📞

Địa phương Việt Nam cam kết đồng hành, hợp tác cùng doanh nghiệp EU

Hải An 09:22 | 26/11/2021
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và doanh nghiệp EU đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Để tăng cường hợp tác và thu hút đầu tư từ EU, các địa phương cam kết tạo điều kiện tốt nhất và sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp.

Đó là nhận định chung của đại diện lãnh đạo một số tỉnh tại Hội nghị 'Gặp gỡ châu Âu 2021: Đối tác Việt Nam-EU sau đại dịch và Lễ ra mắt Sách Trắng EuroCham 2021' diễn ra sáng 25/11, tại Hà Nội. Chương trình do Bộ Ngoại giao phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức.

Toàn cảnh Hội nghị '"Gặp gỡ châu Âu 2021: Đối tác Việt Nam-EU sau đại dịch và Lễ ra mắt Sách Trắng EuroCham 2021". (Ảnh: Tuấn Anh)

EU là đối tác quan trọng của Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có độ mở cao, là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư từ châu Âu. Đối với Việt Nam, Liên minh châu Âu (EU) là một trong những đối tác hàng đầu về hợp tác phát triển, là đối tác thương mại lớn thứ 5, nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam.

Qua hơn một năm triển khai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), từ tháng 8/2020, kim ngạch thương mại hai chiều tiếp tục tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ 2020.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch hai chiều đạt 59,45 tỷ USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, xuất khẩu đạt 41,11 tỷ USD, tăng 0,8%.

Làn sóng đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam cũng ngày càng mạnh mẽ với tổng vốn đăng ký ước đạt 22,25 tỷ USD (tính đến 20/8/2021), chiếm 5,55% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam.

Quy mô dự án bình quân của EU tại Việt Nam là 9,9 triệu USD/dự án. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.

Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu trực tuyến tại hội nghị. (Nguồn: Báo Thanh Hóa)

Phát biểu tại phiên đối thoại với các địa phương tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, nhận định, trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa Thanh Hóa và EU nói chung đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên, vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của hai bên.

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sang các nước EU ước đạt khoảng 399 triệu USD, chiếm khoảng gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Có 35 doanh nghiệp Thanh Hóa xuất khẩu sang châu Âu, với các mặt hàng chủ lực gồm: giày da, dệt may, thủy sản, nông sản,…

Lũy kế đến ngày 15/11/2021, trên địa bàn tỉnh thu hút được 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ 4 nước EU (chiếm 4,4% tổng số dự án FDI), với tổng vốn đầu tư khoảng 40,15 triệu USD (chiếm 0,29% tổng vốn FDI).

Từ năm 2001 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 14 dự án Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đến từ các nhà tài trợ thuộc các nước châu Âu, với tổng vốn là hơn 4.214 tỷ đồng; trong đó, vốn đối ứng hơn 792 tỷ đồng, vốn ODA hơn 3.421 tỷ đồng.

Phát biểu tại sự kiện, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tháng 5-6/2021, Bắc Giang chịu thiệt hại nặng nề nhất cả nước do dịch Covid-19. Tuy nhiên, với quyết tâm của hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, cùng sự hỗ trợ quý báu của cả nước, tỉnh đã sớm khống chế được dịch bệnh.

Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)

Các doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất, công nhân tăng ca tất cả các ngày trong tuần để bù lại các đơn hàng bị chậm do nghỉ dịch; số lao động tăng trên 40.000 người so với thời điểm trước khi có dịch. Quý IV/2021, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 14%, góp phần đưa GRDP của tỉnh năm 2021 tăng 7,6%.

Lũy kế đến nay, tỉnh có 484 dự án FDI còn hiệu lực, trong đó có 4 dự án FDI của các nhà đầu tư từ EU với tổng vốn đầu tư 20,07 triệu USD. Bên cạnh đó, có 4 nhà đầu tư từ EU đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế để đầu tư sản xuất kinh doanh với số vốn đạt 15,828 triệu USD.

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bắc Giang vào EU ước đạt 575 triệu USD, tăng 24,6% so với năm 2020. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dệt may, sản phẩm nhựa và một số hàng nông sản (vải thiều tươi và các sản phẩm nông sản chế biến, đóng hộp như: vải thiều, dưa chuột bao tử, dứa, ớt).

Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, châu Âu là đối tác truyền thống của tỉnh, thời gian gần đây, thương mại, đầu tư giữa hai bên đã đạt những kết quả rất rõ rệt.

Về xuất khẩu, châu Âu là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn của tỉnh Khánh Hòa với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 đạt 351 triệu USD, chiếm tỷ trọng 26,14% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh, chủ yếu là hàng thủy sản.

Kim ngạch nhập khẩu từ thị trường châu Âu năm 2020 của tỉnh Khánh Hòa đạt 18,05 triệu USD, chiếm tỷ trọng 2,45% kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh, chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất, máy móc thiết bị.

