Thông tin về đề thi đánh giá năng lực năm 2023 của trường ĐH Sư phạm Hà Nội. |
Ngày 2/2, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã tổ chức buổi thông tin về kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2023.
GS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, trên thực tế, không có một phương thức thi nào là tốt tuyệt đối. Kỳ thi Đánh giá năng lực do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức hướng tới không làm xáo trộn những điều mà các thí sinh đã quen thuộc.
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Đề thi có 2 phần, 1 phần trắc nghiệm, 1 phần tự luận. Đối với những môn chung, phần trắc nghiệm chiếm 70%; trừ môn Văn, phần tự luận 70%, trắc nghiệm 30%. Do đó về hình thức, thí sinh sẽ không quá lạ lẫm”.
Theo ông Minh, kiến thức đề thi nằm trong chương trình. Tuy nhiên, mức độ nhận biết về cơ bản sẽ được nâng cao hơn.
Ông Minh lý giải, việc giữ đến 70% trắc nghiệm trong đề thi các môn bởi học sinh ở phổ thông thường làm quen với việc thi trắc nghiệm, trừ môn Văn.
“Còn 30% tự luận còn lại, sẽ đánh giá khả năng hiểu và trình bày được cho người khác hiểu của thí sinh. Đó là một trong những điều kiện ban đầu cần thiết đối với một người trong tương lai trở thành giáo viên”, ông Minh nói.
Ông Minh cũng khẳng định với thí sinh và phụ huynh rằng không cần học thêm, luyện thi vẫn hoàn toàn có thể hoàn thành tốt kỳ thi này nếu học tốt chương trình chính.
Trước câu hỏi liệu có nhiều kỳ thi có tạo áp lực ôn tập cao đối với học sinh, ông Minh cho hay: “Trên thực tiễn đã có các kỳ thi khác nhau. Các trường đại học trên thế giới cũng có các phương thức để xét tuyển thí sinh khác nhau. Vì vậy, đó là việc bình thường. Tuy nhiên, tôi nghĩ điều cần thiết là các trường có tương đồng trong cách thức tuyển sinh nên hướng tới kết hợp với nhau để giảm bớt các kỳ thi”.
Theo ông Minh, cũng cần tách biệt rạch ròi giữa việc thi tốt nghiệp THPT chung và tuyển sinh đại học. “Kỳ thi tốt nghiệp THPT để xác định 1 học sinh tốt nghiệp phổ thông để trở thành một công dân, còn việc xét tuyển của các trường đại học là việc lựa chọn các thí sinh có năng lực để theo học một ngành nghề cụ thể. Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, cũng là một căn cứ để các trường có thể xét tuyển. Tôi nghĩ xu hướng tách ra nhiều kỳ thi riêng cũng sẽ không xuất hiện. Bởi các trường có xu hướng tuyển sinh gần nhau sẽ tìm đến, liên kết với nhau để tạo ra các kỳ thi chung công bằng hơn nhiều”, ông Minh nói.
Hiện có 7 trường đại học đã quyết định công nhận và sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để xét tuyển đại học hệ chính quy gồm: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Quy Nhơn.