Phải chăng vụ “Xin chào” đã không/ chưa hề được “rút kinh nghiệm” để các nhân viên thực thi công lực hay chấp pháp từ nay tránh những cách hành xử tương tự ngõ hầu người dân (1) thấy rằng pháp luật được tôn trọng – và (2) họ được pháp luật bảo vệ!
Việc hai vụ truy tố hình sự “khác thường” hầu như tương tự đã xảy ra chỉ trong vòng 5 tháng buộc người ta phải ngờ rằng các nhân viên công lực thiếu hiểu biết về luật tố tụng hình sự cũng như về luật hình sự (?) nên mới tùy tiện đòi truy tố hình sự như thế. Nếu đúng thế, vấn đề đặt ra không chỉ là tường trình, xác minh, rồi xử lý các cá nhân liên quan, mà là làm sao không để tạo nên một xu hướng hình sự hóa những việc vô cùng giản đơn thuộc quản lý hành chính (hay kinh tế).
Ảnh minh họa. (Nguồn: Zing). |
Liệu có thể nghĩ đến một hình thức nào đó, dựa trên khảo sát xã hội học, để mô tả hiện trạng thực thi pháp luật của các nhân viên công lực hay chấp pháp, hội đủ tính đại diện, khách quan cần thiết, rồi từ đó phân tích, kết luận về tình hình thực thi pháp luật trong cả nước, giống như những gì đã làm từ 7 năm qua trong lĩnh vực hành chính, như qua những khảo sát PAPI cấp tỉnh ở Việt Nam? PAPI là công cụ theo dõi việc thực thi chính sách, phản ánh chân thực tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Chỉ số PAPI hướng tới cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương... (1) tạo tập quán cạnh tranh lành mạnh và văn hóa học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương; (2) tạo cơ hội cho người dân nâng cao năng lực đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền đồng thời vận động chính quyền cải thiện cung cách phục vụ nhân dân...
Đúng là 7 năm qua đã có một chuyển biến về tính cạnh tranh giữa các tỉnh, thành. Tháng 6 năm nay, ở thành phố này hay thành phố kia cũng đã bị chỉ trích vì vị trí cạnh tranh không cao sau khi kết quả PAPI được công bố. Vấn đề là ngoài (vài) buổi họp “xức dầu cù là” đó, liệu có đem nội dung khảo sát ra làm “bài thực tập” suy ngẫm cho các công chức học “Đạo đức” hay không? Việc mới chỉ giới thiệu PAPI trong mỗi “một buổi chia sẻ kết quả PAPI trong chương trình bồi dưỡng đội ngũ dự nguồn cán bộ cao cấp đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo ở trung ương và địa phương” giai đoạn 2016-2021, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, là ít/ vừa/ nhiều? Liệu có thể tin tưởng “độ chín” của các công chức ở những cấp thấp hơn, đến cấp trưởng phòng, ban ở các huyện, hay lãnh đạo xã... để cho cuộc cạnh tranh cải cách hành chính này có thêm “chân rết” tham gia, đưa sự sửa đổi vươn đến tận cơ sở, tức đại đa số người dân?
Song, hành chính mới chỉ là một mặt của bộ máy công quyền. Mặt kia, quan trọng không kém, thậm chí còn hơn, chính là bộ máy công lực, chấp pháp. Những vụ giải oan, mà mới nhất là vụ “tử tù oan” hơn 40 năm nay mới được xin lỗi, hay các vụ như “Xin chào” hay “cùi bắp” đòi hỏi một nỗ lực cải tổ bộ máy này cùng với cuộc cải tổ hành chính qua PAPI. Chắc là đã đến lúc mở rộng phạm trù khảo sát cùng bảng câu hỏi khảo sát, không chỉ đóng khung ở hiệu quả quản trị và hành chính công, mà mở rộng ra cả trong lĩnh vực thực thi công lực, để người dân cũng sẽ nói lên những cảm nghĩ của mình, như trong khảo sát PAPI, về sự thực thi công lực, chấp pháp.
Trong khi chờ đợi một sự mở rộng khảo sát như thế, có lẽ bên cạnh việc hỏi người dân, cũng nên mời các công chức (gồm cả các nhóm nhân viên công lực, chấp pháp) cùng tham gia trả lời bảng câu hỏi hiện tại của PAPI trong vị trí người dân. Một khi các công chức, nhân viên công lực và chấp pháp, cởi bỏ lớp vỏ “cán bộ” cùng “quy trình” ra để cảm nhận và tự trả lời bảng câu hỏi về hiện trạng hành chính của xã hội - một động tác tâm lý học ngôi thứ nhất cần thiết cho việc tự phê. Lúc đó, hy vọng sẽ không còn ai tự cho phép giở miếng “Xin chào” hay “cùi bắp” nữa.