Hai đứa cháu của ông Lê Văn Dần, một cựu binh của chính quyền Sài Gòn bị tàn tật bẩm sinh do chất độc da cam. |
Ung thư và dị tật bẩm sinh đường hô hấp xảy ra với các cựu chiến binh của cả Mỹ và Việt Nam đều do phơi nhiễm với các chất làm rụng lá. Quân đội Mỹ đã rải hàng triệu lít chất độc da cam vào các khu rừng của Việt Nam trong cuộc chiến nhằm truy tìm quân cộng sản miền Bắc.
Nhiếp ảnh gia Damir Sagolj của Reuters đã đi khắp đất nước Việt Nam để gặp những người bị ảnh hưởng bởi chất độc này sau bốn thập kỷ. Và sau đây là câu chuyện của nhà nhiếp ảnh này.
Nếu bạn đang ở trên máy bay cất cánh từ sân bay Đà Nẵng tại Việt Nam, nhìn qua cửa sổ phía bên phải, bạn sẽ thấy một bức tường màu vàng ngăn cách khu vực sân bay với khu dân cư đông đúc – và đó là vết sẹo xấu xí trong bức tranh rất không đẹp của Chiến tranh Việt Nam. Đây là nơi những thùng chất độc da cam được lưu giữ tại sân bay mà quân đội Mỹ sử dụng để phun chất làm rụng lá lên khắp đất nước này. Hơn bốn mươi năm trôi qua, khu vực này cuối cùng đang được khử nhiễm.
Tôi vẫn muốn kể câu chuyện về di chứng chất độc da cam dù một vài người sẽ nhướng mày hỏi: Không kể được chuyện mới hay sao mà lại nói về câu chuyện đã được kể đi kể lại như thế?
Tôi không nhớ đã từng nghe điều này ở đâu và khi nào, nhưng đó là lời khuyên: dù cho chuyện được kể bao nhiêu lần và bao nhiêu người đã kể nó thì hãy coi như bạn là người đầu tiên và duy nhất chứng kiến nó. Tôi đã nghe lời khuyên này rất nhiều lần trong quá khứ và bây giờ cũng vậy.
Mỗi công việc đều có nguyên tắc riêng, và một trong những điều quan trọng là càng dành nhiều thời gian nghiên cứu những điều chưa biết thì bạn càng có cơ hội thu được nhiều điều ấn tượng.
Vì thế, tôi cùng một đồng nghiệp người Việt Nam đã lên kế hoạch đi vòng quanh đất nước trải dài hơn 1.500 km từ Bắc tới Nam, với rất nhiều người vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam.
Hiệp hội Việt Nam nạn nhân chất độc da cam/dioxin (VAVA) đã cho Reuters biết rằng hơn 4,8 triệu người ở Việt Nam đã phơi nhiễm thuốc diệt cỏ và hơn 3 triệu người đã bị mắc những căn bệnh chết người.
Ngay sau khi tôi bắt đầu chụp ảnh và nói chuyện với nạn nhân và người thân của họ, phản ứng tức thời và tự nhiên của tôi là muốn nhìn gần hơn, tận khuôn mặt của nạn nhân, để hiển thị hết những gì đã xảy ra với cơ thể một con người.
Đó gần như là một cách tiếp cận của nhiếp ảnh pháp y. Tại một nhà tế bần ngoại ô Hà Nội, sau một vài chân dung của một đứa trẻ sinh ra không có mắt và các nạn nhân khác mà các bộ phận cơ thể bị xoắn vào nhau, tôi cảm thấy kế hoạch ban đầu của mình có sai lầm. Những khuôn mặt và đôi mắt trong ảnh nhìn rất thương tâm; trọng tâm là ở đó, nhưng tôi thấy mình đã bỏ lỡ nhiều thứ xung quanh nó.
Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Phúc, 63 tuổi, ngồi trên giường với con trai của ông là Nguyễn Đình Lộc, 20 tuổi. |
Tôi muốn đặt những bức ảnh trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, bốn mươi năm sau. Để thấy những nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba, về hoàn cảnh và cuộc sống của họ. Để tìm hiểu lý do tại sao con cháu của những người bị ảnh hưởng vẫn đang được sinh ra và bị khuyết tật, để tìm hiểu xem mọi người có biết về sự nguy hiểm hay không, và nếu biết thì điều gì sẽ xảy ra.
Và để ghi lại hình ảnh của tất cả các điều đó.
Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với VAVA, hiệp hội chính giúp đỡ nạn nhân, và họ đã cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin cần thiết, bao gồm cả con số nạn nhân và nơi họ sinh sống. VAVA và các quan chức địa phương cùng với các thành viên gia đình nạn nhân cũng đã xác nhận rằng tình trạng sức khỏe của người dân mà chúng tôi đã gặp và chụp ảnh có liên quan đến chất độc da cam mà cha mẹ hoặc ông bà của chúng bị phơi nhiễm.
