Nhiều nhà hàng ở Nhật đã thất thu vì dịch bệnh. (Nguồn: Live Japan) |
Các quán bar, nhà hàng hay nhiều doanh nghiệp vui chơi giải trí ở Nhật Bản đang trở thành mục tiêu của sự tấn công, thậm chí đe dọa đốt phá bởi những người sợ virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Trước khi Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc, nhiều nhà hàng, cửa tiệm rục rịch mở cửa đón khách trở lại. Tuy nhiên, việc mở cửa lần này không hề dễ dàng bởi vấp phải sự phản đối của những người "sợ lây nhiễm bệnh".
Tuần trước, một viên chức địa phương bị phát hiện đe dọa phóng hỏa các nhà hàng hoạt động tại Tokyo. Người đàn ông 63 tuổi này đã dán nhiều mảnh giấy viết tay lên cửa các quán ăn trong thành phố với nội dung: "Không được mở quán, nếu không tôi sẽ đốt cháy".
Trong khi đó, một quán rượu kiểu Nhật ở tỉnh Yokohama cũng nhận phải lời đe dọa tương tự từ những thành phần quá khích. Trước đó, trong thời điểm đại dịch Covid-19 đang bùng phát, cửa tiệm ngừng phục vụ khách tại chỗ, chỉ nhận những đơn đặt hàng giao tận nhà.
Một điểm biểu diễn nhạc sống ở Suginami, Tokyo, cũng nhận được tin nhắn nặc danh đe dọa.
Kể từ ngày 16/4, các cửa hàng thực phẩm, đồ uống, cửa hàng kinh doanh hình thức giải trí tại Nhật Bản phải đóng cửa. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 25/5, Nhật Bản đã dần dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, cho phép mở cửa trở lại các địa điểm nói trên. Tuy nhiên, chủ các nhà hàng phải hoạt động trong thời gian hạn chế, đóng cửa trước 20 giờ và tuân thủ mọi quy định giãn cách xã hội.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đang chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 giảm mạnh, chỉ còn vài chục ca mỗi ngày trên toàn quốc.
Quyết định từ Chính phủ khiến nhiều người vui mừng. Chủ quán rượu nổi tiếng Andy Lunt ở Tokyo là một trong số những người như thế. Anh cho biết đã đóng quán suốt 6 tuần, thất thu hơn 55.715 USD/tháng vì không có khách mà vẫn phải trả tiền thuê nhà cùng nhiều khoản chi khác.
"Tuy nhiên, tôi vẫn có thể đóng cửa lâu hơn nữa và lên kế hoạch mở trở lại vào ngày 1/6. Chúng tôi sẽ giảm thời gian mở cửa, giảm số lượng bàn và tất cả nhân viên phải đeo găng tay, khẩu trang khi phục vụ khách", chủ quán rượu cho biết.
Lunt cũng khẳng định, sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ đã giúp những người như anh được tiếp cận các khoản vay giá rẻ. "Bây giờ tôi chỉ nhắm tới kinh doanh cuối năm. Hy vọng mọi thứ sẽ ổn, thu nhập có thể tăng trở lại", anh nói.