📞

Để “Giấc mơ Chapi” còn mãi...

07:00 | 02/07/2017
Cuối tuần qua, tại làng Raglai thuộc quần thể du lịch Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng Văn hóa) thật rộn ràng. Nơi đây, dân tộc Raglai tỉnh Ninh Thuận đã giới thiệu về văn hóa của đồng bào mình qua việc tái hiện lễ Bỏ mả, đánh mã la, đan gùi, triển lãm ảnh, ẩm thực…. Nhưng tôi đặc biệt thích không gian bên cây đàn Chapi. Đó cũng chính là điểm nhấn của Chương trình tại Làng Văn hóa với chủ đề “Giấc mơ Chapi”.

Tôi cũng như nhiều người thích bài “Giấc mơ Chapi” của nhạc sỹ Trần Tiến. Khi hát lên, ca từ, nhạc điệu của nó khiến người ta như thấy được hình ảnh của đại ngàn Tây Nguyên. Nơi đây kể những câu chuyện về các chàng trai, cô gái trong bản rủ nhau lên những quả đồi trò chuyện. Thanh âm của đàn Chapi ngân vang theo giai điệu lãng mạn của tình yêu đôi lứa. Vì thế, ngoài thời gian xây đắp cuộc sống cho chính mình bằng mồ hôi, sức lao động, họ “sống không mùa Đông, không mùa nắng mưa, chỉ có một mùa yêu nhau…”.

Nghệ nhân Kator Đôi giới thiệu cách làm đàn Chapi. (Ảnh: MH)

Dù đã quen thuộc với giai điệu trữ tình ấy nhưng có lẽ, ít người biết về cây đàn Chapi của đồng bào Raglai được chế tác như thế nào, vì sao âm thanh của nó lại quyến rũ, mê hoặc đến vậy... Thế nên, trong không gian nhà truyền thống của dân tộc Ê Đê ở Đồng Mô (Hà Nội), khi xem nghệ nhân Kator Đôi biểu diễn chế tác đàn Chapi, tôi và nhiều du khách khác tại Làng Văn hóa đã không khỏi ngạc nhiên...

Nghệ nhân Kator Đôi giải thích: “Đàn Chapi được làm từ phần ống tre ở gốc. Đặc biệt, 12 sợi dây đàn cũng được làm từ tre, khác với dây các loại đàn khác. Cái khó nhất khi chế tác đàn Chapi là vị trí đục lỗ đàn để âm thanh các dây đàn vang lên khác nhau. Đàn Chapi đạt chất lượng có thể được dùng để chơi nhạc đệm rất hay.

Tham gia Chương trình, chị Đặng Thị Hoài Thu, Trưởng nhóm nhạc dân tộc Mùa Xuân không dấu sự thán phục. Chị nói: “Tôi đã nghiên cứu nhiều nhạc cụ dân tộc Việt Nam và đã được nghe về cây đàn Chapi. Tôi thật hạnh phúc khi hôm nay, lần đầu tiên, được xem các nghệ nhân Raglai sáng tạo ra nhạc cụ đó, chính trong không gian truyền thống của đồng bào Tây Nguyên”.

Hoàn thành tác phẩm đàn Chapi, chỉnh dây rồi đưa mọi người đánh thử, ánh mắt nghệ nhân Kator Đôi chợt buồn xa xăm, ông nói: “Giờ thanh niên ở bản tôi yêu nhau chóng vánh lắm, không còn như thời ông bà yêu nhau qua cây đàn Chapi trên nương, trên rẫy. Chính vì vậy, tôi càng muốn giữ cái nghề làm đàn này, để “Giấc mơ Chapi” còn mãi”.

Trong chương trình giao lưu âm nhạc tại đây, tiếng đàn Chapi của các nghệ nhân Raglai hòa tấu cùng dàn nhạc dân tộc Việt Nam Mùa Xuân, chơi bài “Giấc mơ Chapi”. Bài hát đã vang lên trong “ngôi nhà chung” của 54 dân tộc, như sợi chỉ vàng lấp lánh, gắn kết tình cảm các dân tộc anh em.

Chia tay các nghệ nhân, tôi lên xe trở về nội thành, đâu đó những âm thanh quen thuộc vẫn vang vọng: “Ôi Raglai, những rừng cây ngọn núi mang tiếng đàn Chapi”...