đủ điều kiện để sống chung với Covid-19.

Hiện tại công tác kiềm chế sự lây lan, kiểm soát dịch bệnh vẫn phải đặt lên hàng đầu. Chúng ta phải nỗ lực giảm số ca nhập viện, phải thở ô xy, phải thở máy, phải chạy ECMO, số ca tử vong xuống thấp hơn nhiều nữa.

"Để có thể sống chung với Covid-19, chúng ta còn có rất nhiều việc phải làm, trong đó việc đầu tiên là phải tuân thủ thật nghiêm quy định phong toả. Chỉ cần 15%-20% không tuân thủ nghiêm thì ngày sống chung với Covid-19 mà chúng ta mong chờ vẫn còn xa lắm".

Chỉ khi nào số ca nhiễm, số ca nhập viện, số ca tử vong không gây quá tải cho hệ thống y tế của mỗi tỉnh/thành phố, trong bối cảnh không cần nhiều hỗ trợ về nhân lực y tế của các tỉnh/thành phố khác.

Vậy thì để tiến tới có thể sống chung với Covid-19, chúng ta phải làm gì?

Theo tôi, chúng ta cần tăng cường tiêm vaccine, càng nhanh càng tốt, càng đạt tỷ lệ cao càng tốt, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Long An.

Song song, chúng ta cần chuẩn bị phương án sống chung với Covid-19, chuẩn bị kịch bản sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh nới lỏng và siết chặt giãn cách luân phiên, xây dựng các ngưỡng chuyển trạng thái nới lỏng và thiết chặt giãn cách (khi nào thì đóng cửa, khi nào thì nới lỏng). Đồng thời, hướng dẫn người dân sinh hoạt, giao tiếp nơi công cộng, nơi làm việc, ở gia đình trong khi sống chung với Covid-19.

Tóm lại, để có thể sống chung với Covid-19, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, trong đó việc đầu tiên là phải tuân thủ thật nghiêm quy định phong toả. Chỉ cần 15%-20% không tuân thủ nghiêm thì ngày sống chung với Covid-19 mà chúng ta mong chờ vẫn còn xa lắm.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)