📞

Địa linh Đông Triều

13:30 | 04/03/2018
Đông Triều, Yên Tử - thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm, nơi lưu giữ những dấu tích vô giá về các vị vua Trần như Đền An Sinh, Thái Miếu, am Ngọa Vân - nơi Đức Vua Trần Nhân Tông hóa Phật luôn là điểm hành hương thu hút phật tử và du khách mỗi dịp đầu Xuân.

Đông Triều là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử đặc biệt về nhà Trần và các vị Vua Trần anh minh. Cho đến nay, Đông Triều đã có 133 di tích lịch sử và danh thắng, trong đó có 18 di tích được công nhận là di tích cấp tỉnh, 8 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Trong đó, cụm quần thể Di tích nhà Trần tại Đông Triều đã được công nhận là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt năm 2013.

 Khu di tích lịch sử văn hóa nhà Trần tại Đông Triều là một quần thể di tích chùa, tháp, đền miếu và lăng tẩm được nhà Trần cho xây dựng từ đầu thế kỷ XIII đến cuối thế kỷ XIV, phân bổ trên một khu vực rộng lớn nay thuộc địa bàn các xã Tràng An, An Sinh, Bình Khê và Thúy An. Đặc biệt, trong số đó có am Ngọa Vân, nơi Đức Vua, Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành và hóa Phật.

Chùa Ngọa Vân.

Thánh địa Ngọa Vân - Nơi Vua hóa Phật

Đức Vua Trần Nhân Tông là vị Vua anh minh và anh hùng. Dưới thời trị vì của ông (1278-1293), đất nước Đại Việt phải trải qua những thời khắc cam go nhất trong việc bảo vệ nền độc lập dân tộc. Nhưng nhờ tài năng và đức độ của mình, Đức Vua đã tập hợp được những nhà quân sự tài giỏi, huy động mọi tiềm lực của dân tộc và trực tiếp lãnh đạo quân dân Đại Việt  làm nên những chiến công hiển hách.

Sau khi đánh thắng đội quân Nguyên Mông xâm lược hung hãn và thiện chiến nhất thời bấy giờ, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập dân tộc, ông cùng  vương triều Trần đưa đất nước vào thời kỳ thái bình thịnh trị, đạt nhiều thành tựu rực rỡ trong kỷ nguyên văn minh Đại Việt. Thế nhưng, đang trên đỉnh cao quyền lực, ở tuổi 35, ông đã nhường lại ngôi báu, từ bỏ cuộc sống đế vương để xuất gia tu hành khổ hạnh, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm mang đậm tinh hoa Đại Việt và trở thành Phật Hoàng.

Sau thời gian dài tu hành khổ hạnh tại núi Yên Tử với pháp danh Trúc Lâm Đại sỹ, Ngài xuống núi, đi khắp xóm làng, dạy dân chúng phá bỏ dâm từ  và thực hành thập thiện (10 điều thiện được thực hiện qua suy nghĩ, lời nói và hành động), gồm: Không sát sinh; Không trộm cắp; Không tà dâm; Không dối gạt người, không nói lời thiếu chân thật; Không nói hai lời; Không nói lời hung dữ, không văng tục chửi thề, không nói lời độc địa; Không dùng lời phù phiếm, nói những chuyện không mang lại lợi ích; Không tham ngũ dục lục; Không oán hận; Không si mê. 10 điều răn dạy minh triết của Ngài cách nay gần 1.000 năm mà vẫn thật sâu xa, cần thiết xiết bao cho dân tộc hôm nay!

Người hành hương giúp nhà chùa di chuyển tượng Phật Hoàng lên núi chuẩn bị cho Lễ Khai mạc hội xuân chùa Ngọa Vân 2018.

Theo sử sách ghi lại, năm 1307, Ngài lên tu tại một am nhỏ trên đỉnh Ngọa Vân, núi Bảo Đài thuộc dãy núi Yên Tử. Đỉnh Ngọa Vân do được dãy núi cao Vây Rồng che chắn ở phía bắc nên khi hơi ấm từ biển thổi vào được giữ lại, ngưng tụ thành mây khiến nơi đây quanh năm mây phủ, tạo nên khung cảnh mờ ảo và huyền bí. Tháng Mười năm Mậu Thân (1308), sau một chuyến xuống núi trở về am, đến giờ Tý một đêm sao trời tỏ rạng, Ngài cho gọi các đệ tử gần gũi của mình và truyền rằng “đã đến lúc ta đi” rồi nằm xuống theo thế sư tử và an nhiên viên tịch.

Sau khi nhập Niết Bàn, các đệ tử của Ngài tổ chức hỏa thiêu ngay tại am Ngoạ Vân và đưa một phần xá lỵ của Ngài vào tôn trí trong Phật Hoàng tháp tại am Ngoạ Vân. Số xá lỵ và ngọc cốt còn lại của Phật Hoàng theo di chúc của Ngài được đưa đi tôn trí ở nhiều nơi như Đức Lăng (Thái Bình), tháp Phổ Minh (Nam Định)…

Trải qua thời gian và những biến thiên của lịch sử, hầu hết các công trình kiến trúc ở Ngoạ Vân được xây dựng sau khi Phật Hoàng nhập niết bàn chỉ còn là những phế tích. Các di tích còn lại ở Ngoạ Vân hiện nay chủ yếu được xây dựng dưới thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVIII) và thời Nguyễn (đầu thế kỷ XX). 

