📞

Để người Việt có thể tự hào về hàng Việt Nam

An Sinh 10:56 | 26/07/2019
TGVN. Việc hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất "Made in Vietnam" là nhu cầu cấp bách, nhằm tự bảo vệ hàng Việt trước các hiện tượng gian lận thương mại ngày một gia tăng.

Từng có sự tăng trưởng vượt bậc với doanh thu đáng kinh ngạc hàng nghìn tỉ/năm, Công ty Asanzo bỗng chao đảo vì những lùm xùm liên quan đến xuất xứ hàng hoá. Không phán xét đến việc sản phẩm của Asanzo có phải là do “phù phép” thành xuất xứ Việt Nam hay không. Vấn đề ở đây cần được làm rõ, chính là sự rõ ràng về thông tin. Mà tại đó, việc đưa ra bộ quy định cụ thể về thế nào là hàng hóa được gắn nhãn “Made in Vietnam” có vai trò rất lớn của các cơ quan có thẩm quyền.

Rắc rối của Asanzo gặp phải cho thấy những lỗ hổng trong quản lý xuất xứ hàng hóa. Để đến trong cuộc họp báo nhằm bảo vệ sản phẩm của mình, CEO của Asanzo phải phát biểu rằng: “… Chưa có văn bản nào ghi chính thức, hướng dẫn các doanh nghiệp như chúng tôi là hàng lưu hành nội địa có được ghi xuất xứ Việt Nam hay không? Tôi có tìm hiểu, nhưng chỉ có hướng dẫn với hàng xuất khẩu chứ không nói hàng tiêu thụ nội địa".

Thiết nghĩ, đó là lỗ hổng cần nhanh chóng phải lấp đầy. Nền kinh tế đang ngày càng tham gia sâu, rộng hơn vào thị trường quốc tế, Chính phủ cần có quy định bắt buộc ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, cần một khung pháp lý đối với các mặt hàng cụ thể, không chỉ để nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng người tiêu dùng mà còn tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam. Bởi vậy, việc hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất "Made in Vietnam" là nhu cầu cấp bách, nhằm tự bảo vệ hàng Việt trước các hiện tượng gian lận thương mại ngày một gia tăng.

Đối với doanh nghiệp, nhận thức việc công bố rõ ràng, trung thực về mỗi sản phẩm của mình là điều nên làm, vì tự hào và uy tín thương hiệu. Tất nhiên, mỗi doanh nghiệp đều có thể chọn nhiều mô hình khác nhau trong kinh doanh, nhưng một trong những mô hình đang được nền kinh tế tiên tiến sử dụng là mô hình phát triển bền vững. Trong đó, đề cao sự minh bạch, đạo đức, chú trọng đến chất lượng sản phẩm, hoạt động xã hội của doanh nghiệp và vấn đề bảo vệ môi trường... Nếu đáp ứng được những tiêu chí đó thì doanh nghiệp có thể phòng ngừa được khủng hoảng, chứ không phải để khủng hoảng xảy ra rồi mới khắc phục.

Đối với thị trường, cũng không nên đong đếm lòng yêu nước bằng nhãn "Made in Vietnam". Bởi vì, với chuỗi cung ứng toàn cầu trải dài qua nhiều nước hiện nay, một sản phẩm có thể có hàng nghìn chi tiết, linh kiện từ khắp nơi trên thế giới, nên nhiều khi không dễ dàng xác định được xuất xứ. Bởi vậy, điều quan trọng là cách gán nhãn trung thực, phù hợp nhất đối với sản phẩm. Việc phân loại theo quốc gia sản xuất từ lâu đã lạc hậu, thay vào đó, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến giá trị thương hiệu.

Hiện rất nhiều sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam với chất lượng cao, ổn định, đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng tại nhiều nước trên thế giới tin cậy, lựa chọn và đón nhận. Do vậy, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Mặt khác, Việt Nam tham gia ngày càng nhiều FTA, vì vậy cũng xuất hiện xu hướng hàng hóa nước ngoài mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi hoặc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.

Trên thế giới, các nước phát triển đều có quy định cụ thể về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa nhằm mục tiêu bảo hộ ngành hàng sản xuất trong nước nói chung và bảo hộ thương hiệu của sản phẩm cụ thể. Hàng hóa đã ghi nhãn hiệu nước sản xuất thì phải đáp ứng đủ tiêu chí và điều kiện theo quy định. Theo đó, chế tài xử phạt cá nhân, tổ chức cố tình ghi sai nhãn xuất xứ hàng hóa sẽ bị xử phạt nặng.