TIN LIÊN QUAN | |
'Thu nhập thuế cá nhân một năm chỉ 2 triệu đồng mà vẫn có thể mua nhà" | |
Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ mang tính chuẩn mực |
Chuyên gia về thuế thuộc Tổ chức Oxfam Johan Langerock phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Gia Thành) |
Các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực tài khóa của Việt Nam đã có buổi thảo luận về các vấn đề chính sách trong cải cách hệ thống thuế tại Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển 2019 với chủ đề: “Hướng tới một hệ thống thuế công bằng". Diễn đàn do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và Liên minh Công bằng thuế Việt Nam (VATJ) phối hợp tổ chức sáng 13/11 tại Hà Nội.
Ưu đãi thuế - cuộc đua khốc liệt ở ASEAN
Tại Diễn đàn, chuyên gia về thuế thuộc Tổ chức Oxfam Johan Langerock nhận định, năm 2018, Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng, đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm với 7,1% và động lực mạnh mẽ này dự kiến sẽ được tiếp tục trong năm 2019). Chỉ trong một thế hệ, Việt Nam, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới, thường xuyên thiếu hụt lương thực, đã trở thành một nền kinh tế với mức thu nhập trung bình thấp, đồng thời là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, thủy hải sản, cà phê và các loại hàng hóa khác. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 58% vào những năm đầu thập niên 1990 xuống dưới 10%.
Theo ông Johan Langerock, kinh tế phát triển cũng đi kèm với trách nhiệm cao hơn. Nhưng, số liệu cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của Việt Nam thời gian qua không song hành với sự gia tăng của tổng thu ngân sách từ thuế. Tổng thu ngân sách từ thuế đã và đang giảm so với quy mô của nền kinh tế. Thực trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự bền vững của quốc gia.
Việc thu ngân sách từ thuế bị giảm xuống là một xu hướng đáng lo ngại vì nhiều lý do. Trong đó, lý do đáng nói nhất là xu hướng này đồng nghĩa với việc hệ thống thuế hiện tại đang thất bại trong việc nắm bắt và phân phối lại thu nhập và tài sản của quốc gia.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thu Hương thuộc Tổ chức Oxfam Việt Nam chia sẻ, thuế là nguồn tài chính quan trọng cho phát triển, giải quyết nghèo đói và bất bình đẳng. Ở Việt Nam, nguồn thu ngân sách từ thuế qua các năm giảm dần, thu ngân sách đã giảm từ mức 27.3% GDP (2010), xuống 23.7 % GDP (năm 2016). Một trong những lý do giảm thu ngân sách và thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong những năm qua là do sụt giảm nguồn thu từ thuế và giảm sụt giá dầu thô. Thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp giảm mạnh từ năm 2006, từ 6.9% GDP năm 2010, xuống còn 4.3% GDP năm 2017. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam.
Ước tính, năm 2012 - 2016, tổng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam cho các doanh nghiệp bằng 7% tổng thu ngân sách nhà nước, tương ứng với 5% tổng chi ngân sách nhà nước và luôn cao hơn số tiền mà ngân sách nhà nước chi cho y tế.
Hiện tại, Việt Nam đã mất đi một nguồn lớn ngân sách có thể đầu tư cho lĩnh vực y tế, trong khi đó, số tiền túi mà người dân Việt Nam bỏ ra để khám chữa bệnh chiếm 44,6% (2016) tổng chi tiêu cho ngành y tế (tổng số tiền của cả chính phủ và người dân). Điều đó có nghĩa là gánh nặng chịu thuế đã chuyển từ các doanh nghiệp lớn sang cho người dân, thông qua các chính sách thuế, đặc biệt là ưu đãi thuế.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương cho rằng, ưu đãi thuế đang được tập trung vào nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn, thuộc ngành công nghiệp (nhất là ngành chế biến và chế tạo), có vốn đầu tư nước ngoài, nằm trong khu công nghiệp. Năm 2016, thuế suất phổ thông là 20%, thuế suất thực nộp của các doanh nghiệp nộp thuế trong nhóm này chỉ khoảng 10%.
