📞

Dịch chuyển lao động trong ASEAN: Tự do chưa trọn nghĩa

13:00 | 22/04/2017
Về bản chất, tự do dịch chuyển lao động có tay nghề trong ASEAN không phải là tự do hoàn toàn mà chỉ là ...tự do hơn. Sự tự do đó vẫn vấp phải nhiều rào cản như thể chế chính trị, văn hóa xã hội, ngôn ngữ…

Ông Nguyễn Quang Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đã chia sẻ với TG&VN về vấn đề dịch chuyển lao động trong ASEAN bên lề Hội thảo “Thúc đẩy vai trò của truyền thông trong tuyên truyền về Cộng đồng ASEAN” vừa qua tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Quang Việt (bìa phải) chia sẻ về vấn đề Lao động ASEAN tại Hội thảo.

Thưa ông, thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) về nghề nghiệp trong ASEAN  là một công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy lao động dịch chuyển lớn hơn trong khu vực. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những MRAs trong ASEAN hiện nay?

Dân số ASEAN hiện xấp xỉ 630 triệu người. Từ năm 1990-2013, lượng lao động di cư nội khối ASEAN tăng từ 1,5 triệu lên 6,5 triệu, với Malaysia, Singapore và Thái Lan nổi lên là các trung tâm di cư chính. Brunei cũng đang hấp dẫn lao động di cư.

Hiện nay, ASEAN có 8 MRAs bao gồm: dịch vụ kỹ thuật (12/2005); dịch vụ điều dưỡng (12/2006); dịch vụ kiến trúc; dịch vụ khảo sát (11/2007); hành nghề y khoa; hành nghề nha khoa; dịch vụ kế toán (02/ 2009) và hành nghề du lịch (11/2012). 

ASEAN đã có Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF). Mục đích của AQRF là tạo điều kiện so sánh, đối chiếu các trình độ xuyên quốc gia; hỗ trợ công nhận các trình độ; thúc đẩy học tập suốt đời; khuyến khích phát triển các cách tiếp cận quốc gia để hợp thức kết quả học tập ngoài giáo dục chính quy; thúc đẩy dịch chuyển lao động;  khuyến khích sự lưu động của giáo dục và người học; dẫn đến các hệ thống trình độ được hiểu biết tốt hơn; tăng cường các hệ thống trình độ có chất lượng cao hơn.

Về lý thuyết, người lao động trong 8 ngành nghề trên được tự do lưu chuyển trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), song thực tế này diễn ra rất hạn chế trong hai năm qua?

Đúng như vậy. Việc thực hiện công nhận ngành nghề còn khá hạn chế, ngoại trừ ngành du lịch có quá trình thực hiện tương đối nhanh. Tháng 9 năm ngoái, ASEAN cũng đã thành lập trang web cung cấp cơ sở dữ liệu để hướng tới công nhận văn bằng chứng chỉ du lịch. Ngành du lịch có tiêu chuẩn rõ ràng. Vì vậy, từ khu vực đào tạo sang khu vực sử dụng lao động không có quá nhiều khác biệt.

Hiện nay, Việt Nam mới có 196 kỹ sư và 10 kiến trúc sư được công nhận là kỹ sư và kiến trúc sư ASEAN. Các ngành còn lại vẫn chưa có người được công nhận. ASEAN đã có khung tham chiếu trình độ. Do vậy, các quốc gia phải thành lập Ủy ban khung tham chiếu trình độ ASEAN và tiến hành tham chiếu. Theo kế hoạch, ASEAN sẽ hoàn tất quá trình tham chiếu vào năm 2018. Việt Nam đã có khung trình độ quốc gia được công bố chính thức vào tháng 10/2016. Chúng ta khá thuận lợi vì là một trong những nước ASEAN cuối cùng xây dựng khung trình độ nên có thể học hỏi từ các nước khác khá nhiều. Tuy vậy, các quy trình tham chiếu của Việt Nam còn chậm hơn so với các nước khác.

Lao động có tay nghề trong ASEAN không phải là tự do hoàn toàn.

Từ “tự do” trên giấy tờ không hoàn toàn mang nghĩa “tự do” ở thực tế?

Về bản chất, tự do dịch chuyển lao động có tay nghề không phải là tự do hoàn toàn mà chỉ là tự do hơn. Sự tự do đó vẫn vấp phải nhiều rào cản như thể chế chính trị, văn hóa xã hội, ngôn ngữ… Để đạt được mục tiêu đề ra về tự do di chuyển lao động có tay nghề trong Hiệp hội, điều cần thiết là các bên phải làm việc theo cơ chế tự nguyện song phương và dựa trên quy luật cung cầu.

Nhiều người nhầm tưởng rằng sau ngày 31/12/2015, các lao động có tay nghề cao trong ASEAN có thể xách ba lô lên đường tới đất nước ASEAN mình muốn làm việc. Đó là một nhận thức sai lầm. Thực tế, có nhiều thỏa thuận về lao động chúng ta đã ký kết hơn 10 năm nhưng cũng không có bước tiến nổi bật.

Dịch chuyển lao động trong ASEAN vốn đã tồn tại tự nhiên do vấn đề nhân khẩu học. Tuy nhiên, sự dịch chuyển này không nằm trong một thỏa thuận chính thức nào và chủ yếu tập trung ở khối lao động có kỹ năng trung bình hoặc thấp. Trong khi đó, các thỏa thuận lao động của ASEAN tập trung vào khối lao động chuyên nghiệp trên 8 lĩnh vực trên. Ngoài ra, cùng là thỏa thuận lao động nhưng chúng lại không giống nhau bởi mỗi ngành có cơ chế đặc thù. Tiến độ thực hiện thỏa thuận cũng như rào cản đặt ra với việc thực thi thỏa thuận của mỗi ngành nghề khác nhau.

Một nguyên lý chung khi hướng đến công nhận trình độ khu vực để nhanh chóng đạt được sự đồng thuận là tìm đến điểm chung cơ bản nhất của mỗi nước. Khi các nước đặt thang trình độ càng cao thì càng khó đạt được đồng thuận.

Việc công nhận là lao động ASEAN mới chỉ là điều kiện cần, vậy đâu là điều kiện đủ, thưa ông?

Các kỹ sư, kiến trúc sư không phải cứ được công nhận là kỹ sư, kiến trúc sư ASEAN thì được dịch chuyển tự do trong Hiệp hội để làm việc. Họ phải được nước tiếp nhận cấp đăng ký cấp phép công nhận kỹ sư nước ngoài làm việc tại nước đó. Việc công nhận là lao động ASEAN mới chỉ là điều kiện cần. Khi nước sở tại không có nhu cầu tuyển dụng, các thỏa thuận công nhận cũng không thể đi đến được hiệu quả cuối cùng. Hơn nữa, với mỗi ngành ở mỗi nước lại có những cơ chế và đặc thù riêng như ngành Y ở Việt Nam có Tây Y, Đông Y. Điều này cũng là điểm hạn chế cho lao động có tay nghề ASEAN đã được công nhận.

Với Việt Nam, chúng ta đang thiếu thước đo về kỹ năng của người lao động. Niềm tin của xã hội vào văn bằng còn mong manh. Một người cầm tấm bằng Thạc sĩ thì phải sở hữu trình độ Thạc sĩ, nhưng thực tế chưa chắc như vậy. Niềm tin về kỹ năng của người lao động ở ASEAN cũng chưa được đảm bảo.

Xin cảm ơn ông.

(thực hiện)