Đó là một trong rất nhiều biển hiệu viết tay xuất hiện trên con đường vách núi, rừng xanh bạt ngàn nối sân bay với thủ đô Thimphu của Bhutan - đất nước được truyền thông quốc tế mệnh danh là "quốc gia hạnh phúc nhất thế giới". Những biển hiệu này khiến các du khách nước ngoài cảm thấy ngạc nhiên và thích thú. Tại một khúc quanh, họ sẽ thấy những bảng hiệu đơn giản khác như: “Hãy để tự nhiên dẫn đường cho bạn” hay “Xin lỗi vì sự bất tiện”.
Tu viện Paro Taktsang nổi tiếng của Bhutan. (Nguồn: Littleindex) |
Những bảng hiệu này có tác động rất tích cực tới tâm lý của du khách - những người muốn khám phá vương quốc huyền bí Bhutan, nơi có các tu viện Phật giáo cổ kính nằm trong núi và rừng cây, hay trên các thảo nguyên bao la, hùng vĩ. Bốn mươi năm trước, Bhutan lần đầu tiên mở cửa biên giới cho khách du lịch quốc tế. Kể từ đó, đất nước này trở thành điểm đến hấp dẫn, được coi như một "Shang-ri La" (thung lũng huyền thoại) vừa bí ẩn vừa có thực. Một điểm lớn đóng góp vào cái nhìn này chính là việc Bhutan theo đuổi khái niệm đặc biệt: "Tổng hạnh phúc quốc gia" - điều đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nước khác.
Không chỉ là triết lý sống
Khái niệm "Tổng hạnh phúc quốc gia" (Gross National Happiness - GNH) do Nhà vua Bhutan Jigme Singye Wangchuck đưa ra vào đầu những năm 1970. Khởi đầu, vị vua này tự hỏi tại sao cả thế giới lại theo đuổi khái niệm "Tổng sản phẩm quốc nội" (Gross Domestic Product - GDP), trong khi nó không thể coi là thước đo hạnh phúc và ổn định xã hội. Vào thời điểm đó, Nhà vua chỉ đang ở độ tuổi thành niên, nhưng được nhiều người đánh giá cao về trí tuệ và sự hiểu biết. Theo ông, cần phải đưa hạnh phúc vào mục tiêu theo đuổi của quốc gia và coi đây là dấu hiệu phát triển thịnh vượng của người Bhutan. Hơn nữa, Vua Jigme Singye Wangchuck còn cho rằng cần có trao đổi rộng rãi trong công chúng về khái niệm này, cũng như trong việc định ra các mục tiêu phát triển của đất nước.
Năm 1971, Bhutan đã từ bỏ mục tiêu GDP và theo đuổi GNH. Đây là cách tiếp cận hoàn toàn mới, trong đó “sự thịnh vượng” được đo bằng các chỉ số về tinh thần, thể chất, xã hội, môi trường và sức khỏe của người dân, cũng như của môi trường thiên nhiên. Nói tóm gọn, “hạnh phúc quan trọng hơn tiền bạc” là nguyên tắc chính dẫn dắt các chính sách của Bhutan.
Thực ra, triết lý sống lâu đời của người Bhutan cũng đã ẩn chứa khái niệm “hạnh phúc” này. Bộ luật cổ của Bhutan, ra đời năm 1629, từng quy định: “Nếu như Vương triều không tạo ra được hạnh phúc cho người dân, thì không còn lý do nào cho vương triều tồn tại cả”. Bộ luật này nhấn mạnh rằng các luật lệ ở Bhutan - đất nước theo đạo Phật - phải có mục đích thúc đẩy hạnh phúc cho mọi người dân. Rõ ràng là triết lý sống hiện nay của Bhutan bắt nguồn và hình thành từ lâu trong lịch sử. Triết lý này không chỉ tập trung vào phát triển kinh tế mà tập trung vào việc tìm kiếm sự hài hòa giữa xã hội con người với thiên nhiên. Khái niệm GNH được sử dụng ở Bhutan để nhấn mạnh rằng chất lượng phát triển của xã hội phụ thuộc vào sự phát triển cả về vật chất và tinh thần. Hiện nay, Bhutan được coi là đối tượng nghiên cứu của nhiều chuyên gia quan tâm tới việc định nghĩa thế nào là "sự phát triển xã hội con người thực sự".
Bốn mươi năm sau khi GNH ra đời, năm 2008, Hiến pháp Bhutan đã quy định ở điều 9: “Chính phủ có nhiệm vụ thúc đẩy các điều kiện ở Bhutan để đạt được mục đích theo đuổi GNH”. Việc đưa khái niệm GNH vào Hiến pháp có ý nghĩa quan trọng, khẳng định phát triển bền vững là nguyên tắc căn bản của quốc gia nhỏ bé này. Giờ đây, kiếm tìm hạnh phúc không còn là triết lý sống, mà đã thành mục tiêu phát triển, được đo đạc bằng các chỉ số cụ thể và định lượng được. Nhiều chuyên gia cho rằng, GNH là một “phương pháp phát triển đa chiều nhằm đạt được sự cân bằng, hài hòa giữa sự thịnh vượng về mặt vật chất, cùng với đáp ứng các nhu cầu tinh thần, tình cảm và văn hóa của xã hội”. Đối với mỗi cá nhân, điểm quan trọng nhất của khái niệm này là sự cân bằng, hài hòa chỉ có thể đạt được nếu như có sự cân bằng giữa nhu cầu thể chất với nhu cầu tinh thần.
