TIN LIÊN QUAN | |
Giáo dục con trong thế giới đang thay đổi | |
Hãy là một phụ huynh "low-tech” |
TS. Lê Nguyên Phương. (Ảnh: NVCC) |
Thưa Tiến sĩ, hiện nay rất nhiều phụ huynh cảm thấy hoang mang như đang rơi vào “mê trận” phương pháp giáo dục con. Dưới góc độ một chuyên gia, ông nhìn nhận thực trạng này ra sao?
Tôi nghĩ, trước vô số tài liệu về nuôi dạy trẻ được phổ biến qua sách vở, mạng xã hội hiện nay, phụ huynh cần nhận diện và sử dụng các tài liệu này sao cho hiệu quả.
Thứ nhất, loại sách kể về kinh nghiệm dạy con của các bà mẹ có con thành công trong xã hội hay học vấn. Các tài liệu này dễ đọc, thú vị nhưng chỉ dùng để tham khảo. Bởi những sách này chủ yếu xuất phát từ kinh nghiệm đặc thù của gia đình và tương quan giữa phụ huynh và con trẻ trong các gia đình này.
Thứ hai, các tài liệu nuôi dạy con theo các quốc gia khác nhau. Loại sách này cũng chỉ nên đọc để xem các giá trị của nền văn hóa nào mình thấy gần gũi với văn hóa Việt Nam. Từ đó, chúng ta đọc để hiểu được vai trò của văn hóa và giá trị trong giáo dục.
Cuối cùng, sách viết về các phương pháp giáo dục con trẻ dựa trên các nghiên cứu và lý thuyết khoa học trong các ngành Tâm lý lứa tuổi, Tham vấn tâm lý, Tâm lý lâm sàng… Loại sách này rất cần thiết, cung cấp kiến thức cho việc dạy con. Đáng tiếc, hầu hết loại này là sách dịch và đọc không hấp dẫn.
Tuy nhiên, người đọc sách dịch ở Việt Nam cũng cần chú ý một số sách ở Mỹ, Pháp chưa chắc đã là cuốn sách đúng đắn về phương pháp dạy con. Bởi người đọc ở các nước tiên tiến đôi khi cũng chạy theo phong trào. Phụ huynh Việt Nam cần tỉnh táo tìm kiếm các cuốn sách dựa trên cơ sở khoa học và do các chuyên gia đáng tin cậy viết.
Khi chúng ta đọc nhiều, rồi sau đó trải nghiệm và chiêm nghiệm thực tế sẽ biết được cuốn nào thực sự có giá trị để ứng dụng cho việc giáo dục con. Về phương pháp, chúng ta sẽ học được qua sách vở hay chuyên gia. Vấn đề là chúng ta có đủ sáng suốt để chọn lựa và áp dụng hay không mà thôi.
Mở cửa hội nhập, dường như những giá trị cũ đang bị phai mờ bởi những giá trị mới. Trước sự xung đột giá trị giữa các thế hệ, theo Tiến sĩ làm sao để có thể dung hòa được các mối quan hệ trong gia đình trong việc nuôi dạy trẻ?
Hiện tượng xung đột giá trị giữa các thế hệ là khi các giá trị cũ không còn thích hợp do quá trình hội nhập và chuyển biến của xã hội. Sự xung đột này ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống, đặc biệt là vấn đề dạy con trong gia đình.
TS. Lê Nguyên Phương tại buổi lễ ra mắt cuốn sách Dạy con trong "hoang mang" của ông. (Ảnh: Phương Thảo) |
Việc dung hòa chỉ có thể thành công khi các thế hệ trao đổi trong tình thương yêu, tôn trọng lẫn nhau, đặt hạnh phúc và thăng tiến của con cháu lên trên hết. Đồng thời, các thế hệ phải thảo luận trên tinh thần cầu thị và hợp lý chứ không phải nhân danh quyền lực, vai vế, hay cái gọi là “truyền thống” để áp đặt trẻ.
Bởi dung hòa các mối quan hệ trong gia đình do nhịn nhục, tránh né cũng chỉ là những giải pháp tạm bợ và nửa vời. Điều đó, nhiều khi có hại cho đứa trẻ, thực tế chỉ để người lớn thỏa mãn cái bản ngã nào đó, mục đích, kỳ vọng nào đó mà thôi.
Vậy Tiến sĩ nhận định đâu là thang giá trị mà các bậc phụ huynh nên hướng đến trong việc giáo dục con cái?
Tôi thấy những giá trị hiện đại không có gì mới. Những giá trị đó vốn là những giá trị đã được đề cao trong nền văn hóa của chúng ta. Chẳng hạn, đó là “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” trong Khổng giáo hay “bi, trí, dũng” của Phật giáo... Đó là những đức tính mà người quân tử phải có từ thời xưa và đến nay vẫn có giá trị với những người trí thức.
Nói về giao tiếp, chúng ta có câu “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (nghĩa là Điều gì chúng ta không muốn thì đừng làm với người khác). Đây cũng là một phương châm xử thế có giá trị lâu dài.
Bỏ cái cũ chỉ vì chuộng cái mới mà không rõ ý nghĩa và giá trị của cái mới sẽ chẳng ích lợi gì. Nhưng ngược lại, giữ cái cũ vì nhân danh truyền thống mà không hiểu hết ý nghĩa của nó, có khi còn gây hại nhiều hơn.
Tôi nghĩ, cần "gạn đục khơi trong" giữa cái cũ và cái mới, từ đó phát huy những đức tính đó trong sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.