Khách hành hương đang nghe kể về sự tích Phật Hoàng nhập niết bàn tại am Ngọa Vân.

Sau khi thánh địa Ngoạ Vân được công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt năm 2013, việc trùng tu, tôn tạo đã được khởi công vào đầu năm 2014. Sau 2 năm xây dựng, lễ khánh thành chùa Ngoạ Vân giai đoạn I đã được tổ chức đúng ngày khai hội Xuân Ngoạ Vân lần đầu tiên năm 2016. Kể từ đó, du khách tham quan đã có thể hành hương về thánh địa Ngọa Vân bằng hệ thống cáp treo hiện đại hoặc theo lối đi đường mòn trong rừng. Sau gần 700 năm bị lãng quên trong rừng rậm và mây mù, am Ngọa Vân, nơi Đức Vua hóa Phật lại trở thành nơi hành hương của phật tử và khách du lịch hướng về.

Lá rụng về cội

Đền An Sinh (xưa kia gọi là Điện An Sinh), nằm trong khu di tích đền và  lăng mộ nhà Trần được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1962.  Năm 2013, Đền An Sinh cùng với 13 điểm di tích khác thuộc khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt. An Sinh xưa, Đông Triều nay không những là quê hương của nhà Trần mà còn là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của thời Trần. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Năm 1381, tháng 6, rước Thần tượng các lăng ở Quắc Hương, Thái Đường, Long Hưng, Kiến Xương đưa về lăng lớn Yên Sinh để tránh nạn người Chiêm Thành vào cướp”. Việc lựa chọn An Sinh là nơi xây dựng lăng tẩm không chỉ phản ánh đây là vùng đất linh thiêng, mà còn thể hiện tư tưởng “lá rụng về cội” của các Vua nhà Trần.

Cáp treo lên chùa Ngọa Vân .

Theo nội dung văn bia tại Đền An Sinh do Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch, thì Ngũ vị hoàng đế triều Trần được thờ tại Điện An Sinh gồm: Anh Tông hoàng đế, Minh Tông hoàng đế, Dụ Tông hoàng đế, Nghệ Tông hoàng đế và Khâm minh Thánh vũ hiển đạo An Sinh hoàng đế Trần Liễu. Ngoài ra, tại Điện An Sinh còn có miếu thờ công chúa Linh Xuân của nước Ai Lao, một người tài đức vẹn toàn nên đã được triều đình và nhân dân lập miếu thờ… Như vậy, có thể thấy Điện An Sinh, nơi thờ ngũ vị hoàng đế nhà Trần, tồn tại ít nhất đến thời Lê. Đến thời nhà Nguyễn được xây dựng lại để thờ Bát vị hoàng đế triều Trần.

Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử Đền An Sinh đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần vào các năm: Thiên Hựu 1557; Chính Hòa 1689; Cảnh Hưng 1767; Minh Mạng 1840; Bảo Đại 1927. Từ năm 1997 đến năm 2000, để bảo tồn, phát huy giá trị di tích điện An Sinh, Ủy ban nhân dân huyện Đông Triều đã trùng tu tôn tạo lại di tích trên khu vực nền điện cũ, gọi là đền An Sinh và đặt tượng 8 vị vua nhà Trần có lăng mộ ở An Sinh ở hậu cung. Khu vực Trung đường đặt tượng thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Khu sân vườn trồng tám cây vạn tuế tượng trưng cho tám vị Vua Trần được thờ trong đền, 14 cây đại tượng trưng cho 14 đời Vua Trần, 175 cây hoa sữa tượng trưng cho 175 năm trị vì của vương triều Trần.

Du khách hành hương về "thánh địa" Ngọa Vân. (Ảnh: Trung Hiếu )

Đền trong lòng dân

Chỉ cách Đền An Sinh chừng 3 km, Thái Miếu hay còn gọi là Đền Thái được xây dựng trên một quả đồi thấp để làm nơi thờ tự Hoàng tộc nhà Trần do An Sinh vương Trần Liễu xây dựng khi ông được cấp đất thang mộc tại An Sinh. Ngay từ khi mới xây dựng, Thái Miếu đã có quy mô lớn.  Tuy nhiên, do nhiều lý do và thăng trầm của lịch sử, các công trình kiến trúc của Thái Miếu đã bị phá hủy hoàn toàn. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi người Hoa định cư tại An Sinh và thành lập làng Đốc Trại (nay là Trại Lốc), họ đã xây dựng trên vị trí Thái Miếu một ngôi đình, gọi là đình Đốc Trại.  Thế nhưng, trong tâm trí của người dân, đây là vị trí của Thái Miếu, do đó người dân vẫn gọi khu vực này là Đền Thái.

Đến năm 2009-2010, các nhà khảo cổ học đã phát hiện dấu vết nền móng của Đền Thái. Tháng 9 năm 2014, Thái Miếu bắt đầu được trùng tu, tôn tạo.  Đến nay giai đoạn I của dự án đã hoàn thành với hình thức kiến trúc, bài trí thờ tự phỏng dựng theo lối kiến trúc thời Trần.