Điểm chuẩn Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng. (Nguồn: VGP) |
Theo ông ông Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, năm nay có 29.500 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường, tăng gần 39% so với năm trước. Những ngành có số thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển nhiều nhất như: Giáo dục tiểu học, Sư phạm tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Sư phạm khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử - Địa lý.
Sau 3 lần lọc ảo, ông Quốc dự đoán điểm chuẩn các ngành của trường sẽ tăng so với năm 2022. Năm 2023, Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh nhận hồ sơ xét tuyển từ 19 đến 23, tuỳ ngành. Nhà trường xét tuyển theo các phương thức:
Ưu tiên xét tuyển: (Theo Khoản 4, Điều 7, Quy chế tuyển sinh của trường và xét tuyển thí sinh là học sinh lớp chuyên chiếm tối đa 20% chỉ tiêu của từng ngành).
Xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023: (Không áp dụng đối với ngành Giáo dục Mầm non và Giáo dục Thể chất) chiếm tối thiểu 30% chỉ tiêu đối với các ngành Sư phạm Toán học, Sư phạm Tin học, Công nghệ thông tin, Sư phạm Vật lý, Vật lý học, Sư phạm Hóa học, Hoá học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Ngữ văn, Văn học, Việt Nam học, Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Sư phạm tiếng Trung Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc, Sư phạm Tiếng Pháp, Ngôn ngữ Pháp, Sư phạm Tiếng Nga, Ngôn ngữ Nga, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Đặc biệt, Giáo dục công dân, Giáo dục Chính trị, Giáo dục Quốc phòng - An ninh, Sư phạm Công nghệ, Sư phạm Khoa học tự nhiên.
Các ngành còn lại chiếm tối thiểu 60%.
Xét tuyển bằng kết quả học tập THPT: Chiếm tối đa 10% chỉ tiêu của từng ngành (không áp dụng đối với ngành Giáo dục Mầm non và Giáo dục Thể chất).
Kết hợp xét tuyển và thi tuyển: Đối với ngành Giáo dục Mầm non và Giáo dục Thể chất xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và điểm thi năng khiếu do Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức, chiếm tối thiểu 60% chỉ tiêu của từng ngành. Xét tuyển bằng kết quả học tập THPT và điểm thi năng khiếu do Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức, chiếm tối đa 10% chỉ tiêu của từng ngành.
Đối với các ngành Sư phạm Toán học, Sư phạm Tin học, Công nghệ thông tin, Sư phạm Vật lý, Vật lý học, Sư phạm Hóa học, Hoá học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Ngữ văn, Văn học, Việt Nam học, Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Sư phạm tiếng Trung Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc, Sư phạm Tiếng Pháp, Ngôn ngữ Pháp, Sư phạm Tiếng Nga, Ngôn ngữ Nga, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Đặc biệt, Giáo dục công dân, Giáo dục Chính trị, Giáo dục Quốc phòng - An ninh, Sư phạm Công nghệ, Sư phạm Khoa học tự nhiên xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT kết hợp với kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh hoặc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức, chiếm tối đa 30% chỉ tiêu của từng ngành.
Năm 2022, điểm chuẩn Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đối với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT dao động trong khoảng từ 20,03 đến 28,25, trong đó, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Sư phạm Ngữ văn với mức điểm là 28,25.
Đối các ngành không thuộc lĩnh vực Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên mức điểm trúng tuyển cũng dao động trong mức cao với nhiều ngành nằm trong nhóm có mức điểm trúng tuyển 24,25 điểm, cụ thể ngành Tâm lý học 25,75, Ngôn ngữ Anh 25,5, Ngôn ngữ Hàn Quốc 24,97...
Trong khi đó, đối với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT, điểm trúng tuyển các ngành dao động trong khoản từ 22,75 đến 29,75. Ngành Sư phạm Toán học và Sư phạm Hóa học đều có mức điểm trúng tuyển là 29,75.