Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Thượng tướng Đổng Quân, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc thăm Trường Tiểu học Bắc Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc trong khuôn khổ Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 8, ngày 12/4. (Nguồn: TTXVN) |
10 năm vun đắp tinh thần đoàn kết
Xây dựng biên giới hòa bình, ổn định là nền tảng vững chắc cho quan hệ hợp tác, láng giềng hữu nghị cùng phát triển giữa các địa phương và quốc gia có chung đường biên giới. Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đặc biệt coi trọng công tác đối ngoại biên phòng giữa Việt Nam với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc.
Trong quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam luôn khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả. Không chỉ bảo đảm nhiệm vụ quản lý chặt chẽ tuyến biên giới, phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh - quốc phòng cho đất nước, Việt Nam luôn quan tâm đến việc xây dựng, bảo vệ mối quan hệ với lực lượng bảo vệ biên giới của nước láng giềng.
Năm 2024 đánh dấu 10 năm triển khai sáng kiến tổ chức Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Chương trình tiếp tục khẳng định là một hoạt động quan trọng, có ý nghĩa chính trị to lớn, được lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước, chính quyền địa phương và nhân dân khu vực hai bên biên giới đánh giá cao.
Năm 2014, lần đầu tiên Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Tại Việt Nam, 6 chương trình giao lưu tiếp theo lần lượt được tổ chức tại các tỉnh: Lào Cai (lần thứ 2, năm 2015), Lạng Sơn (lần thứ 3, năm 2016), Lai Châu (lần thứ 4, năm 2017), Cao Bằng (lần thứ 5, năm 2018), Quảng Ninh (lần thứ 6, năm 2021), Cao Bằng (lần thứ 7, năm 2022). Việc lựa chọn địa điểm theo từng năm là luân phiên theo điều kiện phù hợp của cả Việt Nam và Trung Quốc. Giao lưu lần thứ 8 được tổ chức tại tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tháng 4/2024.
Điểm nổi bật của mô hình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc là góp phần quan trọng thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa các đơn vị, lực lượng bảo vệ biên giới hai nước, nâng cao khả năng phối hợp, giải quyết ổn thỏa, kịp thời các vấn đề phức tạp nảy sinh ở biên giới ngay từ cấp cơ sở tại địa phương, điển hình như giải quyết các vụ việc vi phạm pháp luật, xuất nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch bệnh... góp phần bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh biên giới mỗi nước.
Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc đã trở thành một trong những mô hình tiêu biểu của đối ngoại biên giới và được Bộ Quốc phòng Việt Nam nhân rộng, tổ chức thành công các cuộc Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới với Lào và Campuchia. Phía Trung Quốc đã nhân rộng mô hình hoạt động tương tự với một số nước có chung đường biên giới.
Thông qua những hoạt động trong khuôn khổ các chương trình giao lưu như tuần tra chung; diễn tập chung về cứu trợ thảm họa, dịch bệnh... lực lượng bảo vệ biên giới của hai nước Việt Nam-Trung Quốc cho thấy rõ tinh thần trách nhiệm, năng lực tổ chức chỉ huy, trình độ chiến thuật... đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng của các cán bộ, chiến sĩ hai nước, qua đó, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thể hiện đậm nét phẩm chất quân đội của dân, do dân, vì dân; sáng ngời tinh thần đoàn kết, hữu nghị, đồng chí, anh em Việt-Trung.
Trải qua 10 năm, đến nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng 7 tỉnh biên giới Việt Nam-Trung Quốc phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn triển khai nhiều mô hình hợp tác hữu nghị đem lại hiệu quả thực chất như: Mô hình kết nghĩa “Đồn - Tiểu đoàn hữu nghị, Biên giới bình yên”; “Đồn - Trạm hữu nghị, cửa khẩu hài hòa”; “Xây dựng đường biên giới kiểu mẫu”; “Tuần tra đoàn kết”; “Rừng cây hữu nghị biên phòng Việt-Trung”. Nổi bật trong số đó là mô hình “Giao lưu công tác chính trị” giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai nước.
Hai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trồng cây hữu nghị tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai trong khuôn khổ chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 8 tại Lào Cai ngày 11/4. (Nguồn: Lao Động) |
Tuyến biên giới điển hình
Lào Cai là tỉnh được lựa chọn tổ chức Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 8, đây cũng là lần thứ hai tỉnh Lào Cai được tin tưởng giao tổ chức các hoạt động trong giao lưu hữu nghị giữa Bộ Quốc phòng hai nước, sau giao lưu vào năm 2015.
Là một tỉnh cửa ngõ biên cương phía Tây Bắc của Tổ quốc, Lào Cai có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế - chính trị - an ninh - quốc phòng của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ cũng như cả nước. Tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài hơn 180 km, trong đó, có 127 mốc quốc giới, có cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu (gồm 2 đường bộ và 1 đường sắt), 2 cặp cửa khẩu phụ và 3 cặp lối mở. Khu vực biên giới tỉnh Lào Cai có 26 xã, phường, thị trấn thuộc 4 huyện và một thành phố biên giới.
Không chỉ tích cực phát huy lợi thế lớn để phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng hợp tác giao lưu thương mại quốc tế với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Lào Cai luôn chú trọng nguồn lực đầu tư củng cố quốc phòng, an ninh; duy trì, tăng cường quan hệ phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu của nước bạn, qua đó góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Thời gian qua, Lào Cai đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối các tuyến đường cao tốc, quốc lộ đến các trung tâm kinh tế, du lịch của tỉnh. Hệ thống giao thông kết nối qua biên giới được Trung ương quan tâm, thúc đẩy gồm: Cầu đường bộ qua sông Hồng biên giới tại xã Bản Vược; kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc)… với mục tiêu vừa phục vụ cho phát triển kinh tế, vừa phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh, quốc phòng. Cùng với đó, Lào Cai tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các địa phương trên tuyến Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Nhóm công tác liên hợp 4 tỉnh biên giới (Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang) với tỉnh Vân Nam.
Có thể khẳng định, tuyến biên giới giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thực sự là tuyến biên giới điển hình, có thể nhân rộng trên toàn tuyến biên giới Việt-Trung, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, vừa khẳng định được vai trò "phên dậu" của Tổ quốc.
| Tiếp mạch đối thoại chiến lược cấp cao nhất Việt Nam-Trung Quốc Nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc (18-20/8), Bí thư ... |
| Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là nguồn động viên lớn lao cho quan hệ với tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Nguyễn Việt Dũng nhận định, chuyến thăm sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô ... |
| Đại sứ Hùng Ba: 'Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược' khởi đầu rất tốt đẹp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba khẳng định chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ... |
| Những ký ức sâu đậm về Chủ tịch Hồ Chí Minh Mỗi khi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, hình ảnh một vị lãnh tụ hiền từ, giản dị, chất phác lại hiện lên trong ... |
| Một mốc son mới trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc Nhân chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới, cũng là hoạt động ... |