Trước nhiều phương pháp giáo dục du nhập vào Việt Nam, có phụ huynh muốn tận dụng cơ hội để giáo dục con trong những năm đầu đời, nhưng có người lại muốn con được phát triển một cách tự nhiên. Vậy phương pháp nào là tốt nhất?
Tôi thấy thực trạng này cũng dễ hiểu. Theo tôi, dạy con thuận tự nhiên nhất chính là đáp ứng nhu cầu học hỏi và sự phát triển tâm sinh lý của cá nhân đứa trẻ. Với một đứa trẻ muốn tập đọc sớm, thích thú với con chữ và sách vở, chúng ta không thể nào cho rằng phải thuận tự nhiên mà kìm hãm nó, không dạy nó tập đọc. Ngược lại, một đứa trẻ thích tìm tòi, khám phá thiên nhiên, nếu ép chúng học đọc và làm toán từ 2 tuổi, khác nào chúng ta đang lập trình cho một người máy chứ không phải giáo dục một con người?
Cái quan trọng của việc giáo dục trẻ là cần dựa trên sở thích và sở trường của trẻ, phù hợp với sự phát triển của trẻ. Đặc biệt, việc giáo dục phải giúp trẻ phát hiện các nguồn động lực tự thân thay vì dùng thưởng phạt để ép buộc.
Giáo dục con theo phương pháp nào? (Nguồn: phunuvietnam) |
Là một chuyên gia thực hành tâm lý học đường quốc tế hàng đầu, theo Tiến sĩ, chúng ta cần phải có phương pháp nào để giáo dục trẻ hạnh phúc, trở thành công dân toàn cầu và đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế?
Để dạy trẻ trở nên hạnh phúc và có khả năng hội nhập toàn cầu, theo tôi đòi hỏi nhiều yếu tố. Thứ nhất, trẻ sẽ có hạnh phúc khi được đáp ứng những nhu cầu của chúng. Theo nghiên cứu, những nhu cầu này bao gồm, được an toàn về thể xác và tinh thần, được yêu thương và gắn bó với người chung quanh. Đồng thời, trẻ cần được tôn trọng ý kiến và quyết định của mình, được làm chủ những vấn đề liên quan đến cuộc sống của mình. Cùng với đó, các em nên được tạo cơ hội giải quyết những vấn đề thách thức trí năng hay sức lực của mình và được tham gia những công việc hay sinh hoạt có ý nghĩa.
Nghiên cứu còn cho thấy, trẻ sẽ hạnh phúc khi có cha mẹ hạnh phúc. Đặc biệt, khi những nỗ lực thể hiện ý chí và nghị lực của chúng được khen ngợi, trẻ sẽ thấy mình được tôn trọng. Cha mẹ nên khuyến khích khi trẻ biết nhìn vấn đề từ nhiều góc cạnh với thái độ lạc quan, biết điều hòa cảm xúc, có tinh thần kỷ luật, đặc biệt biết trì hoãn việc hưởng thụ. Theo tôi nghĩ, những yếu tố này cực kỳ quan trọng trong vấn đề nuôi dạy trẻ trong thời đại toàn cầu.
Cùng với đó, để trở thành công dân toàn cầu, trẻ phải hiểu biết và đánh giá khách quan, trung thực về nền văn hóa của chính mình và các nền văn hóa thế giới. Họ có khả năng hòa nhập được với các nền văn hóa khác mà vẫn giữ được bản sắc của chính mình. Đồng thời, họ có những kỹ năng mềm thích hợp với tinh thần và không gian đa văn hóa. Ngoài ra, họ còn có khả năng linh động và uyển chuyển vận dụng những khung giá trị của các nền văn hóa khác nhau tùy theo xã hội và quốc gia đến thăm, làm việc hay cư ngụ.
Nếu cần phải chia sẻ một kinh nghiệm giáo dục con trẻ từ các nước cho Việt Nam, tôi nghĩ các phụ huynh Việt hãy tạo điều kiện cho trẻ ngày một tự chủ hơn. Tinh thần tự chủ sẽ đi đôi với tinh thần trách nhiệm của trẻ về cuộc sống của mình. Tất nhiên, tinh thần tự chủ đó chỉ có thể được hình thành trong một môi trường sinh hoạt dân chủ trong gia đình.
Xin cảm ơn Tiến sĩ!
TS. Lê Nguyên Phương là Lãnh đạo giáo dục chuyên ngành Tâm lý giáo dục tại Đại học Nam California (Mỹ). Ông trải qua 20 năm tư vấn học đường từ cấp mầm non đến đại học tại Mỹ. Ông là người đầu tiên nhận giải “Chuyên gia thực hành tâm lý học đường quốc tế kiệt xuất” của Tổ chức International School Psychology Association 2011 (ISPA). Ông cũng là chuyên gia Fullbright của Bộ Ngoại giao Mỹ và là người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển Tâm lý học đường tại Việt Nam. TS. Lê Nguyên Phương hiện là chuyên gia Tâm lý học đường của Học khu Long Beach và là Giảng viên của Đại học Chapman(Mỹ). |
Hơn 4.000 điểm 10 có đúng thực trạng? GS. NGND Nguyễn Lân Dũng thấy đáng lo trước “cơn mưa” điểm 10 trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. |
Văn hóa gia đình phải bắt đầu từ yêu thương Nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6), TS. Hồ Bất Khuất - Trưởng Ban Thư ký Biên tập Tạp chí Gia đình & Trẻ em đã ... |
"Nếu chỉ bỏ biên chế giáo viên thì chưa công bằng" PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh (Phó Viện trưởng Viện kinh tế và thương mại quốc tế - Đại học Ngoại thương) cho rằng, bỏ biên chế ... |