TP. Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận gần 115.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc giảm 20,2%, số tử vong giảm 22 ca.
Tuy nhiên, dịch bệnh sốt xuất huyết đang quay trở lại và hoành hành tại các thành phố lớn với liên tiếp các ca mắc gia tăng không hề có xu hướng giảm. Hà Nội ghi nhận hơn 600 ca sốt xuất huyết trong tuần cuối tháng 10, hơn 300 ổ dịch từ đầu năm.
Riêng TP. Hồ Chí Minh, dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng diễn biến phức tạp khi 3 bệnh viện nhi lớn là Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 2 thời gian qua liên tục ghi nhận ca sốt xuất huyết trẻ em. Nhiều ca nhập viện trong tình trạng nặng, suy đa tạng, nguy kịch do chủ quan.
Trên địa bàn Thành phố, tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 46 (từ ngày 11 - 17/11) là 12.013 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao gồm: Quận 1, Quận 7 và thành phố Thủ Đức.
Riêng TP. Hồ Chí Minh, dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. (Nguồn: Báo Tuổi trẻ) |
Dịch sốt xuất huyết cũng đang có chiều hướng tăng cao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và ghi nhận nhiều trường hợp nặng phải nhập viện điều trị. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai cho biết, cộng dồn số ca mắc từ đầu năm 2024 đến nay là 6.233 ca, tăng 36,57% so với cùng kỳ năm 2023 (4.564 ca).
Theo bác sĩ chuyên khoa I Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm,Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, nguyên nhân số ca mắc sốt xuất huyết tăng là do các huyện, thành phố ở Đồng Nai tập trung đông dân cư, các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, người dân dù tích cực tham gia diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường nhưng các hoạt động này vẫn chưa được thực hiện thường xuyên và triệt để.
Một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần
Theo Cục Y tế dự phòng, Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue, nhưng tuýp virus lưu hành chủ yếu là DENV-1, DENV-2. Trong năm 2023, tuýp DENV-2 chiếm 88%; năm 2024 tuýp DENV-2 chiếm khoảng 70%.
Tuýp DENV-2 thường liên quan đến các trường hợp mắc sốt xuất huyết nghiêm trọng và gây dịch cũng như là nguyên nhân lớn dẫn đến các ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết.
Một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần trong đời với các tuýp virus khác nhau, thậm chí lần mắc thứ 2 có nguy cơ nặng hơn lần đầu.
Các chuyên gia y tế cho hay, những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết đó là:
Nhóm dưới 4 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi.
Nhóm bệnh nền, dễ chảy máu, có bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, có bệnh đông máu, khó cầm máu. Không may khi sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu mà chảy máu, cầm máu rất phức tạp.
Nhóm người béo phì, phản ứng với sốt xuất huyết rất mạnh mẽ, tỉ lệ nặng ở nhóm này cao hơn. Khi xảy ra diễn biến nặng, xử lý khó khăn hơn rất nhiều.
Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể đẻ bất cứ lúc nào. Nếu tiểu cầu giảm, nguy cơ chảy máu trong cuộc đẻ rất lớn.
Một số nhóm khác, người nhóm máu O có thể nặng hơn người nhóm máu khác...nhưng chỉ là những yếu tố phụ.
Tăng cường các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết
Để tích cực phòng chống sốt xuất huyết, người dân cần chủ động đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Cùng đó, hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Với trẻ nhỏ nên dùng tã trẻ em xua muỗi và khăn lau xua muỗi để bảo vệ trẻ khỏi bị muỗi đốt gây bệnh sốt xuất huyết. (Nguồn: Health) |
Đồng thời, người dân cũng cần tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Phòng ngừa muỗi đốt bằng cách ngủ màn, dùng các sản phẩm khăn lau xua đuổi muỗi có hương sả tự nhiên; cần chú ý an toàn khi sinh hoạt ngoài trời, đặc biệt là buổi tối; đối với trẻ em cần mặc quần áo sáng màu, dùng tã quần xua muỗi; dùng rèm che có tẩm hóa chất diệt muỗi...
Đặc biệt, khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Chế độ ăn uống hợp lý cùng với việc điều trị kịp thời sẽ giúp người mắc sốt xuất huyết nhanh chóng hồi phục sau khi mắc bệnh sốt xuất huyết.