Toàn cảnh Hội thảo. (Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân) |
Hội thảo nhằm nghiên cứu, tổng hợp phân tích, tuyên truyền thúc đẩy việc sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển ngành phân bón và vật tư nông nghiệp từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất hợp lý, để khấu trừ thuế các nguyên vật liệu đầu vào và tăng thuế xuất khẩu ngành phân bón và vật tư nông nghiệp; đồng thời đề xuất các giải pháp, hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Nhóm vật tư nông nghiệp là một trong những ngành nghề quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, bao gồm giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý, cải tạo môi trường trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản…
Trong đó, phân bón là vật tư quan trọng, chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành trồng trọt trong khi ngành trồng trọt chiếm 64 – 68% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành Nông nghiệp.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 10 triệu tấn phân bón, và vẫn phải nhập khẩu các loại phân bón Việt Nam chưa tự sản xuất được. Điều này cho thấy, những chính sách về thuế về vật tư nông nghiệp, đặc biệt liên quan đến phân bón ảnh hưởng đến toàn bộ xâu chuỗi thành phần tham gia chứ không chỉ liên quan đến giá.
Ông Đạt cho rằng, chính sách đưa ra cần có sự điều tiết hài hòa, đi từ những gì ưu việt nhất trong sản xuất nông nghiệp, để tất cả các thành phần tham gia đều có những lợi ích chung, bền vững, đặc biệt là nông dân. Chính sách thuế VAT là một trong những giải pháp để điều tiết được giá thành phân bón trong nước; tác động đến việc thay đổi thói quen, cách thức, quy mô sản xuất, công nghệ để tiết giảm chi phí sản xuất đem lại lợi ích cao nhất cho sản phẩm…
Tuy nhiên ông Đạt cũng lưu ý, “việc áp dụng thuế VAT cần phù hợp với từng thời điểm, để không ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước nói chung và với nông nghiệp nói riêng.
TS. Bùi Thị Mến, Học viện Ngân hàng cho hay, liên quan đến vật tư nông nghiệp, cụ thể là mặt hàng phân bón, Quốc hội thông qua Luật 71/2014/QH13 về việc sửa đổi Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12, hiệu lực từ ngày 01/01/2015, chuyển phân bón từ đối tượng chịu thuế GTGT 5% sang đối tượng không chịu thuế.
Quy định nêu trên đã hỗ trợ giá đầu vào cho nông dân nhưng gây ra hệ quả là do thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT đầu ra nên các doanh nghiệp phân bón trong nước không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào khi mua hàng hóa, dịch vụ.
Khi đó, số thuế này phải cộng vào giá thành, làm tăng giá thành sản phẩm (khoảng 5 – 8%), dẫn đến giá phân bón cũng bị tăng theo và do phân bón là yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp (chiếm khoảng 40 - 70% tổng chi phí), nên việc này làm cho giá sản xuất nông nghiệp tăng lên, gây bất lợi cho phân bón Việt Nam so với phân bón nhập khẩu.
Trong khi đó, phân bón nhập khẩu không phải nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu, nên những năm qua Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài. Nhà nước cũng thất thu do không thu được thuế GTGT với cả hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu. Chính vì vậy, việc điều chỉnh chính sách thuế GTGT đối với phân bón và vật tư nông nghiệp là cần thiết, phù hợp với tình hình mới.
Làm rõ thêm nội dung này, ông Nguyễn Văn Phụng - Chuyên gia cao cấp về thuế và quản trị doanh nghiệp cho rằng, việc đưa vào diện chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% không chỉ phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế, mà cũng là mở rộng diện chịu thuế, mở rộng cơ sở thuế như mục tiêu Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 – 2030.
Ông Nguyễn Văn Phụng phân tích, sau 8 năm thực hiện, quy định không chịu thuế đã gây khó khăn cho cả nông dân và các doanh nghiệp sản xuất vì 2 lý do.
Thứ nhất, chúng ta đã hạ dần mức bảo hộ về thuế đối với các mặt hàng này (hạ dần từ trên dưới 10% xuống 0%) và áp thuế GTGT thống nhất giữa hàng nhập khẩu với hàng cùng loại sản xuất trong nước nên hàng nhập khẩu luôn bám theo hàng trong nước để hưởng lợi.