Về đầu tư, lũy kế đến năm 2021, tỉnh Khánh Hòa thu hút được 109 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 3,6 tỷ USD, trong đó có 17 dự án FDI thuộc lĩnh vực dịch vụ - du lịch của các nhà đầu tư châu Âu có tổng vốn đầu tư đăng ký là 324,32 triệu USD.

Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)

Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp

Tại sự kiện, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, đánh giá cao việc Việt Nam đã cải thiện nhiều môi trường kinh doanh. Để thu hút FDI từ châu Âu, ông Alibert cho rằng, Việt Nam cần sửa đổi quy định thu hút đầu tư, vì có những quy định đã không còn phù hợp.

Đại sứ Aliberti nhận định: “Việt Nam cần là nền kinh tế hiện đại, công nghiệp hóa, thể chế pháp lý phù hợp thể chế kinh tế thị trường, không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài liên quan thuế và các cơ chế quản lý khác, tạo ra sân chơi bình đẳng”.

Giải đáp về vấn đề này, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) thông tin, hiện đã có 5 Bộ được thông qua phương án về cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh. Các vấn đề vướng mắc, bất cập trong quy định kinh doanh được đề xuất tháo gỡ sẽ trình sửa đổi theo hướng một văn bản sửa nhiều văn bản.

Tới đây, Chính phủ chính thức đưa vào cổng tham vấn để tập trung giải quyết các thủ tục quy định hiện hành, công khai cơ sở dữ liệu kinh doanh để hiển thị rõ việc các bộ ngành cắt giảm quy định, cải cách quy định và việc tổ chức thực thi nhằm nâng cao hiệu quả hơn.

Cũng từ tháng 10/2021, Việt Nam đã chuyển chiến lược từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn với dịch bệnh, Chính phủ và các cơ quan chức năng đang xúc tiến xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Để trở thành điểm đến an toàn và thành công của các doanh nghiệp từ EU, tại sự kiện, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính; hoàn thiện và phát triển hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng công nghiệp và hạ tầng xã hội của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Tỉnh cũng cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng hiện đại theo tiêu chuẩn EU, ưu tiên trước hết cho các mặt hàng định hướng xuất khẩu vào thị trường EU.

Đặc biệt, lãnh đạo Bắc Giang nhấn mạnh, tỉnh sẽ áp dụng đồng bộ các giải pháp về phòng, chống dịch bệnh, nhất là tại doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp để duy trì sản xuất an toàn, thích ứng linh hoạt với yêu cầu phòng chống dịch bệnh, không làm ngưng trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.

Là lãnh đạo một tỉnh rất có tiềm năng hợp tác đầu tư với đối tác EU, ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trong định hướng phát triển, Quảng Ninh xác định rõ chiến lược hợp tác, thu hút đầu tư từ các nước EU là trọng tâm trong định hướng phát triển.

Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định tỉnh sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. (Ảnh: Tuấn Anh)

Lãnh đạo Quảng Ninh khẳng định sẵn sàng chào đón, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư châu Âu tới tìm hiểu mở rộng hợp tác kinh doanh tại địa phương.

Còn ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh đang tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong. Đây là khu kinh tế có diện tích 150.000 ha, giai đoạn 2021-2025 được định hướng phát triển thành khu kinh tế ven biển được ưu tiên tập trung đầu tư với tính chất tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển thành vùng kinh tế động lực của tỉnh và cả khu vực Nam Trung bộ.

Lãnh đạo Khánh Hòa khẳng định, tỉnh mong muốn các nhà đầu tư châu Âu đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong các dự án có quy mô lớn như: Các dự án thương mại, dịch vụ du lịch, cảng biển và logistics, các dự án công nghiệp lớn có tính động lực, sử dụng công nghệ cao.

“Chúng tôi sẵn sàng đón tiếp, trao đổi với các nhà đầu tư của châu Âu. Lãnh đạo tỉnh cùng các ngành, các cấp sẽ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành cùng các nhà đầu tư để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thủ tục hành chính, với mong muốn các nhà đầu tư châu Âu, cũng như tất cả các nhà đầu tư đạt được thành công tại Khánh Hòa, đóng góp vào thành công chung của tỉnh và đất nước”, ông Lê Hữu Hoàng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác với châu Âu. (Ảnh: Tuấn Anh)

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng nhận định, quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu Âu nói chung và EU nói riêng thời gian qua đang ngày càng đi vào khuôn khổ, phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu.

Các tham luận và phát biểu của lãnh đạo các địa phương cũng như các đại diện EU đã minh họa rất rõ, châu Âu và đang là một trong các đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Thứ trưởng Tô Anh Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác với châu Âu thông qua những chính sách thương mại phù hợp và hiệu quả thiết thực ở tầm vĩ mô nhằm tạo động lực cho hợp tác hai bên cùng phát triển.

Cùng với đó, chính quyền các địa phương Việt Nam đang nỗ lực không ngừng để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, cải cách hành chính ở tất cả các cấp, có cơ chế thu hút các nguồn lực, thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tác châu Âu đến đầu tư tại địa phương.