Các chuyên gia tại Diễn đàn khẳng định, xét ở góc độ rộng hơn, ưu đãi thuế không chỉ là vấn đề ở cấp độ quốc gia. Đây còn là một cuộc đua khốc liệt về các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp giữa các quốc gia trong khối ASEAN. Các công ty trong khu vực ASEAN đã và đang trả mức thuế ngày càng thấp trong thập kỉ qua. Trong môi trường kinh doanh như vậy, các công ty lớn và các cổ đông giàu có ngày càng hưởng nhiều lợi ích, trong khi, các dịch vụ công thiết yếu cho người dân thường chưa được đầu tư phát triển đúng mức.
Đại biểu tham dự Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển 2019. |
Đã đến lúc cần phải cải cách hệ thống thuế
Như vậy, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam đã tạo ra những phí tổn tài khóa đáng kể, làm gia tăng khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư. Và nếu cắt giảm các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giúp tăng thu ngân sách 20%, trong khi không có tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.
Phân tích mô phỏng cho thấy, xóa bỏ các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ có tác động tiêu cực đến các nhóm thu nhập cao, vốn được hưởng lợi chính từ các ưu đãi thuế. Bên cạnh đó, việc xóa bỏ các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho các nhóm hộ gia đình có thu nhập thấp thông qua việc tăng đầu tư phát triển hay tăng trợ cấp cho người nghèo.
Xét về khả năng loại bỏ ưu đãi thuế của Việt Nam, chuyên gia về thuế Johan Langerock tin tưởng, Việt Nam có thể loại bỏ các ưu đãi thuế mà không làm tổn hại đến tăng trưởng hoặc khả năng cạnh tranh của quốc gia.
"Đã đến lúc Việt Nam cần có lý giải hợp lý các khoản chi tiêu qua thuế cho các công ty lớn. Tính đến thời điểm hiện nay, các cơ quan nhà nước chưa quan tâm đầy đủ đến việc phân tích hiệu quả của các chính sách ưu đãi thuế. Chúng ta không thể bỏ qua việc tính toán này vì chi phí phải đánh đổi về mặt xã hội là quá lớn", ông Johan Langerock khẳng định.
Vì vậy, để có thể trở thành quốc gia đi đầu trong cải cách hệ thống thuế, có hai khuyến nghị cho chính phủ Việt Nam. Thứ nhất cần loại bỏ một số ưu đãi thuế sau khi thực hiện đánh giá tác động. Thứ hai, với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam nên bổ sung vấn đề về cạnh tranh thuế và ưu đãi thuế vào chương trình nghị sự của ASEAN nhằm nâng cao nhận thức và khởi xướng các thảo luận cấp khu vực về chủ đề này.
Các chuyên gia đánh giá, hai hành động này đều nhắm tới việc tăng nguồn thu ngân sách từ thuế một cách công bằng và bình đẳng. Nếu thành công, bất bình đẳng trong xã hội sẽ giảm và Chính phủ sẽ có nhiều nguồn lực hơn để đầu tư cho y tế, giáo dục và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang ngày càng khốc liệt hơn ở Việt Nam.
Bước chuyển mình của kinh tế Việt Nam sau hơn một thập kỷ gia nhập WTO TGVN. Cách đây 13 năm, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này, sau 11 năm chuẩn bị ... |
Chuyên gia Nga phân tích bí quyết giúp Việt Nam tăng ấn tượng về năng lực cạnh tranh TGVN. Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019, Việt Nam tăng 10 bậc và lên thứ hạng 67. Mặc dù Việt Nam vẫn đang ... |
Asia Outlook: Vì sao nên đầu tư vào Việt Nam? TGVN. Ngày 14/10, trang Asia Outlook cho rằng, nếu lựa chọn Việt Nam, các công ty quốc tế sẽ có “vô vàn” cơ hội đầu ... |