ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, để tăng lương thực sự có ý nghĩa thì phải quản lý tốt để giá cả không tăng cao. |
Từ ngày 1/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ được tăng lương thông qua việc điều chỉnh lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%). Đây là các mức tăng cao nhất từ trước tới nay, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ.
Qua đó, góp phần quan trọng cải thiện đời sống người hưởng lương cũng như các đối tượng đang hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách khác gắn với lương cơ sở. Từ đây, thu nhập từ lương đã được tăng lên đáng kể nhưng có một nỗi lo không nhỏ đó là, cứ tăng lương là giá cả sẽ ồ ạt tăng theo nếu không quản lý tốt.
Thực tế này khiến cho việc tăng lương gần như chỉ là tăng số tiền trong tài khoản chứ không phải nâng cao mức sống của người lao động. Bởi nếu giá cả tăng thì sức mua của đồng tiền giảm, việc tăng lương vì thế nhiều khi chỉ còn là hình thức nhằm bù trượt giá. Vậy nên, để tăng lương thực sự có ý nghĩa thì việc làm trước tiên là không để giá các mặt hàng “té nước theo mưa”.
Thực tế, hiện tượng lợi dụng việc tăng lương để tăng giá không theo quy luật nào là có thật. Do đó, bài toán đặt ra trong thời điểm hiện nay là phải có những cải cách, chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, vi mô như thế nào để kiểm soát được giá cả.
Có thể nói, tăng lương ngoài việc cải thiện đời sống của người hưởng lương và trợ cấp, còn đảm bảo an sinh xã hội cũng như cuộc sống tối thiểu của người hưởng lương từ ngân sách. Qua thời gian, giá cả sẽ tăng theo quy luật nhưng nhất thiết cần chấn chỉnh hiện tượng lợi dụng việc tăng lương để tăng giá một cách không theo quy luật nào chỉ vì người lao động được tăng lương.
Theo tôi, để tránh tình trạng này, cần phải có sự quản lý và chỉ đạo sâu sát từ cơ quan chức năng, làm sao tăng lương thực sự phải nhằm cải thiện được đời sống của người lao động, để niềm vui tăng lương thêm trọn vẹn.
Việc tăng lương lần này là giải pháp trước mắt tốt nhất, đáp ứng được nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. (Ảnh minh họa) |
Có thể nói, việc tăng lương lần này là giải pháp trước mắt tốt nhất, đáp ứng được nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Nói đúng hơn, dù đây là lần tăng lương cơ sở cao nhất từ trước đến nay, lên đến 30%. Tuy nhiên, nếu chưa cải cách được tiền lương, việc tăng lương cơ sở chưa đi kèm với nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.
Bên cạnh giải pháp trước mắt này, Chính phủ vẫn cần tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện cải cách tiền lương vào thời điểm thích hợp sau này. Nếu tiền lương cứ tăng theo cách để chống lạm phát hoặc chỉ đặt mục tiêu để bảo đảm đời sống thì không khuyến khích, "giữ chân" được cán bộ, công chức, viên chức có năng lực - những người làm việc ở khu vực công. Bởi những người làm việc ở khu vực công yên tâm về thu nhập, về "cơm áo gạo tiền" thì mới gắn bó lâu dài và nỗ lực cống hiến.
Theo tôi, cải cách tiền lương có rất nhiều ưu việt, bảo đảm sự công bằng, khoa học, tiệm cận với cách tính lương của nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, để thay đổi được cách tính tiền lương thì phải có nhiều điều kiện đi kèm, nhất là điều kiện về nguồn lực, cải cách thể chế.
Đây là bài toán dài hơi, để thực hiện thì bên cạnh việc tiết kiệm, vẫn cần nhiều giải pháp khác để nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, để chỉ số GDP bình quân hằng năm tăng cao hơn chứ không chỉ đơn thuần là việc để dành được “bao nhiêu tiền” nhằm thực hiện cải cách tiền lương…