📞

Đề xuất của Đức, NATO về Syria: Đuổi hình, bắt bóng

Dịch Dung 16:20 | 25/10/2019
TGVN. Đề xuất mới nhất của Đức với mục đích để NATO và LHQ có vai trò gìn giữ hòa bình tại Syria liệu có đúng lúc, hợp thời và khả thi? Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.
Nghịch lý của NATO trong cuộc chiến tại Syria. Biếm họa của tác giả Stephff trên trang Cartoonmovement.com

Syria, đúng hơn thì phải nói là những hệ luỵ của việc Mỹ rút quân đội ra khỏi Syria và kết quả cuộc gặp vừa rồi ở Sochi (Nga) giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là chủ đề nội dung chi phối chương trình nghị sự của cuộc gặp gỡ giữa bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên NATO.

Liên quan trực tiếp đến đấy là đề nghị của bộ trưởng quốc phòng Đức về thiết lập hành lang an ninh đặt dưới sự kiểm soát của một lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc (LHQ) ở dọc tuyến biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Không đúng người, đúng lúc, đúng thời

Phía Đức đưa ra sáng kiến này và NATO chưa kịp bàn thảo thì ông Putin và ông Erdogan đã dàn xếp xong xuôi với nhau chuyện bình ổn tình hình chính trị an ninh ở dọc tuyến biên giới này. Theo Bị vong lục 10 điểm mà họ vừa thỏa thuận thì Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát vùng rộng 32km, dài khoảng 150km, phần còn lại dài khoảng 330km do quân đội chính phủ Syria trực tiếp kiểm soát và quân đội Nga cùng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng nhau tuần tra ở phạm vi rộng 10km kể từ đường biên.

Vì thế, câu hỏi được đặt ra ngay là sáng kiến nói trên của Đức có còn cần thiết nữa hay không và khả thi đến đâu. Tính khả thi của nó phụ thuộc trước hết vào sự đồng ý của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO. Nga có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ và đặc biệt là quyền quyết định hết thảy ở Syria.

Sau khi Mỹ rút quân ra khỏi Syria và có sự dàn xếp ở Sochi giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ có Mỹ mà còn cả NATO và EU đều gần như mất hết vai trò chính trị an ninh ở Syria. Sáng kiến nói trên của Đức là một cách vớt vát phần cỗ và ảnh hưởng cho EU và NATO ở Syria.

Dưới vỏ bọc của lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ, NATO và EU có thể hiện diện quân sự một cách hợp pháp ở Syria, giành phần ở Syria ở thời hoà bình và trực tiếp ngăn chặn phiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng như dòng người tỵ nạn xâm nhập vào châu Âu. Chỉ có điều, sáng kiến này trên thực tế là sản phẩm của sự cộng hưởng giữa không đúng người, không đúng lúc và không đúng thời.

Bạn có thể quan tâm:

Nước Đức xưa nay đứng ngoài cuộc chiến tranh và nội chiến ở Syria mà chỉ sắm vai lái buôn vũ khí cho một số đối tác trong khu vực để kiếm lời mà giờ hăng hái đột xuất như vậy khiến các thành viên khác trong EU và NATO nghi ngại và dè chừng nhiều hơn là thật lòng ủng hộ.

Sáng kiến này được đưa ra vào thời điểm Syria thật ra không còn cần đến nó nữa để có thể yên bình ở vùng biên giới này. Hơn nữa, một khi Mỹ đã phải “bỏ của chạy lấy người” ở nơi đây thì cả EU và NATO cũng đều bị mất thời theo chứ không thể được thời. Phía Mỹ, như thể hiện qua phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Mỹ, nhiệt tình ủng hộ đề nghị này của Đức nhưng chỉ về chính trị chứ bác bỏ ngay từ đầu khả năng tham gia trực tiếp.

Nếu chấp nhận đề nghị này của Đức thì NATO chẳng khác gì đuổi hình bắt bóng ở Syria. Cứ cho là Nga bật đèn xanh đi thì những câu hỏi tiếp theo cần phải được trả lời là lực lượng này lấy quân từ đâu và ai chịu chi phí. Cho tới khi hai câu hỏi này đều được trả lời thì có lẽ ở Syria đã có được giải pháp chính trị hoà bình từ lâu rồi.

Bế tắc chiến lược

Thổ Nhĩ Kỳ không có lý do gì để từ chối đề nghị này, trừ khi muốn làm cao giá với EU và NATO. Một lực lượng quân đội của LHQ ở nơi này trên thực tế sẽ hợp pháp hoá sự hiện diện quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ ở trên lãnh thổ Syria, giúp Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo lực lượng YPG của người Kurd ở Syria không thể xâm nhập vào hành lang an ninh và khiến người Kurd trong khu vực thêm vỡ mộng tưởng về việc có được nhà nước độc lập cũng như giúp Thổ Nhĩ Kỳ hồi hương hàng triệu người Syria tỵ nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ về khu vực hành lang này.

Nga cũng được lợi nhiều khi sáng kiến này khả thi hay không và khả thi đến đâu gần như hoàn toàn phụ thuộc vào Nga. NATO và EU muốn được cái gì đấy ở Syria thì phải trả giá thích ứng cho Nga chứ làm gì có chuyện Nga cho không họ. Nga càng tăng thêm được vai trò và ảnh hưởng ở khu vực và buộc EU và NATO phải nhượng bộ không hề nhỏ ở châu Âu hay trên những phương diện khác. Những điều kiện của Nga chắc chắn sẽ rất khó nhằn đối với EU và NATO, sẽ làm nội bộ hai liên minh này bị phân hoá thêm sâu sắc và trầm trọng. Chẳng hạn như EU sẽ rất khó xử khi Nga ràng buộc EU vào trách nhiệm đóng góp tài chính lớn cho công cuộc tái thiết sau chiến tranh ở Syria.

Sáng kiến nói trên của Đức bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết mức độ bế tắc chiến lược của NATO ở Syria sau những diễn biến liên quan vừa qua.

Dịch Dung