TIN LIÊN QUAN | |
Khi nào stress gây “mất ăn mất ngủ”? | |
Cắm trại trên cây |
Cuộc sống hiện đại ngày nay khiến cho con người dễ rơi vào tình trạng khó ngủ. Các chương trình tivi hay những phần mềm trên điện thoại thường lôi cuốn, cám dỗ chúng ta đến tận đêm khuya. Tốt nhất, hãy thu xếp đồ đạc và lên đường đi cắm trại để điều chỉnh lại giấc ngủ.
Thay đổi giờ sinh học
Các nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực này tại Mỹ đã tìm ra rằng những người đi cắm trại trên núi, tránh xa những thiết bị tiện ích và ánh đèn điện thường dễ chìm vào giấc ngủ sớm hơn 2 tiếng so với khi ở nhà.
Kenneth Wright, Giám đốc phòng thí nghiệm nghiên cứu về giấc ngủ và thời gian sinh học tại Đại học Colorado (Mỹ) cho biết: “Sống ở môi trường hiện đại không chỉ khiến cho đồng hồ sinh học trong cơ thể thay đổi mà còn ảnh hưởng đến giờ giấc ngủ của chúng ta. Mỗi tuần tham gia một chuyến cắm trại sẽ giúp bạn đặt lại đồng hồ sinh học của mình một cách hiệu quả”.
Buổi cắm trại giúp tái thiết lập lại đồng hồ sinh học trong cơ thể. (Nguồn: Park Canada) |
Để khám phá những ảnh hưởng của môi trường tự nhiên đối với giờ giấc ngủ, Wright đã cử 5 đồng nghiệp (từ 21-29 tuổi) đến cắm trại tại dãy núi Rocky Mountains, trong 6 ngày. Bỏ lại sau lưng những tiện nghi sinh hoạt, họ chỉ tận dụng ánh nắng mặt trời, ánh trăng và lửa cắm trại để thắp sáng và sưởi ấm.
Kết quả là, buổi cắm trại giúp tái thiết lập lại đồng hồ sinh học trong cơ thể và loại bỏ thói quen chỉ đi ngủ khi nguồn ánh sáng nhân tạo đã tắt. Nhờ đó, họ đi ngủ sớm hơn khi màn đêm buông xuống. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn phát hiện hoạt động ngoài trời giúp những người thường xuyên buồn ngủ cả ngày vì lệch múi giờ làm quen với điều kiện sống mới nhanh chóng hơn.
Cụ thể, những người tham gia chuyến đi đều ngủ sớm hơn trung bình khoảng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng so với khi ở nhà. Giấc ngủ của họ cũng kéo dài lâu hơn đến 10 tiếng một đêm thay vì 7 tiếng rưỡi như thông thường. Bên cạnh đó, họ trở nên năng động hơn vào ban ngày.
Ngay sau khi kết thúc chuyến đi, họ trở về phòng thí nghiệm để các nhà khoa học đo lượng melatonin (chất giúp điều chỉnh giấc ngủ), hormone ngủ trong cơ thể. Kết quả cho thấy lượng melatonin bắt đầu tăng, giúp cơ thể ngủ sớm hơn 2 tiếng rưỡi so với trước khi đi cắm trại. Ông Wright nhận xét: “Chỉ với một số ít người tham gia thử nghiệm, chúng ta đã thu được những kết quả cực kỳ tốt. Hiệu quả với mọi người là như nhau. Chu kỳ chiếu sáng tự nhiên của mặt trời ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học là một phần của hoạt động cơ bản sinh lý học trong cơ thể chúng ta”.
Hãy tham gia nhiều sự kiện ngoài trời... (Nguồn: Pinterest) |
Để biết được việc thay đổi môi trường tự nhiên ảnh hưởng đến giấc ngủ nhanh tới mức nào, Wright tiếp tục cử 9 người (từ 19 đến 37 tuổi) tham gia vào cắm trại cuối tuần cũng tại dãy Rocky Mountain. Lần này, họ được mang theo đuốc và đèn pin. Bên cạnh đó, 5 người khác cũng được theo dõi tại nhà để tiện so sánh kết quả.
