Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc đã bùng phát sau cuộc điều tra theo Điều 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ do cựu Tổng thống Donald Trump khởi xướng. Cuộc điều tra kết luận rằng Trung Quốc đang xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Đây là khung điều luật đã được chính quyền Mỹ sử dụng để áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 360 tỷ USD.
Nhiều khả năng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ bước vào giai đoạn căng thẳng mới. (Nguồn: The Economics Times) |
Thỏa thuận thương mại giai đoạn một
Sau đó, Mỹ và Trung Quốc ký Thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Theo văn bản được hai bên ký kết, Trung Quốc cam kết tăng thêm 200 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ trong hai năm 2020 và 2021, với mốc so sánh là tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ của Trung Quốc trong năm 2017.
Trong khi đó, Mỹ duy trì hầu hết các mức thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc để đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện các cam kết của mình.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến việc thực hiện thỏa thuận giai đoạn một này.
Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ), riêng trong năm 2020, theo đúng thỏa thuận đề ra, Bắc Kinh phải tăng lượng hàng hóa mua thêm từ Mỹ ít nhất là trên 63,9 tỷ USD so với ngưỡng của năm 2017. Nhưng trên thực tế, Bắc Kinh chỉ thực hiện được 58% cam kết này.
Nhìn chung, tính đến tháng 7/2021, các cam kết của Trung Quốc theo thỏa thuận giai đoạn một đã được thực hiện 69%. Tuy nhiên, xét những điều kiện bất khả kháng hiện nay, kết quả này cũng khá tích cực.
Trung Quốc là quốc gia duy nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) kết thúc năm 2020 với mức tăng trưởng dương.
Do các quốc gia khác có tốc độ tăng trưởng giảm bởi dịch Covid-19, các chỉ số của Trung Quốc về lượng mua các sản phẩm của Mỹ có thể được coi là một kết quả vượt trội.
Điều đáng chú ý là chính quyền hiện tại của Mỹ không thể hiện sự quan tâm lớn, ít nhất là trước công chúng, về quá trình thực hiện thỏa thuận thương mại mà ông Trump đã ký.
Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ xem xét lại thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, quá trình này đã kéo dài hơn 6 tháng.
Mỹ sẽ "cứng rắn" hơn
Các nhà quan sát cho rằng, với quan hệ thương mại Mỹ-Trung vẫn đóng băng trong trạng thái không chắc chắn, Bắc Kinh không còn hy vọng vào việc chính quyền của ông Biden sẽ khôi phục đối thoại và hợp tác thực dụng hơn.
Ngược lại, ông Biden đã bổ sung những "điểm nóng" mới cho quan hệ song phương - cụ thể là các biện pháp trừng phạt liên quan đến vấn đề nhân quyền. Ông Biden cũng mở rộng danh sách các công ty Trung Quốc mà nhà đầu tư Mỹ bị cấm giao dịch.
Do đó, kết quả của việc sửa đổi thỏa thuận thương mại có thể sẽ là việc Washington quyết định tiến hành một cuộc điều tra mới theo Điều 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ.
Điều này chưa được công bố chính thức, nhưng tờ Financial Times (Anh) dẫn các nguồn tin riêng cho biết, Đại diện Thương mại và Bộ trưởng Thương mại Mỹ đều cho rằng, thỏa thuận giai đoạn một không thể giải quyết được các vấn đề phức tạp trong quan hệ kinh tế thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ví dụ, thỏa thuận không nói gì về việc Trung Quốc trợ cấp cho các công ty trong nước, mà theo Washington, điều này làm suy yếu khả năng cạnh tranh của hàng hóa Mỹ trên thị trường thế giới.
Theo chuyên gia Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán, bằng cách mở một cuộc điều tra mới, Washington có thể áp dụng chiến lược mới đối với Trung Quốc. Trước tiên là áp đặt các biện pháp trừng phạt mới và sau đó gây áp lực buộc Bắc Kinh phải đáp ứng các yêu cầu của Washington.
Tuy nhiên, chiến thuật này có thể sẽ không đem lại hiệu quả cao. Rõ ràng, nếu Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Trung Quốc, điều này sẽ dẫn đến một vòng leo thang mới trong quan hệ song phương.
Thế bất lợi của Trung Quốc
Cuộc chiến thương mại và mối quan hệ song phương đang trong tình trạng tồi tệ không có lợi cho Trung Quốc.
Trước hết bởi vì Mỹ vẫn là một đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc. Thứ hai, Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào Mỹ trong việc cung cấp các công nghệ quan trọng.
Nếu mối quan hệ với siêu cường thế giới xấu đi, điều đó sẽ tác động rất mạnh đến quá trình phát triển tiềm năng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cuộc họp tại Anchorage (bang Alaska, Mỹ) hồi tháng 3/2021 cho thấy Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ về các vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích cơ bản của họ.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì, Trưởng phái đoàn Trung Quốc, đã nói rõ về tất cả những điểm khiến Bắc Kinh lo ngại liên quan đến quan hệ với Mỹ. Ông nói rằng, Mỹ không có đủ tư cách để nói rằng họ có thể đối thoại với Trung Quốc từ một vị thế áp đảo hơn.
Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã trao đổi trực tuyến với Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry.
Ông Vương Nghị nhấn mạnh, hợp tác về khí hậu của hai nước không thể tách rời môi trường rộng lớn hơn mà thuộc về quan hệ Mỹ-Trung và sự hợp tác này sẽ không bền vững nếu quan hệ song phương không được cải thiện.
Bằng cách này, Bắc Kinh cố gắng xua tan ảo tưởng của Mỹ rằng họ có thể vừa đối đầu vừa hợp tác với Trung Quốc trong những lĩnh vực có lợi cho Mỹ.
Tuần trước, các nhà lãnh đạo hai nước lần đầu tiên điện đàm với nhau. Có thể, Tổng thống Mỹ đã nhận thấy rằng, các cuộc đàm phán ở cấp độ thấp hơn không mang lại kết quả nào, nên ông đã quyết định tiếp xúc trực tiếp với nhà lãnh đạo Trung Quốc để giảm mức độ căng thẳng.
Nhà Trắng ra thông cáo nói rằng, hai bên đã thảo luận về trách nhiệm nhằm đảm bảo sự cạnh tranh không biến thành xung đột. Còn phía Trung Quốc chỉ ra rằng, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đã gây ra những khó khăn trong quan hệ song phương.
Nếu Mỹ mở một cuộc điều tra mới theo Điều 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ, đây sẽ là một bằng chứng khác ủng hộ quan điểm của Trung Quốc, tức là "trái bóng" quyết định triển vọng quan hệ Mỹ-Trung đều nằm bên phía sân của Mỹ.