Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN Trương Anh Dũng cho rằng, học nghề không chỉ để làm thợ mà có thể khởi nghiệp, làm ông chủ. (Nguồn: DT) |
Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp
Sáng 8/12, tại Hà Nội, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo Đối tác phát triển lĩnh vực GDNN tại Việt Nam với chủ đề "GDNN trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0)".
Hội thảo là diễn đàn thường niên nhằm chia sẻ, cập nhật thông tin về những ưu tiên, định hướng phát triển GDNN của Tổng cục với các đối tác phát triển về lĩnh vực GDNN Việt Nam.
Tại sự kiện, Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN Trương Anh Dũng cho rằng, trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực của thị trường lao động trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động quốc tế, giáo dục đào tạo nói chung và GDNN nói riêng cũng không thể nằm ngoài xu thế chung của thế giới và phải thực hiện rất khẩn trương nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội mà cuộc CMCN4.0 mang lại.
Phát biểu tại hội thảo, ông Sebastian Paust, Tham tán phụ trách phát triển, Đại sứ quán Đức chúc mừng Việt Nam là "nhà vô địch" trong ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Theo ông Sebastian Paust, nhờ sự thành công trong đối phó với dịch bệnh, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển GDNN.
Tham tán phụ trách phát triển, Đại sứ quán Đức cho biết, theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chuyển đổi số sẽ làm mất 85 triệu đồng việc làm theo hướng truyền thống nhưng tạo ra 97 triệu việc làm mới trên toàn thế giới. Do vậy, GDNN cần điều chỉnh, thích ứng để đáp ứng nhu cầu lao động trong thời đại mới.
Tích cực dạy ngoại ngữ, dạy khởi nghiệp trong GDNN
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin Truyền thông chia sẻ về đề án đào tạo kỹ năng, phát triển nhân lực số.
"Chuyển đối số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số", ông Nguyễn Hữu Hạnh nói.
Theo ông Hạnh, phát triển xã hội số cần ưu tiên các lĩnh vực: giáo dục số, y tế số và cuộc sống số. Riêng ở lĩnh vực giáo dục, có 5 xu hướng đang được triển khai để chuyển đổi số.
Thứ nhất, phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập.
Thứ hai, số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Thứ ba, phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa.
Thứ tư, 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình.
Thứ năm, ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học.
Các chuyên gia về chuyển đổi số và giáo dục trong và ngoài nước tham dự hội thảo. (Nguồn: DT) |
Để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện, ông Hạnh cho rằng việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức trong xã hội về chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết. Bên cạnh đó, đào tạo kỹ năng chuyển đổi số, công nghệ số, dịch vụ số, kinh doanh số, xây dựng lực lượng nòng cốt; phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số là nền tảng quan trọng.
Ngoài ra cần phải phối hợp linh hoạt, hiệu quả giữa các hình thức đào tạo ngắn hạn cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng với đào tạo chính quy dài hạn.
Ông Nguyễn Nhật Quang - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Thành viên Tổ xây dựng Đề án Chuyển đổi số Tổng Cục GDNN tham luận về chủ đề "Chuyển đổi số và Tiếp cận chiến lược trong lĩnh vực GDNN".
Ông Quang cho rằng cần phải đổi mới nội dung đào tạo nhằm cải thiện khả năng thích ứng với tương lai số; chuyển mạnh sang đào tạo theo kỹ năng, cải thiện hội nhập quốc tế và tăng khả năng đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh của thị trường lao động, bổ sung năng lực số vào các kỹ năng truyền thống, bổ sung các kỹ năng mới liên quan đến công nghệ số.
Chuyên gia này chỉ ra các vấn đề còn tồn tại mà GDNN cần phải tháo gỡ để thích ứng với chuyển đổi số là: đội ngũ giáo viên còn thiếu nhiều và trình độ không đồng đều, chậm được cập nhật công nghệ mới; cơ sở vật chất cũng còn thiếu và chưa bắt kịp sự phát triển của công nghiệp; gắn kết các cơ sở đào tạo với nhau và với công nghiệp còn chưa đủ tốt; hạn chế ngoại ngữ dẫn đến hội nhập quốc tế còn rất hạn chế; hành lang pháp lý còn nhiều bất cập. Quan trọng hơn là nhận thức của xã hội về GDNN chưa tương xứng với tầm quan trọng của công tác này.
Trao đổi mở rộng với các chuyên gia, Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng cho biết số lượng tuyển sinh trong GDNN hiện nay khoảng hơn 2 triệu người/năm, con số này so với hơn 50 triệu lao động là chưa tương xứng.
Ông Trương Anh Dũng khẳng định vai trò của ngoại ngữ trong đào tạo nhân lực, trong đó quan trọng là tiếng Anh. Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho rằng việc đào tạo và truyền thụ tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ là cần thiết, để những người học nghề không chỉ làm thợ mà trở thành những ông chủ, tin tưởng rằng chuyển đổi số là tất yếu đối với ngành này, việc cần làm là đề ra lộ trình phù hợp.