Tại một ngôi làng khác, Lê Văn Dần, một cựu binh của chính quyền Sài Gòn, kể với tôi rằng ông đã bị phun trực tiếp chất độc đó từ máy bay Mỹ cách không xa nhà ông hiện nay.
Trong khi người đàn ông nói qua hàm răng bị hỏng, hai cháu trai của ông ở trong căn phòng phía sau nhà bếp đang được một nhân viên viện trợ của chính phủ cho uống sữa. Cả hai đã bị tàn tật bẩm sinh, các bác sĩ nói nguyên nhân là do chất độc da cam.
Trong một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Thái Bình, trong một căn phòng trống trải chẳng có đồ đạc gì, Đoàn Thị Hồng Gấm nằm đắp tấm chăn màu xanh nhạt. Bức tường cáu bẩn của căn phòng cho thấy sự vật lộn. Cô bị cách ly ở đây từ năm 16 tuổi vì bị tâm thần nặng với các hành vi tấn công người khác. Hiện cô đã 38 tuổi.
Tôi đã chụp ảnh của người phụ nữ tội nghiệp này trong khoảng 15 phút. Đó là những tấm hình mạnh mẽ nhất mà tôi có trong một thời gian dài. Cha của Gấm, một cựu binh, đang nằm trong căn phòng bên cạnh, và cũng bị bệnh nặng, do tiếp xúc với chất độc da cam trong chiến tranh.
Tiếp đó là một ngôi làng và một hình ảnh khác. Trên một ngọn đồi sau nhà cựu binh Đỗ Đức Dịu, ông chỉ cho tôi xem khu nghĩa trang mà ông xây cho 12 người con, tất cả đều chết sau khi sinh ra và bị khuyết tật. Vẫn còn vài ô trống bên cạnh những ngôi mộ, dành cho những đứa con gái của ông, hiện còn sống nhưng bị bệnh rất nặng.
Người đàn ông đồng thời cũng từng là bộ đội Bắc Việt đã bị phơi nhiễm với chất diệt cỏ độc hại. Trong hơn hai mươi năm qua, ông và vợ đã cố gắng sinh một đứa con khỏe mạnh. Nhưng từng đứa một đã chết dần và họ vẫn nghĩ rằng mình không may mắn, họ vẫn liên tục cầu nguyện, nhưng không có kết quả. Họ phát hiện về chất độc da cam chỉ sau khi người con thứ 15 ra đời và bị bệnh. Tôi đã chụp ảnh con gái út của ông. Đó là một việc không mấy dễ dàng.
Cứ mỗi làng tôi qua, lại có thêm nhiều bức ảnh và câu chuyện kinh khủng hơn. Chúng tôi đã ghi lại nhiều điều và cố không bỏ lỡ bất kỳ chi tiết quan trọng cần thiết nào.
Trở lại Đà Nẵng, bên cạnh sân bay quốc tế, chúng tôi đến thăm một cặp vợ chồng trẻ từng sống và làm việc ở đó kể từ uối những năm 1990. Lần đầu tiên đến đây, người chồng thường đi câu cá, mò ốc và rau quả mang về nhà để ăn.
Gia đình này rất nghèo và tất cả các thực phẩm được cả nhà chào đón. Điều mà người đàn ông đã không biết là chất độc da cam, được lưu trữ gần đó, đã nhiễm vào nước và mọi thứ xung quanh hồ nước nằm bên cạnh đường băng.
Con gái của hai vợ chồng này sinh ra năm 2000 đã bị bệnh và mất năm lên bảy. Con trai của họ sinh năm 2008 cũng bị bệnh với các triệu chứng tương tự như người chị. Tôi đã chụp ảnh và sau đó lái xe đưa gia đình này đến bệnh viện để truyền máu cho cậu bé. Cậu bé bị mù và ốm nặng đã giữ chặt ngón tay tôi.
Mỹ ngừng rải chất độc da cam năm 1971 và chiến tranh kết thúc vào năm 1975. Hai mươi năm sau, nhiều người sống tại các ngôi làng và thành phố không biết gì về nó. Bốn mươi năm sau, đến ngày hôm nay, trẻ em và cha mẹ của họ vẫn phải gánh chịu hậu quả phần lớn của câu chuyện vẫn chưa được kể hết. Chất độc da cam là một bi kịch lớn được tạo ra từ nhiều bi kịch nhỏ, tất cả đều do con người tạo ra.
Tôi không thể làm được gì nhiều ngoài việc kể lại câu chuyện này bằng ảnh. Những bức ảnh tôi chụp không phải để so sánh mọi thứ trước và sau chiến tranh, tất cả đều về hiện tại. Nếu chúng ta đọc lịch sử và những câu chuyện từ quá khu một cách thiếu sót, tôi sợ tương lai của chúng ta cũng nhìn chúng ta như vậy.
Nguyễn Kim (Theo Reuters)