Kết quả cho thấy, thậm chí ngay cả khi đang trong mùa Hè nóng bức, những thành viên tham gia cắm trại vẫn đi ngủ sớm hơn những người ở nhà. Đặc biệt, nó có hiệu quả khác biệt rõ rệt vào cuối tuần, những người ở nhà sống dưới ánh đèn nhân tạo sẽ đi ngủ trễ hơn đến 2 tiếng so với những người đang cắm trại do những người đi cắm trại tiếp xúc với ánh nắng nhiều hơn gấp 4 lần.
Hãy tận dụng ánh sáng tự nhiên
Đối với những người không thích cắm trại, Wright cũng có những cách khác giúp họ. Ông nói: “Thật ra cũng không cần phải đi cắm trại để đạt được kết quả này. Nếu mục tiêu nghiên cứu của chúng tôi chỉ là tìm cách giúp mọi người đi ngủ đúng giờ để họ không còn cảm thấy buồn ngủ ở nơi làm việc hay ở trường học nữa, thì chúng tôi sẽ có thể thực hiện thí nghiệm theo cách khác. Chúng tôi sẽ đề nghị mọi người tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều hơn. Có thể là mở đầu ngày mới bằng việc đi bộ ngoài trời, hay tạo điều kiện để ánh sáng chiếu vào nhà nhiều hơn, hay ngồi bên cửa sổ… Ngoài ra, việc tắt đèn vào ban đêm cũng rất quan trọng đối với giấc ngủ”.
... và đừng lười chạy bộ. (Nguồn: Ebayimg) |
Derk-Jan Dijk, giám đốc phòng nghiên cứu về giấc ngủ tại đại học Surrey - University of Surrey (Mỹ) cũng nói rằng, một nghiên cứu nhỏ như vậy khó mà có thể biết được những ảnh hưởng của ánh nắng Mặt trời, nhiệt độ bên ngoài và những yếu tố khác ảnh hưởng đến giấc ngủ ra sao. Nhưng ông cũng đánh giá cao việc khám phá ra ánh sáng nhân tạo ảnh hưởng đến giờ giấc ngủ và đồng hồ sinh học trong cơ thể người: "Đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng".
Ông nói: “Khám phá này sẽ hướng mọi người đến việc nghiên cứu về những yếu tố bên ngoài môi trường ảnh hưởng đến giấc ngủ hơn là nghiên cứu về các nhân tố sinh học bên trong cơ thể. Có một số người cho rằng, họ không thể đi ngủ sớm bởi vì họ thuộc tuýp người ngủ muộn, đó là do gene của họ đã quy định như vậy… Nhưng thật ra, việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo đã khiến đồng hồ sinh học trong cơ thể bạn trễ hơn bình thường, vì vậy nên vào buổi sáng, chúng ta cũng khó lòng thức dậy”.
Ông nêu lên quan điểm của mình: “Tôi không nghĩ rằng qua nghiên cứu này, những người ở nhà nên thay đổi bằng việc đi cắm trại. Chúng ta nên nghiên cứu kỹ càng hơn về môi trường sống, trong nhà và cả trong phòng ngủ, như là về ánh sáng, nhiệt độ vào buổi tối để tìm ra ảnh hưởng của nó đối với thời điểm đi ngủ của mình”.
Vai trò vitamin B1đối với con người Mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ và khó chịu mà lâu nay người ta vẫn đổ lỗi do thời tiết thay đổi, nhưng theo nghiên ... |
10 lời khuyên để có giấc ngủ ngon Những căng thẳng, lo âu và cả những tiếng động đáng ghét ban đêm cũng có thể làm bạn mất ngủ. Nếu để tình trạng ... |