Trần Thùy Linh là thủ khoa đầu ra của Đại học Kinh tế quốc dân, một trong những gương mặt có thành tích học tập đáng nể trong năm 2021. |
Dương Tiến Anh
Dương Tiến Anh (sinh năm 1994, Thanh Hóa) là tiến sĩ chuyên ngành Hóa dược của Đại học Dược Hà Nội. Không chỉ vậy, anh còn trở thành "hiện tượng" của ngôi trường này khi xuất sắc hoàn thành chương trình sớm một năm so với quy định.
Được truyền cảm hứng từ người thân trong gia đình, ngay từ cấp 3, cậu học trò xứ Thanh đã hướng mục tiêu đến khối ngành sức khỏe. Tuy nhiên, Tiến Anh chỉ thực sự đam mê nghiên cứu khoa học khi vào đại học, được tiếp xúc với nhiều máy móc, trang thiết bị và các dụng cụ thí nghiệm.
"Đặc thù của nghiên cứu khoa học là phải trải qua quá trình rèn luyện rất dài và trong giới khoa học người ta thường gọi vui tấm bằng tiến sĩ là một tấm vé thông hành để mình có thể bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp. Vậy nên, với một người đã xác định đi theo con đường nghiên cứu như mình thì việc học chương trình Tiến sĩ là điều bắt buộc.
Bên cạnh đó, để có thể vững bước trên con đường rèn luyện đầy thử thách, tiến sĩ xứ Thanh cho rằng tình yêu, niềm đam mê chính là điểm xuất phát tuyệt vời nhất. Khi thực sự yêu thích công việc nghiên cứu với những ý tưởng mới thì đó sẽ là động lực cho họ đi xa hơn cùng sự kiên trì, bền bỉ.
Lưu Trí Dũng
Lưu Trí Dũng (22 tuổi) là thủ khoa đầu ra của Học viện Ngoại giao, năm học 2020-2021. Chuyên ngành của Trí Dũng là Kinh tế Quốc tế, với kết quả học tập 3.81/4.0. Bên cạnh đó, bạn trẻ còn là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên và Phó Chủ nhiệm CLB Âm nhạc tại Học viện Ngoại giao.
Tại Học viện Ngoại giao, Trí Dũng thường được mọi người mệnh danh là "phù thủy GPA". Tới mỗi mùa thi, nhiều bạn trẻ cũng chia sẻ lại hình ảnh của Dũng với mong muốn qua môn cùng điểm số cao.
Bức ảnh ra đời biệt danh "Phù thủy GPA" của Lưu Trí Dũng. (Ảnh: Hà Mi). |
Tại Học viện Ngoại giao, Trí Dũng từng tham gia vào CLB Âm nhạc và CLB Khiêu vũ thể thao. Chàng trai sinh năm 1999 từ lâu đã coi âm nhạc như một điều kỳ diệu và đáng tận hưởng. Từ khi còn bé, Dũng đã được khuyến khích tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật như chơi đàn organ, piano, luyện thanh nhạc, nhảy múa.
Đối với Dũng, bạn cảm thấy may mắn khi bốn năm vừa qua tại Học viện Ngoại giao cũng là bốn năm ghi lại nhiều dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế như Chủ tịch ASEAN 2020 và chủ nhà APEC 2017. Nam sinh đã không chỉ được chứng kiến mà còn trực tiếp tham gia vào nhiều sự kiện để trau dồi thêm kiến thức và nâng cao kỹ năng của bản thân.
Nguyễn Thanh Bình
Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1986) từng tốt nghiệp Thủ Khoa tại Đại học Khoa học Tự nhiên (KHTN) - ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh với thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học năm 2008.
Sau khi hoàn thành chương trình Cử Nhân Toán - Tin học, anh tiếp tục tốt nghiệp với điểm số xuất sắc bậc Thạc sĩ về Toán Ứng dụng tại Đại học Orleans (Pháp) năm 2009. Anh bảo vệ luận án Tiến Sĩ (loại Ưu) tại Đại học Bách Khoa Paris (Ecole Polytechnique).
Từ TPHCM ra Hà Nội nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng vào dịp cuối năm 2021 do Trung ương Đoàn TNCS HCM và Bộ Khoa học Công nghệ trao tặng, TS. Bình có thành tích nổi bật là đã đệ trình 4 bằng sáng chế quốc tế liên quan đến việc xây dựng các hệ thống về trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực thẩm định chất lượng sản phẩm ở các nhà máy và các xưởng sản xuất trong công nghiệp.
Cho đến nay, TS. Nguyễn Thanh Bình có hơn 50 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có 10 bài báo được đăng tại các tạp chí quốc tế uy tín như SIAM Review (SCI Q1, IF = 14.686), SIAM Journal on Applied Mathematics (SCI Q1, IF = 1.718), Knowledge-based System (SCI Q1, IF = 8.038), Information Sciences (SCI Q1, IF = 6.795), NeuroComputing (SCI Q1, IF = 5.719)…
Trần Thùy Linh
Trần Thùy Linh là thủ khoa đầu ra của Đại học Kinh tế quốc dân. Với thành tích học tập "siêu khủng", nữ sinh Thái Bình được đặc cách học thẳng lên tiến sĩ mà không cần qua bậc thạc sĩ.
