📞

Đề nghị giám sát về môi trường biển liên quan đến Formosa

12:50 | 25/07/2016
Tiếp tục chương trình làm việc sáng 25/7, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 và thảo luận dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017.

Đề xuất 4 chuyên đề giám sát để Quốc hội lựa chọn

Theo Tờ trình, tiêu chí lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề trong Chương trình giám sát năm 2017 sẽ dựa trên nguyên tắc: là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với công tác xây dựng pháp luật; không trùng với các chuyên đề đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong khoảng từ 3 đến 5 năm tính đến thời điểm đề xuất; đảm bảo cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.

Các đại biểu tại hội trường. (Nguồn: TTXVN).

Trong năm 2017, đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại phiên họp tháng 8 và tháng 9/2017; Hội đồng Dân tộc giám sát 2 chuyên đề, các Ủy ban giám sát 1-2 chuyên đề, báo cáo kết quả với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội.

Hội đồng, Ủy ban được giao chủ trì giúp về nội dung giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể không tổ chức giám sát chuyên đề riêng của cơ quan mình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung cụ thể sau đây:

1 - Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 (giao Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội giúp về nội dung giám sát).

2 - Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 (giao Ủy ban Pháp luật giúp chủ trì về nội dung giám sát) .

3 - Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), xây dựng, chuyển giao (BT) và hợp tác công tư (PPP) (giao Ủy ban Kinh tế giúp chủ trì về nội dung giám sát).

4- Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh (giao Ủy ban Quốc phòng và an ninh giúp chủ trì về nội dung giám sát).

Nhiều ý kiến đề nghị lựa chọn giám sát chuyên đề về an toàn thực phẩm

Qua thảo luận cơ bản các ý kiến đại biểu tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình, đặc biệt là tiêu chí lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề trong Chương trình giám sát năm 2017. Các ý kiến cho rằng 4 nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét lựa chọn để thực hiện giám sát đều là những vấn đề nóng bỏng, thu hút sự quan tâm, chú ý của nhân dân và cử tri trong cả nước. Tuy nhiên qua phân tích, nhìn nhận tổng thể các vấn đề, phiên thảo luận sáng nay ghi nhận nhiều ý kiến của đại biểu đề nghị Quốc hội lựa chọn giám sát chuyên đề thứ nhất về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), chuyên đề 1 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016” là vấn đề cử tri rất bức xúc, thực phẩm không an toàn đã và đang tác động tiêu cực, hủy hoại chất lượng cuộc sống của người dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé phân tích mặc dù nội dung này đã được Quốc hội khóa XII tổ chức giám sát tại Kỳ họp thứ 3 nhưng việc Quốc hội tiếp tục giám sát lại lần này cũng dịp để Quốc hội đánh giá lại việc thực hiện của các cơ quan chức năng đối với kiến nghị của Quốc hội khóa trước về vấn đề này, qua đó Quốc hội kiểm điểm lại hệ thống pháp luật đã ban hành có phù hợp và đầy đủ để điều chỉnh.

Cũng nhìn nhận vấn đề an toàn thực phẩm là vấn đề bức xúc của xã hội, được cử tri đặc biệt quan tâm, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) bày tỏ sự lo lắng trước thực tế tất cả các khâu từ sản xuất đến chế biến thực phẩm, lưu thông, tiêu dùng thực phẩm hiện nay đều có nguy cơ không an toàn.

Phân tích trong thực tế quản lý nhà nước, vấn đề về an toàn thực phẩm hiện nay có 3 Bộ cùng tham gia là Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Tô Văn Tám đánh giá mặc dù 3 Bộ đã rất nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp nhưng thực tế còn nhiều bất cập.

Đại biểu đồng tình với nhận định trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu do không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chung và công tác điều hành phối hợp còn chưa có đầu mối chỉ đạo.

Nhận định này cũng phù hợp với đánh giá của Chính phủ, trong đó đề cập có việc chức năng nhiệm vụ của một số cơ quan vẫn còn chồng chéo, chưa rõ thẩm quyền trách nhiệm cá nhân....

Giám sát để tăng cường, củng cố niềm tin của người dân

Phân tính tình hình thực tế, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng sự vận hành hành bộ máy nhà nước và việc thực hiện trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đang là nguyên nhân của nhiều bức xúc trong xã hội, rất cần Quốc hội tổ chức giám sát.

Trên cơ sở đồng tình cao nội dung chuyên đề thứ 2 về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016," đại biểu Nguyễn Sỹ Cương thấy rằng cần đi vào nội dung cụ thể để giám sát làm rõ việc thực hiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện công vụ.

Theo đại biểu thực hiện thành công cuộc giám sát này ngay từ đầu nhiệm kỳ sẽ góp phần kiện toàn củng cố nhà nước vững mạnh. "Cuộc giám sát này sẽ giúp chúng tra đạt được sự tăng trưởng, nhưng không phải là sự tăng trưởng về kinh tế mà tăng trưởng về niềm tin của người dân đối với nhà nước, chế độ," đại biểu nhấn mạnh.

Một số ý kiến đề nghị Quốc hội cần tăng cường hơn công tác giám sát về thi hành pháp luật, công tác hướng dẫn triển khai thi hành Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của Quốc hội; đồng thời tăng cường hơn nữa công tác "hậu giám sát," đánh giá việc tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung các nội dung như giám sát về môi trường biển liên quan Formosa, an toàn giao thông, đầu tư trong nước và nước ngoài...

Kết luận phần thảo luận này tại phiên họp sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ trên cơ sở các ý kiến góp ý tại phiên thảo luận sáng nay, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến đến các đại biểu Quốc hội về các chuyên đề giám sát năm 2017. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, sẽ lựa chọn 2 chuyên đề để Quốc hội giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội.

Theo chương trình, chiều nay, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước./.

(theo TTXVN)