Các nhân viên trong phái bộ cố vấn EUAM. (Nguồn: EUAM) |
Theo Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell, ngoài các nhiệm vụ khác, phái bộ sẽ hỗ trợ công việc quan trọng của Tổng Công tố Ukraine nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra và truy tố tội phạm quốc tế trong bối cảnh chiến sự hiện nay.
EU đang tái triển khai một đội ngũ nòng cốt gồm 15 nhân viên EUAM để tiếp tục liên lạc trực tiếp với chính quyền Ukraine, cũng như hỗ trợ họ trong việc điều tra và truy tố tội phạm chiến tranh và tội ác chống lại loài người.
Phái bộ có kế hoạch tăng dần sự hiện diện quốc tế của mình tại Ukraine trong suốt mùa Hè, tùy thuộc vào diễn biến tình hình an ninh tại quốc gia này. Hiện nay, trụ sở tạm thời của phái bộ được đặt tại thành phố Rszezow ở miền Nam Ba Lan.
Trong bối cảnh hiện nay, EUAM đã phát triển các lĩnh vực công việc mới nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng Ukraine, bên cạnh các hoạt động tư vấn theo nhiệm vụ ban đầu và hỗ trợ điều tra, truy tố các tội phạm quốc tế.
Điều này bao gồm việc triển khai các nhóm đến các điểm ở Ukraine qua biên giới với Ba Lan, Slovakia và Romania để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển người và hàng hóa qua biên giới.
EUAM cũng đang quyên góp thiết bị khẩn cấp để giúp đỡ các đối tác.
Cùng ngày, Liên hợp quốc (Liên hợp quốc) đã thúc giục Nga và Ukraine tiếp tục phát triển các kênh liên lạc và hợp tác, vốn đã tạo điều kiện cho các hoạt động sơ tán dân thường và binh sĩ bị thương khỏi thành phố cảng Mariupol, nhằm nối lại các cuộc đàm phán hòa bình đã bị tạm dừng.
Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths cho biết, các chiến dịch sơ tán người dân và sau đó là các binh sĩ ra khỏi nhà máy thép Azovstal ở Mariupol đã tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán rộng lớn hơn để kết thúc cuộc xung đột đẫm máu này.
Cho rằng các chiến dịch sơ tán không thể diễn ra nếu không có sự phối hợp của Nga và chính quyền Ukraine, ông Griffiths khẳng định, “việc hai bên đang hợp tác tương đối tốt, cụ thể là tốt hơn nhiều so với những tuần trước đây là cơ sở để tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán tiếp theo”.
Quan chức LHQ cũng kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán do Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức, vốn đã bị đình trệ, đồng thời ông khẳng định rằng “các bên cần phải quay trở lại bàn đàm phán”.