Nhỏ Bình thường Lớn

Để doanh nghiệp không phải 'gặt quả đắng' trong thương mại quốc tế

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã phải “gặt quả đắng” tại các thị trường quốc tế, thậm chí tại các thị trường lớn vì quá tin tưởng môi giới, thiếu kiến thức và thông tin.

Chiều 23/8, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo “Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế: Kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam từ vụ việc các container hạt điều”.

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm về vụ việc các container hạt điều nêu trên cho cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, giúp doanh nghiệp nâng cao hiểu biết pháp luật thương mại quốc tế cũng như nhận diện được những rủi ro tương tự trong hoạt động thương mại; từ đó phòng, tránh tranh chấp, lừa đảo khi triển khai các giao dịch xuất nhập khẩu.

Để doanh nghiệp không phải “gặt quả đắng” trong thương mại quốc tế
Toàn cảnh Hội thảo ngày 23/8. (Ảnh: Thành Hải)

Nguy cơ tranh chấp, lừa đảo lớn hơn, phức tạp hơn

Theo Ban Pháp chế của VCCI, báo cáo của Hiệp hội Chuyên gia chống lừa đảo toàn cầu cho thấy, các doanh nghiệp toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo. Giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD.

Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế trong 2 năm trước thời điểm khảo sát như sau: Năm 2018 là 49%; năm 2020 là 47% và năm 2022 là 46%.

Về phân loại lừa đảo, có 43% từ bên ngoài, 31% từ nội bộ, 26% thông đồng giữa trong và ngoài.

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, 52% doanh nghiệp tham gia khảo sát của PwC từ Việt Nam cho biết họ trải nghiệm lừa đảo hoặc tội phạm kinh tế khác trong 2 năm trước thời điểm khảo sát. Con số này cao hơn mức 46% chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu.

Tin liên quan
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết container hạt điều tại Italy Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết container hạt điều tại Italy

Theo khảo sát, các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng các biện pháp chống lừa đảo. Không nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước.

Nguyên nhân là không tin tưởng cơ quan nhà nước, không tin tưởng vào năng lực chuyên môn cơ quan nhà nước, lo ngại thông tin bị lộ lọt ra công chúng.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký - Trưởng Ban pháp chế VCCI cho rằng, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác hơn, sang nhiều sân chơi rộng hơn, luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn hơn, phức tạp hơn.

Các lừa đảo và tranh chấp mà doanh nghiệp thường phải đối mặt là do không có điều kiện kiểm tra kỹ lưỡng về đối tác, lựa chọn phương thức thanh toán chưa phù hợp, có thể từ những gài cắm đầy tính toán từ đối tác trong hợp đồng mà doanh nghiệp Việt Nam vốn chưa có nhiều kinh nghiệm.

"Khi làm ăn thuận lợi phải tính đến rủi ro. Sự an toàn, tin cậy luôn cần phải trả bằng chi phí. Đây là điều tưởng như hiển nhiên, đơn giản nhưng không phải doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng thực hiện được”, ông Tuấn chia sẻ.

Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, ông Tuấn cho rằng, trước tiên, doanh nghiệp phải tự hoàn chỉnh mình, có nhân lực tốt, bộ máy tốt, hệ thống quản trị rủi ro tốt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải có mạng lưới thông tin, thường xuyên liên hệ với các cơ quan thương vụ Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ, dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp trong sử dụng các dịch vụ pháp lý.

Về vụ 100 container hạt điều Việt Nam tại Italy, ông Bạch Khánh Nhật, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, thông tin, ban đầu, các doanh nghiệp bị lừa gần 100 container, nhưng sau khi xác thực lại chính xác có 76 container điều xuất qua Italy gặp sự cố.

“Đến nay, đã cơ bản xử lý thành công vụ việc, từ nguy cơ mất trắng nay doanh nghiệp không mất container nào, dù kẻ lừa đảo đã chiếm được 33 bộ chứng từ gốc”, ông Nhật cho biết.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam khẳng định, trong vụ việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rất quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc. Đại sứ quán, thương vụ Việt Nam tại Italy cũng sát sao với vụ việc.

Vì vậy, các cơ quan công quyền của Italy cũng thấy được sự nghiêm trọng của vấn đề và thúc đẩy an ninh sở tại vào cuộc. Vụ việc sau đó được đưa ra xét xử và những kẻ lừa đảo đã đứng trước vành móng ngựa.

"Ngày 20/4, khi điện đàm với Thủ tướng Italy Mario Draghi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cảm ơn Italy phối hợp tích cực xử lý vụ việc một số doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều Việt Nam nguy cơ bị lừa đảo. Thủ tướng Italy Mario Draghi khẳng định, Italy rất quan tâm đến vụ việc này, đã chỉ đạo cơ quan chức năng ngăn chặn không giao hàng cho bên thứ 3 và tiếp tục điều tra, đưa vụ việc ra xét xử", ông Nhật thông tin.

Nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc lần này theo ông Nhật là các doanh nghiệp đã quá tin tưởng vào công ty môi giới mà không liên hệ trực tiếp với đối tác. Công ty môi giới cũng là đầu mối lâu dài khi đã có 15 năm làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu điều.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần cảnh giác với các đơn hàng tăng bất thường, và khi có vụ việc cần phối hợp ngay với hiệp hội ngành hàng để bảo vệ quyền lợi trong xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần trao đổi với doanh nghiệp cùng ngành hàng để chia sẻ kinh nghiệm.