Thứ hai, nền kinh tế của ta chuyển dần sang kinh tế thị trường nên giá bán do doanh nghiệp và người mua đồng thuận, khi các doanh nghiệp sản xuất phân bón và máy nông nghiệp không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào buộc phải cộng vào giá thành, tăng giá bán cho nông dân.
Khi đó, doanh nghiệp nước ngoài cộng thêm tỷ lệ % do tâm lý thích hàng nhập khẩu. Kết quả cuối cùng là ngân sách nhà nước giảm thu (do không thu được thuế ở khâu nhập khẩu), doanh nghiệp trong nước và nông dân đều thiệt thòi.
Tại sự kiện, TS.Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh cần phải xác định mục tiêu của toàn ngành Nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp sẽ ở đâu khi 10-15 năm tới đây, Việt Nam hướng tới là nước thu nhập trung bình cao. Đó là câu hỏi mà theo TS. Ánh cần trả lời trước khi đưa ra những chính sách về ưu đãi, miễn thuế...
“Miễn giảm, ưu đãi sẽ chỉ là tư duy vòng quanh nếu chúng ta không xác định được mục tiêu. Cần phải đi từ câu chuyện thực tiễn thì vật tư nông nghiệp mới có lối thoát, gắn với mục tiêu phát triển nông nghiệp chứ không chỉ dừng lại ở từng lĩnh vực lẻ tẻ”, TS. Vũ Đình Ánh nói.
Chuyên gia Kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh phát biểu tại Hội thảo. (Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân) |
TS. Vũ Đình Ánh cho rằng: “Một trong những thứ quan trọng nhất của thiết kế chính sách là mục tiêu chính sách. Mục tiêu lớn nhất của những chính sách ưu đãi thuế là tăng sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp”.
Việc quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT đưa đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước do toàn bộ thuế GTGT đầu vào khi mua hàng hóa, nguyên liệu và các dịch vụ khác để sản xuất phân bón sẽ không được khấu trừ vào giá thành sản phẩm mà phải tính vào chi phí sản xuất làm tăng giá thành phân bón.
Dẫn đến ảnh hưởng cuối cùng vẫn là người tiêu dùng trực tiếp, cụ thể là nông dân Việt Nam; giảm sức cạnh tranh so với phân bón nhập khẩu, ảnh hưởng đến ngành sản xuất phân bón và thị trường phân bón trong nước.
Nếu chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, thì nhìn một cách tổng thể đối với lợi ích xã hội, góp phần tăng ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thu thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động đang làm việc trong ngành phân bón, đặc biệt là nông dân sẽ được mua các sản phẩm phân bón thấp hơn, giảm giá trị vật tư đầu vào, cải thiện hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập đáng kể của ngành nông nghiệp cả nước.
Từ đó, ông Ánh kiến nghị, cần có một bộ chính sách về thuế xuyên suốt từ thuế GTGT đến thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như thuế thu nhập cá nhân hay thuế tài nguyên đầu vào cho sản phẩm vật tư nông nghiệp hay thuế nhập khẩu xuất khẩu.
Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia về thuế, đại diện Bộ Tài chính cùng thảo luận về thực trạng của nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành vật tư nông nghiệp nói riêng khi áp dụng các chính sách thuế, cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế và những ưu đãi về chính sách thuế mang lại từ các FTA, đưa ra đề xuất điều chỉnh, tái xây dựng chính sách thuế đối với thị trường vật tư nông nghiệp Việt Nam...
| Nông nghiệp Việt Nam dồn dập báo tin kỷ lục Vượt qua khó khăn, thách thức từ các tình huống bất thường, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 53,22 tỷ USD, trong ... |
| Ngành nông nghiệp gây ấn tượng khi xuất siêu 8,5 tỷ USD Vượt qua khó khăn từ các tình huống bất thường, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp năm 2022 đạt 53,22 tỷ USD, tăng ... |
| Bộ Ngoại giao-Bộ NN&PTNT ký kế hoạch hành động về ngoại giao kinh tế thúc đẩy phát triển ngành Nông nghiệp Sáng ngày 17/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ ... |
| Tiếp lửa cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam tăng sức cạnh tranh Ngày 29/8, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Ban Kinh ... |
| Bia sẽ đổi vị theo... khí hậu? Các nhà khoa học phát hiện cây hoa bia ở những nước sản xuất bia lớn của châu Âu như Đức, Cộng hòa Czech và ... |