Chỉ khi DN trụ vững thì nền kinh tế mới thật sự có thể vững vàng cùng thế giới mở lối đi ngang tâm dịch. (Nguồn: Báo Thanh Niên) |
Thay đổi cách tiếp cận
Sự bùng phát mạnh của làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ tư đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Không ít DN hiện đã phải tạm dừng hoạt động, thậm chí rút lui khỏi thị trường.
Theo số liệu thống kê, trong 8 tháng năm 2021, có 85.500 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó TP. Hồ Chí Minh có tới 24.000 DN.
Số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43.200, chiếm 50,5% tổng số DN rút lui khỏi thị trường. Với con số này, tính trung bình mỗi tháng, cả nước có gần 11.400 DN rút khỏi thị trường.
Nhận định của các chuyên gia kinh tế, đợt dịch này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất - nơi tập trung lượng lớn người lao động, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước…
Kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch Covid-19 là mục tiêu căn bản, thống nhất và kiên định của nước ta.
Gần 2 năm qua, cả nước đã thực thi nhiều giải pháp ứng phó với diễn biến thực tế của dịch bệnh.
Tuy nhiên, trước diễn biến dai dẳng của đại dịch, cùng với tiến trình tiêm vaccine đang được đẩy mạnh tại các vùng bùng phát dịch và nguy cơ cao, xét theo xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới, Chính phủ đã thay đổi cách tiếp cận và chiến lược phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay và trong giai đoạn tới. Đó là chủ động thích ứng và sống chung an toàn lâu dài với Covid-19.
Không nằm ngoài xu hướng này, bản thân mỗi DN cũng phải tìm kiếm khả năng kinh doanh mới, cách thức quản trị mới để sống chung, sống an toàn trong môi trường biến đổi này.
Chia sẻ tại phiên hiến kế trực tuyến “Giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với dịch Covid-19”, do Tạp chí VnEconomy tổ chức mới đây, PGS, TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định: "Trong bối cảnh hiện nay, không chống được dịch cũng chết, mà không làm kinh tế được cũng chết, nên bài học đặt ra là chúng ta phải sống chung với dịch, nhưng sống chung thế nào thì cần có giải pháp…"
Tăng cường kiểm soát y tế
Tại nhiều diễn đàn, đại diện các DN cho rằng, đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho người lao động tại DN là ưu tiên quan trọng nhất. Cùng với đó, cần đảm bảo thông suốt trong vận tải hàng hóa liên tỉnh và nội tỉnh, tránh gián đoạn vận chuyển hàng hóa cũng gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng...
Cho đến nay, ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và duy trì sản xuất, kinh doanh.
Việc tiêm phòng cho mọi người sớm bao nhiêu thì càng có thể sớm trở lại hoạt động kinh doanh và cuộc sống bình thường bấy nhiêu; nếu chậm trễ, dịch bệnh có thể bùng phát, xâm nhập bất cứ lúc nào vào DN, và sẽ gây thiệt hại nặng nề cho ngành công nghiệp.
Sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các DN trong ngành công nghiệp không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của nền kinh tế đất nước trong dài hạn, mà nhiều khả năng, nhà mua hàng và sản xuất lớn trên thế giới sẽ tìm kiếm sự bù đắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ các quốc gia khác.
Như vậy, việc quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu của DN Việt sẽ rất khó khăn.
Là một trong những địa phương nằm trong tâm dịch lần thứ 4, lại có nhiều khu công nghiệp, tỉnh Bắc Ninh đang đẩy mạnh tiêm vaccine mũi 2 cho công nhân lao động.
Tính riêng từ ngày 8-12/9/2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai tiêm mũi 2 vaccine phòng Covid-19 cho khoảng 93.000 người đã được tiêm mũi 1 từ ngày 5/6 trở về trước.
Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố cũng triển khai tiêm mũi 2 cho các đối tượng thuộc Nghị quyết 21/NQ-CP, như: Lực lượng tuyến đầu chống dịch, các ban, ngành, đoàn thể, Tổ Covid cộng đồng và nhân dân vùng dịch; công nhân, người lao động thuộc các công ty, DN trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn đã tiêm mũi 1 từ ngày 5/6 về trước.
Nhận định của chuyên gia, lúc này, tốc độ tiêm vaccine sẽ quyết định tốc độ “đứng dậy” của nền kinh tế, quyết định tốc độ “nối mạch” của Việt Nam với thế giới và đưa thế giới vào Việt Nam.
Chỉ khi DN trụ vững thì nền kinh tế mới thật sự có thể vững vàng cùng thế giới mở lối đi ngang tâm dịch.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19. |