Chín chỉ số hạnh phúc
Ở Bhutan, khái niệm GNH có thể được áp dụng trong mọi lĩnh vực, từ chính trị tới... thời trang, từ cách tư duy, suy nghĩ, phát triển văn hóa tới hạn chế tội phạm. Ví dụ như trong lĩnh vực kinh doanh, năm 2008, Bhutan đã thực hiện ý tưởng áp dụng nguyên tắc này trong hoạt động của các doanh nghiệp. Cụ thể, Chính phủ Bhutan khuyến khích các doanh nghiệp dành một phần lợi nhuận ngắn hạn để hỗ trợ các mục đích dài hạn, đó là xây dựng các mô hình phát triển có trách nhiệm và bền vững. Tiếp theo, trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ phải làm báo cáo không chỉ đối với các cổ đông, mà còn với khách hàng, nhân viên và cộng đồng.
Trẻ em Bhutan. (Nguồn: Bhutanindex) |
Để làm được điều đó, Thủ tướng Bhutan Tsering Tobgay cho rằng đất nước này sẽ thực hiện hệ thống đánh giá dựa trên các chỉ số hạnh phúc. Có chín chỉ số cho phép đánh giá tác động của mỗi doanh nghiệp lên người lao động, khách hàng, cộng đồng địa phương và đối với bản thân doanh nghiệp. Bốn chỉ số gồm: tâm lý, sức khỏe, lịch làm việc và giáo dục sẽ được xây dựng từ kết quả phỏng vấn người lao động. Đơn cử, để biết được tình trạng tâm lý của một nhân viên, doanh nghiệp sẽ phải đặt ra các câu hỏi liên quan đến sự hài lòng của người này trong công việc, sự hòa nhập với môi trường làm việc, hay việc kiểm soát cảm xúc ở chỗ làm. Năm chỉ số còn lại (sức sống của cộng đồng, sự đa dạng văn hóa, chất lượng quản lý, đa dạng sinh học và điều kiện sống) sẽ được đánh giá trên các dữ liệu mà các doanh nghiệp cung cấp. Có thể thấy, khái niệm “Tổng hạnh phúc quốc gia” mang đến cái nhìn khác biệt so với khái niệm "Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Nếu như "Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” tập trung vào việc quản lý nguy cơ hay các mối quan hệ công chúng của doanh nghiệp (đóng góp tiền, thời gian) trong các lĩnh vực cụ thể, thì GNH hướng tới mục đích thay đổi hoàn toàn vai trò của doanh nghiệp trong xã hội. Theo Thủ tướng Tobgay, Bhutan sẽ thực hiện chính sách này trên phạm vi cả nước.
Môi trường là số 1
Khi các lo ngại về biến đổi khí hậu ngày càng tăng cao, mô hình phát triển của Bhutan đang được nhiều quốc gia quan tâm. Bhutan cũng là một trong những nước thường xuyên đưa ra những cảnh báo đối với thế giới về vấn đề biến đổi khí hậu, sự “tự vẫn” môi trường cho phát triển kinh tế mà các chính sách phát triển hiện tại có thể gây ra. Năm 2011, Liên hợp quốc (LHQ) đã phản hồi tích cực với lời kêu gọi xây dựng phương hướng phát triển phù hợp của Bhutan. Hiện nay, LHQ đang nghiên cứu xem liệu có thể áp dụng mô hình phát triển Bhutan trên khắp toàn cầu.
Tuy nhiên, Bhutan vẫn còn chậm phát triển về kinh tế và là một trong những đất nước nghèo nhất thế giới. Khoảng một phần tư dân số Bhutan sống với hơn 1 Euro/ngày và phần đông chưa có điện sử dụng. Đi cùng với nghèo đói là hiện tượng tội phạm tăng cao, đặt ra nhiều áp lực cho Chính phủ Bhutan. Mặc dù đang phải đối mặt với nhiều thách thức như vậy, song không thể phủ nhận người Bhutan là một trong những dân tộc hạnh phúc nhất thế giới. Giới trẻ Bhutan thường trả lời rằng họ rất tự hào vì là người Bhutan, cũng như mong ước trở thành nhân viên bảo vệ rừng, thành nhà khoa học bảo vệ môi trường, bác sĩ chữa bệnh cứu người… Ở Bhutan, “mọi người cảm thấy hạnh phúc khi họ chứng kiến những điều tốt đẹp”, như lời ông Ura - người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Bhutan và Tổng hạnh phúc quốc gia.