TIN LIÊN QUAN | |
Ngắm không gian mở của Bảo tàng Báo chí Việt Nam | |
Trải nghiệm Tết Việt cùng nghệ nhân tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam |
Không gian di tích Nhà tù Hỏa Lò trong tour trải nghiệm đêm. |
“Bảo tàng vì sự bình đẳng: Đa dạng và hòa nhập” – chủ đề được Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) lựa chọn cho năm nay nhằm tôn vinh sự đa dạng của bảo tàng cũng như đội ngũ cán bộ làm việc tại bảo tàng. ICOM khuyến khích các bảo tàng thúc đẩy sự sáng tạo và phát huy tốt giá trị các sưu tập hiện vật thông qua khai thác thế mạnh của phương tiện truyền thông xã hội.
Đừng tự mình “mắc kẹt”
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, trưng bày trực tuyến đang là một hình thức được nhiều bảo tàng trên thế giới áp dụng và thu được hiệu quả nhất định. Ở Việt Nam, việc trưng bày, triển lãm, giới thiệu hiện vật trực tuyến đã được một số bảo tàng triển khai như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhằm tăng sự tương tác với công chúng.
Sau nhiều công đoạn chuẩn bị từ lên ý tưởng, thuyết minh nội dung trưng bày, quay phim, biên tập và dựng phim, nhiều câu chuyện thú vị về hiện vật đã được lan tỏa như chiếc khèn của người Hmông, nón lá làng Chuông…
Với quan điểm bảo tàng là nơi diễn ra các hoạt động kết nối quá khứ - hiện tại và tương lai, nhiều bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh như Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn... đã tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, tọa đàm.
Công chúng đến bảo tàng được gặp gỡ, trò chuyện với các nhân chứng lịch sử, từ đó hiểu và cảm nhận sâu hơn về ý nghĩa hiện vật, tư liệu được trưng bày.
Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện, cuộc sống được mở rộng ra nhiều chiều không gian thì bảo tàng cũng vậy: “Nếu không làm gì, bảo tàng sẽ bị thụt lùi, thậm chí là mắc kẹt trong chính bức tường của phòng trưng bày.
Vì vậy, việc đầu tư cho các video clip, đưa thông tin đến công chúng qua các trang mạng xã hội hay tổ chức hoạt động trải nghiệm gắn với văn hoá, lịch sử của vùng đất, dân tộc là một trong những cách bảo tàng mở rộng không gian, liên hệ với du khách tương lai của chính mình”.
Gắn với du lịch thông minh
Đưa hoạt động của bảo tàng với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch thông minh được coi là giải pháp hiệu quả để thu hút khách tham quan. Có thể thấy Thành phố Hồ Chí Minh đã có định hướng phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố qua việc phát triển du lịch thông minh, như xây dựng phần mềm hướng dẫn tham quan hệ thống từng bảo tàng.
Phần mềm hướng dẫn sẽ giúp du khách có thể khám phá trước nội dung trưng bày, các sản phẩm lưu niệm đặc trưng và thưởng thức các giá trị văn hóa tại bảo tàng.
Điển hình là Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã triển khai ứng dụng giải pháp Smart Museum mang đến cho công chúng sự tiếp cận, trải nghiệm đa dạng hơn các dữ liệu, hấp dẫn hơn về hình thức trưng bày, giới thiệu các tư liệu, tài liệu, hiện vật.
Khi muốn tìm hiểu về một nhân vật hay hiện vật, tư liệu, công chúng chỉ cần kích hoạt ứng dụng Smart Museum là có thể tìm kiếm được nhiều thông tin hơn ngay trên chiếc điện thoại thông minh.
Smart Museum còn đóng vai trò như một hướng dẫn viên điện tử với các ngôn ngữ khác nhau, đem lại trải nghiệm thú vị hơn.
Giải pháp công nghệ được áp dụng tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. |
... và phục dựng “phần hồn”
Đúng 10 năm sau khi hoàn thành Bảo tàng Hà Nội, công trình văn hóa lớn của Thủ đô bắt đầu hoàn chỉnh phần trưng bày thiết kế, chấm dứt tình trạng “vườn không nhà trống” bấy lâu nay. Được gửi gắm niềm kiêu hãnh và kỳ vọng, đến nay, những người quản lý Bảo tàng Hà Nội có thể tự tin Bảo tàng có thể đưa lại cho công chúng những ấn tượng tốt khi mở cửa đón khách trở lại vào cuối năm 2021.
Với tổng diện tích trưng bày lên tới gần 10.000 m2, bảo tàng kể câu chuyện lịch sử Thăng Long - Hà Nội trên cơ sở hơn 70.000 tài liệu, hiện vật và kết hợp trưng bày bảy chủ đề bao gồm: Thiên nhiên, Hành trình đến Thăng Long, Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt, Hà Nội thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Kháng chiến và giành độc lập (1873-1954), kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hà Nội trên đường đổi mới.
Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, mỗi chủ đề được chứng minh bằng nhiều tiểu chủ đề khác nhau, trong đó có những tiểu chủ đề rất độc đáo, tạo ra cái nhìn mới về Hà Nội như Giảng Võ đường, Kẻ chợ, Thành Vauban, Thành phố thuộc địa, Khu tập thể... Bên cạnh đó, khu vực trưng bày còn có thêm một chuyên đề giới thiệu tại sân vườn, tại các vị trí ô đá, bãi cỏ. Bảo tàng Hà Nội đầu tư công nghệ trong tra cứu thông tin với tám màn hình tra cứu với 98 video clip dạng phim ngắn từ năm đến bảy phút về lịch sử Hà Nội...
Mới đây, Ban quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò đã khởi động tour trải nghiệm về đêm dành cho du khách với hành trình trại giam nam tù tập thể, trại giam nam tù chính trị, ngục tối, cây bàng, các cửa cống ngầm, trại giam nữ tù chính trị, máy chém, xà lim tử hình, đài tưởng niệm. Điều đặc biệt là đơn vị tổ chức đã tạo nên các cung bậc cảm xúc từ hiệu ứng của ánh sáng và âm thanh giúp đánh thức mọi cảm xúc, giác quan của du khách.
Nói về, tour trải nghiệm mới này, TS. Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho rằng tất cả bầu không khí ngột ngạt, sự hà khắc nơi ngục tù tăm tối, xiềng xích gông cùm bủa vây sự sống của những người tù chính trị trong nhà tù Hỏa Lò năm xưa đã được truyền tải giàu cảm xúc. Chắc hẳn, về lâu dài, những đoàn khách quốc tế sẽ có những trải nghiệm thú vị vào dịp cuối tuần khi ghé thăm thủ đô Hà Nội.
| Vườn quốc gia Xuân Sơn - Bảo tàng thiên nhiên vùng đất Tổ TGVN. Vườn quốc gia Xuân Sơn thuộc địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ là một trong số 15 vườn quốc gia lớn nhất ... |
| Bữa tiệc hội họa mang tên “Niệm” ở Bảo tàng Hà Nội TGVN. Sáng 30/5, dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao, Triển lãm “Niệm” của 4 họa sĩ, nghệ nhân hàng đầu Việt Nam là ... |
| Bảo tàng Chăm: Điểm đến của du khách nước ngoài tại Đà Nẵng Bảo tàng Chăm - bảo tàng điêu khắc duy nhất trên thế giới về nền văn minh Chăm Pa - là một trong những tâm ... |