Điểm sáng kinh tế - xã hội
Với phương châm “chính quyền phục vụ và đồng hành cùng doanh nghiệp”, thời gian qua, Ninh Thuận liên tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tập trung huy động nguồn lực đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư các lĩnh vực có lợi thế.
Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương có chuyển biến tích cực. 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) ước đạt 12.311 tỷ đồng, tăng 7,95% so cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.820 tỷ đồng, đạt 49,8 % kế hoạch; giải quyết việc làm mới cho 9.943 lao động, đạt 62,1% kế hoạch.
Quảng trường 16/4 - Ninh Thuận. |
Một số chỉ tiêu kinh tế của tỉnh Ninh Thuận cũng đạt hơn 50% kế hoạch như giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp - xây dựng đạt 4.516 tỷ đồng, đạt 51,2% kế hoạch (công nghiệp đạt 3.328 tỷ đồng, đạt 56,4% kế hoạch). Ngành dịch vụ tiếp tục phục hồi mạnh và tăng 8,5% - mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây.
Về lĩnh vực đầu tư, tỉnh đã triển khai khai thác Bến 1A, Cảng tổng hợp Cà Ná với 76 chuyến tàu với tổng lượng hàng hóa qua cảng đạt khoảng 159.166 tấn, chủ yếu là hàng rời như muối, tro xỉ, đá xây dựng.
Đến ngày 30/6, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 35 dự án với tổng vốn 1.157,5 tỷ đồng. Các dự án thu hút mới trong khu công nghiệp như Nhà máy may Hoàng Thành Đô Lương quy mô 30 triệu sản phẩm/năm; Nhà máy may Vietsun 4,8 triệu sản phẩm/năm; Nhà máy thú nhồi bông Innoflow 6 triệu sản phẩm/năm...
Ngoài ra, các dự án năng lượng chuyển tiếp tại tỉnh Ninh Thuận cũng hoàn tất đàm phán giá điện hòa lưới 405 MW trong tháng 6/2023, tạo tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm 2023.
Cánh đồng điện gió - Ninh Thuận - điểm “check in” ưa thích của giới trẻ. |
Không chỉ thế, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Ninh Thuận có nhiều chuyển biến khi kết quả Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 tăng 3,20 điểm, tăng 19 bậc so với năm 2021, đứng thứ 30/63 tỉnh, thành.
Cùng biến cái “không thể thành có thể”
Thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư cũng được tỉnh Ninh Thuận đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách. Tỉnh đã phát huy năng động chính sách ngoại giao địa phương, ngoại giao kinh tế để giới thiệu, tiếp cận với các nhà đầu tư lớn, tầm cỡ như Nga, Mỹ, Hà Lan, Singapore, Canada, Thái Lan… Và chính các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như trong nước đã “để mắt” đến Ninh Thuận, đến với mảnh đất này để biến cái “không thể thành có thể”.
Xác định nguồn lực đầu tư là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc các nước trong khu vực, đặc biệt là ASEAN đến Ninh Thuận để hợp tác kinh doanh và cùng phát triển.
Tỉnh tập trung thu hút đầu tư các lĩnh vực có lợi thế như: năng lượng tái tạo và năng lượng sạch; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng - kinh doanh bất động sản.
Mảnh đất Ninh Thuận giàu tiềm năng, lợi thế khác biệt về du lịch. Địa phương sở hữu bức tranh văn hóa nhiều màu sắc, đặc biệt có những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất độc đáo và nổi tiếng. Đó là nghệ thuật văn hóa Chăm, các làng nghề truyền thống và những phong tục tập quán, nghi lễ tín ngưỡng của người Chăm.
Ninh Thuận còn có hai vườn quốc gia là Phước Bình và Núi Chúa, trong đó vườn quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tỉnh cũng sở hữu nhiều vùng vịnh và danh lam thắng cảnh phù hợp cho phát triển du lịch, trong đó có vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia, là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam…
Vịnh Vĩnh Hy – Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Văn Quang) |
Song song với đó, mạng lưới giao thông đường bộ, đường không thuận lợi, tuyến đường ven biển dài 105,8 km từ Bình Tiên đến Cà Ná đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, mang lại ý nghĩa quan trọng đối với Ninh Thuận và lợi ích nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng lợi thế. Sân bay quốc tế Cam Ranh và cảng hàng hóa Ba Ngòi, Khánh Hòa (một trong 10 cảng biển lớn của cả nước cách Ninh Thuận chỉ trên 45 km) là điểm cộng về giao thông khi đến với Ninh Thuận.
Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 648/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có Cảng hàng không Thành Sơn. Việc này sẽ giúp Ninh Thuận hoàn chỉnh đầy đủ 5 phương thức vận tải.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đánh giá, tỉnh Ninh Thuận có tiềm năng dồi dào về nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió cả trên bờ, ven bờ và ngoài khơi; đồng thời có tiềm năng lớn nhất cả nước về thủy điện tích năng. Đây là yếu tố rất đặc hữu làm gia tăng giá trị của trung tâm năng lượng tái tạo mà không nơi nào có được tại Việt Nam.
Ngoài ra, địa phương đang áp dụng chính sách đầu tư theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện nhất, đơn giản nhất cho các nhà đầu tư có dự án đầu tư trên địa bàn. Theo đó, áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung của Nhà nước đối với thuê đất, cấp đất và thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế Xuất nhập khẩu.
UBND tỉnh sẽ tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trước hết là đầu tư hạ tầng giao thông để giải quyết “nút thắt” về giao thông, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo chuẩn hóa về trình độ, kỹ năng đội ngũ công nhân lành nghề có tác phong công nghiệp; triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. (Ảnh: Đinh Lê Thái Huy) |