TIN LIÊN QUAN | |
Nhật: Hạn chế cấp phép làm việc với người xin tị nạn từ năm 2018 | |
Nhật Bản: Tỷ lệ thất nghiệp chạm mức thấp nhất từ năm 1993 |
Sáng sớm, đi tập thể dục, tôi cùng anh Võ Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định từ trên công viên rẽ xuống bờ sông...
Giữa đường thấy chuyện
Thực ra đây là con kênh chảy qua quận Shinagawa, người Nhật gọi là Keihin Canal. Một phụ nữ đang lúi húi trên bờ kênh, bà không nhìn thấy chúng tôi. Lại gần thấy bà đang dùng giấy vệ sinh để gói phân con chó nhỏ vừa thải ra, bỏ vào túi xách đeo bên mình. Tôi nói với anh Kha, ở đây vắng người, không ai trông thấy, sao bà ấy phải làm thế! Anh Kha bảo hôm qua anh đi bộ cũng gặp một người khác, ông ấy cũng làm như thế. Đó là việc tự giác để giữ gìn môi trường sống của người dân Nhật Bản mà bạn có thể gặp ở bất cứ đâu.
Người nhặt rác trên hè phố Shinagawa |
Trên các tuyến phố Tokyo, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người già đi nhặt từng mẩu giấy, quét từng lá cây vừa rụng xuống. Thế giới ngưỡng mộ cán bộ công chức Nhật Bản vì sự chuyên nghiệp, mẫn cán và kỷ luật. Người dân Nhật thì sống rất nguyên tắc, tự trọng và sạch sẽ. Chỉ một chuyện nhặt rác vụn trên các tuyến phố của những người cao tuổi đã phần nào cho thấy điều đó. Nhìn người già nhặt rác, ta sẽ không còn ý định vứt rác ra đường, mà bỏ lại vào túi, đợi mang đến nơi quy định.
Bài học cho con trẻ
Đến thành phố Hiratsuka thuộc tỉnh Kanagawa, tôi nhận ra rằng, sạch đẹp, quy củ không phải là “độc quyền” của thủ đô Tokyo. Ở những nơi công cộng như nhà ga, bến xe, cửa hàng ở tỉnh này đều có nơi để rác và khu hút thuốc lá riêng. Tại trạm dừng chân Nexco Express, có thùng rác được chia làm các ngăn cho can hộp, chai nhựa, túi nilon và rác thông thường. Tôi đã chứng kiến một người mẹ hướng dẫn hai con nhỏ nhận biết các ngăn trước khi bỏ rác vào thùng. Những việc làm như thế này không chỉ giảm bớt nỗi vất vả cho những người làm nghề xử lý rác thải, giúp cho môi trường sống trong lành hơn, mà quan trọng nữa là, khi tập phân loại rác ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp trẻ em Nhật Bản sớm hình thành tính cẩn thận, biết suy xét và trên hết là dạy các em có ý thức trách nhiệm với cuộc sống, biết yêu lao động và cảm thông với người lao động.
Từ tiểu học, trẻ em Nhật Bản đã được bố mẹ dạy cách tự đi bộ đến trường, khi sang đường tuân thủ đèn tín hiệu giao thông như thế nào, khi thời tiết xấu thì ứng xử ra sao. Người Nhật được rèn tính tự lập từ nhỏ. Trong ba lô mỗi em đeo sau lưng luôn có chiếc giẻ lau. Các trường học ở Nhật thường không có nhân viên dọn dẹp vệ sinh. Học sinh Nhật phải tự quét lớp, dọn phòng vệ sinh, lau bàn ghế, cửa kính. Cô giáo Yuko Tsukihashi dạy tiếng Anh ở trường tiểu học tỉnh Ehime cho biết, mỗi tuần các em đều được học các bài về đạo đức. Ý thức bảo vệ môi trường là một trong bốn nội dung trọng tâm của chương trình dạy đạo đức cho học sinh. Theo quy định của Giáo dục Nhật Bản thì bốn nội dung đó là: Đối với bản thân, phải độc lập, tự mình làm theo khả năng, sống điều độ, khiêm nhường; Đối với người khác phải lịch thiệp và trung thực trong giao tiếp và hành động; Đối với tự nhiên phải gìn giữ môi trường sống và trân quý các sinh linh; Đối với cộng đồng, xã hội phải giữ chữ tín, thượng tôn pháp luật và ý thức về bổn phận cống hiến.
