📞

Dịch bệnh mùa Đông-Xuân diễn biến khó lường

17:08 | 11/01/2017
Năm 2017, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường do tập quán của người dân, biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa, sự di chuyển của người dân giữa các quốc gia….

Đặc biệt, thời tiết mùa Đông –Xuân hiện nay là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát như sốt xuất huyết, Zika, cúm gia cầm, tay chân miệng...

Thông tin vừa được Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu đưa ra tại cuộc họp báo về phòng, chống dịch bệnh mùa Đông – Xuân, ngày 11/1 tại Hà Nội.

Về bệnh sốt xuất huyết, Cục Y tế dự phòng cho biết năm 2016, Việt Nam ghi nhận 110.876 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 1,9% so với năm 2015), trong đó có 36 trường hợp tử vong (giảm 18 trường hợp so với năm 2015). Đặc biệt, số trường hợp mắc tăng cao ở khu vực Tây Nguyên.

Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, người dân phải đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng (như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa...). Người dân nên ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu thông tin với báo chí về tình hình dịch bệnh. (Ảnh: D.T)

Bệnh do virus Zika vẫn tiếp tục diễn biến khó lường trên thế giới và Việt Nam. Đến nay, 75 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận virus Zika, 29 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận chứng đầu nhỏ và dị tật thần kinh trung ương ở trẻ có liên quan đến virus Zika.

Tại Việt Nam, số trường hợp nhiễm virus Zika là 212 trường hợp tại 11 tỉnh, thành phố. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh có số trường hợp mắc nhiều nhất. Khu vực miền Bắc chưa ghi nhận trường hợp nào.

Để phòng chống bệnh do virus Zika, người dân cần thực hiện phòng chống muỗi giống như phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt, phụ nữ có thai hoặc dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Phụ nữ có thai tại vùng dịch và đi về từ vùng có dịch nếu có các triệu chứng như sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn kịp thời...

Bệnh tay chân miệng là một trong những bệnh rất dễ bùng phát vào dịp Đông – Xuân. Vì vậy, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân cần thường xuyên rửa tay với xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Đồng thời, các gia đình và trường học cần chú ý đến vệ sinh ăn uống, làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt, thu gom và xử lý chất thải của trẻ đúng cách. Cha mẹ cũng cần theo dõi phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh của trẻ để cách ly và điều trị kịp thời.

Bệnh tay chân miệng là một trong những bệnh rất dễ bùng phát vào dịp Đông – Xuân. (Nguồn: SK&ĐS)

Năm 2016, nước ta ghi nhận lưu hành của cúm A và cúm B, trong đó cúm A (H3) chiếm ưu thế. Cụ thể: cúm A(H3) chiếm 46,1%, cúm B chiếm 35,8%, cúm A (H1N1) chiếm 18,2%... Đặc biệt, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A (H5N1), cúm A (H7N9) và cúm A (H5N6).

Để phòng chống bệnh cúm mùa nói chung và cúm gia cầm nói riêng, người dân không nên ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Người dân không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi có biểu hiện cúm (như sốt, ho, đau ngực, khó thở) có liên quan đến gia cầm, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời...

Cục trưởng Trần Đắc Phu nhấn mạnh, thời gian tới, ngành y tế sẽ triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu, cộng đồng. Đồng thời, phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh để nắm chắc tình hình bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nhập viện trong dịp Tết Nguyên đán và trong mùa lễ hội đầu năm để phát hiện sớm các ổ dịch và xử lý kịp thời.

Ngoài các bệnh dịch dễ bùng phát trong thời điểm Đông – Xuân, các bệnh liên quan đến an toàn thực phẩm, ăn uống như cúm gia cầm H5N1, liên cầu lợn, ngộ độc rượu... cũng có nguy cơ lan rộng nếu người dân chủ quan.

“Về bệnh liên cầu khuẩn lợn, thường vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, số bệnh nhân phải nhập viện lại tăng. Đây là bệnh có số bệnh nhân mắc không nhiều như các bệnh khác nhưng tỷ lệ ca nặng, tử vong lại rất cao. Chỉ tính riêng tại Hà Nội năm 2016 ghi nhận hơn chục ca mắc nhưng có 1 ca tử vong, nhiều ca bị di chứng nặng…” – ông Trần Đắc Phu khuyến cáo.