Trong suốt thời gian học tập của mình, cô gái trẻ đã gặt hái được rất nhiều thành tích trong học tập lẫn hoạt động, tiêu biểu như: Danh hiệu "Sinh viên xuất sắc tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh toàn quốc"; Danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" Thủ đô Hà Nội; có nghiên cứu đăng trên Hội thảo khoa học quốc tế; Đại biểu tham dự Hội thảo khoa học khu vực Đông Nam Á; Top 10 "Sinh viên tiêu biểu" trường ĐH Kinh tế quốc dân và được kết nạp Đảng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bùi Việt An
Ở tuổi 27, Việt An rẽ hướng sang ngành huấn luyện múa sau nhiều năm làm diễn viên. Nữ thủ khoa 8x được phong tặng danh hiệu NSƯT từ khi còn đang là sinh viên.
Kết thúc 4 năm đại học, Việt An có điểm rèn luyện xuất sắc và điểm học tập toàn khóa đạt 9,24. Niềm hạnh phúc của nữ thủ khoa càng thêm trọn vẹn khi cô đang chuẩn bị đón đứa con thứ hai chào đời.
Khi còn là sinh viên, Việt An chưa từng nghĩ sẽ chinh phục danh hiệu thủ khoa hay cao hơn là NSƯT. Cô quan niệm: "Khi làm việc gì đó, bản thân mình luôn đề cao sự nghiêm túc, học hỏi và nỗ lực. Khi bạn cố gắng hết mình, thành công sẽ mỉm cười với bạn".
Nghệ thuật, đặc biệt là ngành múa, không phải là công việc có thể giúp nghệ sĩ có được thu nhập dư giả. Điều duy nhất để họ gắn bó và theo đuổi nghề múa, đó là đam mê. Việt An tiết lộ: "Nghề này không giúp mình giàu có được nhưng mình yêu nó như yêu bản thân mình vậy. Đã là đam mê thì khó lòng mà dứt bỏ được, làm sao để cống hiến cho nghệ thuật nước nhà nhiều hơn nữa là mong muốn lớn nhất của mình".
Lê Mỹ Quỳnh
Lê Mỹ Quỳnh (sinh năm 1998) nhiều lần được tập đoàn công nghệ Mỹ vinh danh. Mới đây, cô trở thành thủ khoa tốt nghiệp của Học viện Kỹ thuật Mật mã.
Tính tới thời điểm hiện tại, "thành tựu" lớn nhất của Quỳnh là quá trình nghiên cứu và phát hiện ra 9 lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng của Oracle.
9X Mỹ Quỳnh có cách học ngược lại với số đông (Ảnh: Mai Linh). |
Mỹ Quỳnh cho hay, đây là một quá trình dài cùng với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp tại cơ quan: "Lỗ hổng đầu tiên mình tìm được vào khoảng cuối năm 2019. Đầu năm 2020, sau một khoảng thời gian nghiên cứu tìm tòi về dạng tấn công Java Deserialization cùng với cố vấn của mình.
Từ sau đó, mình càng ngày càng có nhiều kiến thức hơn về dạng tấn công này và tiếp tục tìm được nhiều lỗ hổng hơn cho đến nay. Trong số các lỗ hổng mình tìm được thì có khoảng 6 lỗ hổng thuộc dạng nguy hiểm cao nhất (điểm CVSS: 9.8/10). Có lỗ hổng chỉ mất vài tuần để tìm thấy, nhưng cũng có lỗ hổng mất đến cả tháng. Trong quá trình nghiên cứu, mình và đồng nghiệp cũng đã cải tiến một số công cụ để giúp cho việc phát triển lỗ hổng nhanh hơn", nữ "thợ săn" chia sẻ.
Đối với cá nhân cô, sự thành công trong học tập là không cần phải giỏi tất cả các môn, nhưng cũng cần cân bằng kể cả những môn mình không yêu thích. Điều này đã giúp Mỹ Quỳnh rèn luyện khả năng học hỏi, tinh thần không ngại khó cho dù không phải những môn sở trường.
| GS. Nguyễn Lân Dũng: Mong ngành giáo dục không ngừng sáng tạo để vượt qua giai đoạn khó khăn Ai cũng biết giáo dục là một lĩnh vực khó, liên quan đến mọi gia đình, mọi thế hệ trong xã hội, vì dễ so ... |
| GS. Trương Nguyện Thành: Đừng lấy mức lương ra làm thước đo cho sự thành công Chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam, GS. Trương Nguyện Thành (Đại học Utah, Mỹ) cho rằng, các bạn trẻ cần tích cực, ... |