Để doanh nghiệp không phải “gặt quả đắng” trong thương mại quốc tế
Vụ 100 container hạt điều là một bài học đắt giá cho doanh nghiệp Việt khi giao thương tại thị trường quốc tế. (Nguồn: VnEconomy)

Cần chủ động hơn nữa

Phân tích bài học từ vụ doanh nghiệp xuất khẩu trong nước bị lừa xuất gần 100 container hạt điều sang Italy, ông Nguyễn Đức Thanh, Công sứ tham tán thương mại tại Italy, người trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp đòi lại gần trăm container thời gian qua cho biết, đây là vụ lừa đảo rất lớn, chưa bao giờ doanh nghiệp trong nước bị lừa nhiều như thế.

Ngoài 5 doanh nghiệp bị lừa xuất khẩu 76 container hạt điều hồi đầu năm, còn có 2 công ty trong nước khác đã ký hợp đồng với bọn lừa đảo nhưng chưa chuyển hàng vì được ngăn chặn kịp thời.

Kể về vụ đấu tranh để đòi lại 76 container hạt điều, trị giá hàng chục triệu USD tại Italy thời gian qua, ông Thanh cho hay, hầu hết đối tác nhập khẩu của 5 doanh nghiệp trong nước là những công ty đăng ký kinh doanh ở địa phương, rất nhỏ, không hoạt động, chỉ có 1-2 người làm việc. Có công ty ở giữa cánh đồng, không hoạt động sản xuất.

Tin liên quan
Bộ Ngoại giao thông tin về việc lấy lại lô hạt điều tại Italy Bộ Ngoại giao thông tin về việc lấy lại lô hạt điều tại Italy

"Để hạn chế rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, doanh nghiệp cần chủ động tự xác minh đối tác, kiểm tra địa chỉ công ty đối tác qua Google Map, gọi video để kiểm tra nhà máy, xưởng của đối tác, nếu không tin cậy thì không xuất hàng", ông Thanh khuyến cáo.

Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu cũng có thể mua báo cáo tài chính của công ty đối tác để kiểm tra năng lực, chi phí chỉ mất khoảng 10 USD. Đồng thời, có thể nhờ tới các cơ quan thương vụ Việt Nam tại các nước nếu cần. Điều quan trọng nữa là khi ký kết hợp đồng cần làm rõ điều khoản thanh toán phù hợp năng lực doanh nghiệp.

“Chẳng hạn với vụ hạt điều giá trị xuất khẩu lớn cần yêu cầu đối tác mua hàng đặt cọc 10% giá trị, còn lại thanh toán sau. Điều này giúp doanh nghiệp xác minh được doanh nghiệp nhập khẩu có tài khoản ngân hàng hay không, nắm được thông tin về người chuyển tiền, người nhập hàng”, ông Thanh dẫn chứng.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế, ông Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, doanh nghiệp nên chỉ định ngân hàng quốc tế có uy tín tại nước nhập khẩu để thu tiền, ký hậu vận đơn, chi phí tăng thêm không đáng kể so với trị giá lô hàng để bảo đảm an toàn.

Với đối tác mới giao dịch lần đầu, cần tìm hiểu, điều tra kỹ thương nhân để có độ an toàn cao nhất. Doanh nghiệp cũng nên chủ động gửi đăng ký kinh doanh của mình trước cho đối tác để có cơ sở đề nghị họ gửi đăng ký kinh doanh và coi đây là việc bình thường khi giao dịch, qua đó biết được thông tin của đối tác.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tìm hiểu đối tác qua sự giúp đỡ của Đại sứ quán, Cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước sở tại. Lựa chọn đối tác gần như là khâu quyết định của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đối tác có uy tín, làm ăn lâu năm thì dù giá có tăng hay giảm, họ vẫn duy trì hợp đồng.

“Doanh nghiệp nên dùng Trọng tài giải quyết tranh chấp thay cho Tòa án như các doanh nghiệp trong vụ việc này đã thỏa thuận trong hợp đồng để linh hoạt và nhanh chóng khi sự việc xảy ra. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như trong vụ việc này để hạn chế hoặc tránh thiệt hại”, ông Lễ nhấn mạnh.

Ngành gỗ 'loay hoay' trước nguy cơ gia tăng phòng vệ thương mại

Ngành gỗ 'loay hoay' trước nguy cơ gia tăng phòng vệ thương mại

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở ra cơ hội lớn cho hàng hoá xuất khẩu Việt Nam tiếp ...

Bảo vệ ngành mía đường, Bộ Công Thương áp dụng chống lẩn tránh phòng vệ thương mại

Bảo vệ ngành mía đường, Bộ Công Thương áp dụng chống lẩn tránh phòng vệ thương mại

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1514/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với ...

Việt Nam tận dụng hiệu quả các FTA, chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại

Việt Nam tận dụng hiệu quả các FTA, chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại

Việt Nam đang tận dụng hiệu quả các FTA. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải đối mặt với việc gia tăng các biện pháp phòng ...

Chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, tận dụng tối đa lợi ích các FTA

Chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, tận dụng tối đa lợi ích các FTA

Việt Nam đang tận dụng hiệu quả các FTA để gia tăng kim ngạch xuất khẩu nhưng cũng gặp không ít áp lực, thách thức ...

Hỗ trợ kháng kiện phòng vệ thương mại, tạo sức bật cho doanh nghiệp xuất khẩu

Hỗ trợ kháng kiện phòng vệ thương mại, tạo sức bật cho doanh nghiệp xuất khẩu

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng, xu thế sử dụng các biện pháp phòng vệ thương ...