Người mẹ dạy con phân loại rác ở Hiratsuka (ảnh H.Q) |
Văn minh bởi luyện rèn
Ở Nhật Bản, ngay dưới các công trình đang được xây dựng, sửa sang, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Đường xá, xe cộ, áo quần tuyệt nhiên không hề dính bụi là bởi các tấm che chắn hoàn hảo. Đặc biệt, những thiết bị đo độ ồn và độ rung được gắn vào để giám sát các công trình. Với hệ thống kiểm soát ô nhiễm nghiêm ngặt như vậy, không nhà thầu nào dám tùy tiện làm ẩu.
Thấy tôi cứ tấm tắc về câu chuyện giữ gìn vệ sinh môi trường của nước bạn, Tiến sỹ Võ Minh Vũ - Phó Trưởng khoa Đông phương (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), người từng nhiều năm học tập và công tác tại Nhật Bản, cho biết không phải ngay từ đầu, người Nhật đã có được ý thức tự giác gìn giữ môi trường như bây giờ. Nhiều nơi ở ta hiện phải ghi biển “Cấm đái bậy” để mong hạn chế thói quen tùy tiện đáng xấu hổ này của một số ít người Việt. Chuyện này cũng từng xảy ra ở Nhật Bản khoảng 200 năm trước khi người Nhật bắt đầu mở cửa với thế giới. Giới trí thức và quan chức Nhật Bản cho rằng hành vi thiếu văn hóa đó làm mất mặt người Nhật trước các nước văn minh phương Tây. Trong tín ngưỡng của người Nhật thì miếu thờ Thần đạo là nơi trú ngụ linh hồn của đất trời, cây cỏ, sinh linh vạn vật. Vì vậy, cứ chỗ nào người dân hay tùy tiện phóng uế, chính quyền đều đặt biển báo đó là nơi thờ Thần đạo. Đồng thời nhà vệ sinh công cộng được xây dựng ở những vị trí hợp lý. Giải pháp này đã xóa bỏ hẳn một hiện tượng phi văn hóa và đến nay vẫn là câu chuyện thú vị đáng suy ngẫm.
Ta vẫn nghe, khi ra thế giới, người Nhật cứ thấy rác là nhặt. Chuyện những cổ động viên Nhật Bản nhặt rác tại sân vận động ở Brazil hay vị giám đốc người Nhật thường xuyên dọn rác quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội khiến chúng ta khâm phục. Người Nhật có được vị thế kinh tế, trình độ văn minh khiến cả thế giới kính nể hôm nay đều vì lòng tự trọng quốc gia đã chuyển thành lòng tự trọng của mỗi người dân bình thường. Theo triết tự thì Nhật Bản nghĩa là nơi nguồn gốc mặt trời, là đất nước mặt trời mọc. Đến Nhật Bản, một phần trong tôi như vừa được khai sáng.
Dư Hồng Quảng
(Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Phú Thọ)
Nhật Bản ghi nhận số lượng trẻ sơ sinh thấp kỷ lục trong năm 2017 Số lượng trẻ sơ sinh tại Nhật Bản năm 2017 thấp hơn 4% so với năm 2016 và là mức thấp nhất kể từ khi ... |
Nhật Bản duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ Ngày 21/12, Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) đã quyết định tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ với lợi suất trái phiếu ... |
Tinh thần Nhật Bản và bài học cho Việt Nam "Ấn tượng tốt đẹp của chúng tôi về người Nhật là sự chân thành, thân thiện, tác phong nhanh nhẹn, làm việc chuyên nghiệp", ông ... |