Dịch Covid-19: Hà Nội đảm bảo đủ nguồn cung hàng hoá thiết yếu cho người dân
Kha Ninh
22:23 | 07/03/2020
TGVN. Trước tình trạng lo ngại sự bùng phát dịch Covid-19, nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng tại Hà Nội đã cam kết đảm bảo cung cấp đủ nguồn hàng thiết yếu. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ kêu gọi người dân không nên tích trữ đồ ăn, tụ tập đông người.
Từ tối 6/3 đến sáng 7/3, tại nhiều siêu thị, chợ dân sinh ở Hà Nội đã đông nghịt người đi mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa tích trữ. Tuy nhiên, theo báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp phân phối, hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng đủ nhu cầu. Trong ngày 7/3, hệ thống các siêu thị đã triển khai phương án điều nguồn hàng từ bên ngoài Hà Nội về các điểm bán hàng trong thành phố để cung cấp cho người dân. (Ảnh: Kha Ninh)
Theo ông Đỗ Quang Thuần, đại diện hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ tại Hà Nội, hệ thống Vinmart đã tiên liệu được tình hình và đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng. Trong kho cũng còn nhiều hàng hóa nhưng do người dân tập trung mua hàng quá đông vào đầu giờ nên chưa đưa ra kịp. (Ảnh: Kha Ninh)
Bà Dương Thị Thanh Tâm - Phó Tổng giám đốc Vincommerce cho biết, ngay từ khi xuất hiện dịch Covid-19, doanh nghiệp này đã có kế hoạch, đảm bảo lượng hàng hóa cho 6 tháng, đảm bảo hàng hóa trong trường hợp nhu cầu tăng đột biến. Từ ngày mai (8/3), hệ thống Vinmart sẽ triển khai hoạt động khuyến mại từ 20 - 50% để người tiêu dùng yên tâm và cảm nhận giá cả hàng hóa còn tốt hơn ngày thường. (Ảnh: Kha Ninh)
Các mặt hàng như nước rửa tay và khẩu trang vẫn đảm bảo nhu cầu của người dân. (Ảnh: Kha Ninh)
Một nhân viên cửa hàng Vinmart+ cho biết: "Các mặt hàng trong kho còn rất nhiều, nhưng do người dân đi mua nhiều nên chúng em không kịp sắp xếp lên các quầy". (Ảnh: Kha Ninh)
Siêu thị Mega Market ngày 7/3 luôn đầy ắp các mặt hàng. Công ty MM Megamarket: Khẳng định Công ty và các nhà cung cấp đủ nguồn hàng để cung ứng cho thị trường; Công ty đã có sự chuẩn bị từ trước, đã làm việc trực tiếp với các trang trại để bảo đảm nguồn cung và an toàn thực phẩm; Tại các siêu thị, sắp xếp và yêu cầu nhân viên tăng cường các biện pháp nhằm phục vụ khách hàng nhanh nhất và bảo đảm an toàn dịch bệnh. (Nguồn: Soha)
Tại Aeon Mall Hà Đông, các mặt hàng nhu yếu phẩm như trứng, gạo, mì tôm, rau xanh đều đã bổ sung đầy đủ. Theo một chuyên gia bán lẻ, hàng hóa cơ bản không thiếu, chỉ trong ngày hôm nay dân tình đi mua nhiều nên không tránh khỏi việc hết hàng tạm thời. Chỉ 1-2 hôm là hàng hóa lại trở lại bình thường. Xuất khẩu nông sản đang khó khăn nên nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường nội địa. Năng lực sản xuất thực phẩm của Việt Nam khá tốt nên không lo ngại lắm tình trạng khan hàng tiêu dùng. (Nguồn: Soha)
Các mặt hàng sữa vẫn đầy ắp các kệ hàng. Hệ thống siêu thị BigC đã tăng lượng dự trữ hàng thực phẩm thêm 3-4 lần. Tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng; huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa, kể cả làm thêm ca đêm; cam kết tiếp tục giữ ổn định giá bán các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, bảo đảm luôn đủ nguồn hàng cung ứng trước mắt trong vài tuần tới. (Nguồn: Soha)
Nhân viên quầy thực phẩm tươi sống tất bật làm việc. Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân đối với loại hình phân phối bán lẻ hiện đại trong giai đoạn dịch bệnh sẽ tăng nên các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3-4 lần so với trước. (Nguồn: Soha)
Công ty BRG Retail cùng đã có phương án để đáp ứng nguồn hàng kể cả khi Hà Nội công bố dịch, theo đó đã tăng gấp 3 lần lượng hàng dự trữ, riêng mặt hàng gạo đang điều 20 tấn từ phía Nam ra Hà Nội. Trong khi đó, các cửa hàng bán gạo nhỏ lẻ vẫn đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho người dân. (Ảnh: Kha Ninh)
Trong khi đó, tại một chợ dân sinh ở khu vực Hoàng Công Chất, các cửa hàng thực phẩm vẫn bán hàng đều đặn. Một chủ cửa hàng chia sẻ: "Tôi rất vui khi bán được nhiều hàng, nhưng mọi người không nên mua nhiều để người khác còn mua. Nên mua đồ ăn hàng ngày cho tươi ngon. Nhiều người đổ xô đi tích trữ khiến giá nhập tăng, làm chúng tôi cũng phải tăng giá". (Ảnh: Kha Ninh)
Để góp phần ổn định cung cầu thị trường, bảo đảm quyền lợi của người dân, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các Cục Quản lý thị trường địa phương giám sát chặt địa bàn. Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch. (Ảnh: Kha Ninh)
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 ngày 7/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho hay: "Chúng tôi biết hiện nay có hiện tượng người dân tới các siêu thị mua hàng tích trữ, chính việc tập trung đông người, không đảm bảo vệ sinh phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế lại là yếu tố lây nhiễm, có khi nguy cơ lây nhiễm ngay tại siêu thị cũng rất lớn nếu không thực hiện tự bảo vệ đúng cách...Người dân không nên hoảng sợ, lo lắng quá mức. TP. Hà Nội có đủ nguồn lực đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân”. (Nguồn: VGP News)
Chiều ngày 7/3, trong cuộc họp khẩn với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương về công tác phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Vụ Thị trường trong nước phối hợp chặt với Tổng cục Quản lý thị trường đảm bảo cung cầu, hàng hóa đầy đủ, không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tích trữ, đẩy giá lên cao, kiểm soát việc lợi dụng tình hình thị trường bất ổn để kinh doanh hàng giả, nhái, kém chất lượng. Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số phối hợp với các doanh nghiệp phân phối hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động, hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân tránh việc tụ tập đông người, nhất là cho các khu vực bị cách ly. (Nguồn: VGP News)
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng toàn cầu.