Gặt “mùa vàng”
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong bối cảnh nền kinh tế thế giới 2018 có nhiều biến động, với xung đột chính trị, cạnh tranh giữa các nước lớn gay gắt, chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại gia tăng, xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2018 vẫn cao hơn dự kiến và ước đạt 36,164 tỷ USD, tăng 16,36% so với năm 2017. Đây cũng là mốc cao nhất trong nhiều năm phát triển của ngành này.
Chia sẻ tại cuộc họp báo mới đây của Vinatex, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Vinatex nhận định, xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 2018 tăng hơn 5 tỷ USD so với năm 2017 là “đột biến”. Việt Nam hiện nằm trong top 3 nước xuất khẩu dệt may cao nhất thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ với kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 266,32 tỷ USD và 36,43 tỷ USD. Nhu cầu về mặt hàng dệt may trên thế giới năm 2018 không có nhiều biến động nhưng Việt Nam vẫn vượt Bangladesh và theo sát Ấn Độ để cán mốc xuất khẩu 36,164 tỷ USD là con số tương đối ấn tượng của toàn ngành trong năm 2018.
Thành công của ngành dệt may năm qua được cho là do dòng dịch chuyển từ khu vực sản xuất rất lớn là Trung Quốc sang các khu vực lân cận và Việt Nam được hưởng lợi từ dòng dịch chuyển đó. (Nguồn: Garco 10) |
Ông Hiếu lý giải, về nguyên nhân khách quan, đó là do dòng dịch chuyển từ khu vực sản xuất rất lớn là Trung Quốc sang các khu vực lân cận và Việt Nam được hưởng lợi từ dòng dịch chuyển đó. Bên cạnh đó, sau một thời gian các hãng phát triển ở những thị trường mới như Bangladesh hay Pakistan đã nhận ra được chất lượng của các đơn hàng, sản phẩm không được như ở thị trường Việt Nam, chính vì vậy các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có thêm được những đơn hàng mới trong năm 2018.
Về nguyên nhân chủ quan, theo ông Hiếu là do các doanh nghiệp dệt may vừa và lớn ở Việt Nam đang ngày càng đáp ứng được các tiêu chí từ đối tác, gần như tất cả các doanh nghiệp lớn và vừa có các loại chứng chỉ đánh giá của các hãng, như SA, môi trường, Green Label… Thậm chí, khắc phục được tình trạng làm thêm giờ, đảm bảo được định mức giờ làm cho người lao động.
“Đây chính là những động lực giúp cho ngành Dệt may Việt Nam vượt kế hoạch xuất khẩu đề ra trong năm 2018, và có được mức tăng trưởng tương đối ấn tượng”, ông Hiếu khẳng định.
Với kết quả đạt được trong năm 2018, tín hiệu về đơn hàng cho năm 2019 cũng được cho là rất khả quan. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, mục tiêu của ngành trong năm 2019 là đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD, tăng trưởng 10,8% là hoàn toàn khả thi khi ngay ở thời điểm cuối năm 2018, đầu năm 2019, nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất cho 6 tháng đầu năm 2019.
Chia sẻ kinh nghiệm thành công của Vinatex trong năm qua, ông Cao Hữu Hiếu cho biết, thay vì đầu tư thêm các dự án mới để mở rộng quy mô, Tập đoàn đã tập trung đầu tư chiều sâu, chú trọng đến việc tự động hóa, nâng cao năng suất lao động…
Khơi thông “điểm nghẽn”
Dù có một năm tăng trưởng ấn tượng nhưng theo tính toán của các chuyên gia, để phát huy được năng lực may trong toàn ngành sẽ cần phải có 6 tỷ mét vải/năm. Thế nhưng, khâu dệt trong suốt thời gian dài vừa qua chỉ có thể cung cấp được 0,8 tỷ mét, số còn lại 5,2 tỷ mét phải trông chờ vào nhập khẩu. Đây chính là "điểm nghẽn” cho sự phát triển của dệt may.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) nhận định, ngành dệt may xuất khẩu 35-36 tỷ USD, nhưng phụ thuộc nặng nề vào nguồn vải nhập khẩu. “Lượng vải nhập năm 2017 là 6,5 tỷ mét, trong khi nhu cầu nội địa là 9,5 tỷ mét, khiến doanh nghiệp mất đi tính chủ động trong kinh doanh, hạn chế sự sáng tạo, khó nâng cao giá trị sản xuất”, ông Tuấn cho hay.
Hiện rất nhiều doanh nghiệp dệt may lớn trong nước đã xúc tiến mở rộng, xây thêm nhiều cơ sở sản xuất theo chuỗi khép kín, chủ động trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ sợi đến hàng may mặc hoàn chỉnh. (Nguồn: Tạp chí Công Thương) |
Để khai thông "điểm nghẽn" này, ông Vũ Đức Giang chia sẻ, Hiệp hội đã có chương trình hành động cụ thể như kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào phần cung thiếu hụt. Trong 8 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư FDI vào ngành dệt may Việt Nam đạt trên 2 tỷ USD với các doanh nghiệp đến từ EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hongkong (Trung Quốc)...
Hiện rất nhiều doanh nghiệp dệt may lớn trong nước đã xúc tiến mở rộng, xây thêm nhiều cơ sở sản xuất theo chuỗi khép kín, chủ động trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ sợi đến hàng may mặc hoàn chỉnh…. nhằm mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn. Ước tính toàn ngành dệt may hiện có hơn 6.000 nhà máy, cung cấp khoảng 3 triệu việc làm và con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Ngoài đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng sản xuất, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may cũng đang chủ động liên kết, bắt tay nhau để tận dụng hiệu quả nhất các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); phát triển công nghệ, quản trị tiên tiến, coi đây là biện pháp cốt lõi cho toàn ngành từ khâu đầu tới khâu cuối; xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà thiết kế để sản xuất theo hình thức FOB (tự chủ nguyên liệu), ODM (tự thiết kế, sản xuất); liên kết chặt chẽ để giải quyết nguồn cung thiếu hụt; tập trung sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, đưa sản phẩm, thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới.