Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình và đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an trao quyết định thành lập BLO tỉnh Quảng Bình ngày 13/1/2021. (Nguồn: Báo Nhân dân) |
Các loại hình tội phạm diễn ra mạnh mẽ
Mặc dù các nước trong khu vực Đông Nam Á đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát biên giới nhưng hoạt động tội phạm trong khu vực vẫn có xu hướng gia tăng, với diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Theo Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), lực lượng chức năng Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức kép tại các khu vực cửa khẩu biên giới: đó là cơ chế phối hợp điều tra tội phạm xuyên quốc gia chưa hoàn thiện và năng lực chuyên môn của lực lượng thực thi pháp luật còn hạn chế.
Điều này dẫn đến nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới không bị phát hiện hoặc các cuộc điều tra thường chỉ dừng lại ở biên giới quốc gia. Nhiều đường dây, mạng lưới tội phạm lớn trong khu vực chưa được triệt phá.
Để giải quyết những thách thức này, UNODC và các đối tác trong khu vực, đặc biệt là Bộ Công an Việt Nam, tăng cường phối hợp trong hoạt quản lý khu vực biên giới với nỗ lực phòng, chống hoạt động mua bán ma túy bất hợp pháp qua biên giới thông qua Mạng lưới BLO.
UNODC hỗ trợ BLO Cao Bằng thiết bị hỗ trợ điều tra như bộ thử ma túy và tiền chất, ống nhòm ngày và đêm, thiết bị định vị GPS. ( Nguồn: CAND) |
Báo cáo UNODC 2021 với tựa đề “Ma túy tổng hợp tại khu vực Đông và Đông Nam Á: Diễn biến và thách thức mới nhất” chỉ ra rằng mua bán ma túy trong khu vực tiếp tục gia tăng bất chấp các biện pháp đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhằm mục đích ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Năm 2020, lượng ma tuý bị thu giữ ở Việt Nam và các nước khu vực hạ lưu sông Mekong tăng 19% so với năm trước.
Việt Nam đang bị lợi dụng như một điểm trung chuyển của các tổ chức tội phạm. Các đối tượng tội phạm thường vận chuyển ma tuý trái phép và các hàng hoá bất hợp pháp khác qua biên giới trên bộ giữa Việt Nam với Campuchia và Lào trước khi vận chuyển đến các quốc gia khác thông qua các cảng biển lớn của Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Long, đại diện UNODC, phát biểu tại lễ ra mắt BLO thứ 20 ở Việt Nam tại Cao Bằng ngày 18/8/2020: “Các tổ chức tội phạm vẫn cố gắng lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện các hành vi phạm tội. Không chỉ buôn bán ma túy và tiền chất, chúng ta còn chứng kiến nguy cơ gia tăng của các loại hình tội phạm khác tại khu vực biên giới như hoạt động mua bán người, đưa người di cư trái phép hay buôn bán động thực vật hoang dã trái phép. Tình trạng di cư bất thường qua đường mòn, lối mở càng trở nên phức tạp”.
Hợp tác quốc tế trong quản lý biên giới
Tại buổi lễ ra mắt BLO Cha Lo, tỉnh Quảng Bình ngày 13/1/2021, bà Valentina Pancieri, Điều phối viên Chương trình Quản lý biên giới của UNODC khu vực phát biểu: “Quản lý biên giới và hợp tác quốc tế là một trong những trọng tâm trong chương trình nghị sự ASEAN, trong đó hợp tác quốc tế được coi là kết nối an ninh khu vực trong công tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Các văn phòng BLO đã có đóng góp cực kỳ quan trọng trong công tác có ý nghĩa này”.
Trong khi đó, Thiếu tướng Đỗ Đức Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống BLO với vai trò là kênh trao đổi thông tin quan trọng, hỗ trợ tích cực và nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy qua biên giới; góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các lực lượng phòng, chống ma túy hai nước ngày càng gắn bó và phát triển.
“Nhờ vậy, đã có nhiều vụ ma túy lớn, có yếu tố nước ngoài được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn an ninh trật tự và sự bình yên khu vực biên giới”, Thiếu tướng Đỗ Đức Bình chia sẻ.
Trên bình diện khu vực, mạng lưới văn phòng BLO tạo thành một diễn đàn tập hợp các bên liên quan và thúc đẩy đối thoại chính sách về các vấn đề quản lý biên giới thông qua các cuộc hội thảo và tham vấn được tổ chức thường xuyên cho các cơ quan chính phủ đại diện trong mạng lưới BLO.
Hiện UNODC đã hỗ trợ hơn 100 văn phòng BLO tại Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc.
Mạng lưới 21 BLO ở Việt Nam
Tại Việt Nam, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với UNODC, các cơ quan trong nước và chính phủ nước ngoài trong công tác đấu tranh phòng, chống hoạt động mua bán ma túy trái phép tại các địa bàn cửa khẩu trong toàn khu vực.
Từ năm 1999, mạng lưới BLO tại Việt Nam đóng vai trò chủ chốt trong công tác thúc đẩy hợp tác liên ngành trong nước và quốc tế, phối hợp giữa các cơ quan chức năng trao đổi thông tin, đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật và chính sách từ UNODC, mạng lưới BLO đã đóng góp vào các nỗ lực phòng, chống tội phạm về ma túy thông qua việc xây dựng một nền tảng chia sẻ thông tin giữa các cơ quan đối biên và thúc đẩy hợp tác toàn khu vực.
Mạng lưới này cũng hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật của các quốc gia, từng bước nâng cao hiệu quả công tác phối hợp đấu tranh, phòng chống tội phạm và ma túy qua biên giới.
Tại các BLO Việt Nam, cán bộ từ các cơ quan thực thi pháp luật có nhiệm vụ liên quan đến phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia bao gồm: Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, cảnh sát hình sự, cảnh sát môi trường, hải quan; bộ đội biên phòng và kiểm lâm… phối hợp chia sẻ thông tin nghiệp vụ, điều tra và thu thập thông tin liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp.
Với các thành viên đến từ các đơn vị nghiệp vụ trong và ngoài ngành công an, mạng lưới 21 BLO ở Việt Nam hiện nay đã và đang hỗ trợ tích cực cho các lực lượng chức năng thực hiện thành công các chuyên án dọc biên giới và xuyên quốc gia.
Các văn phòng BLO đã phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ mua bán vận chuyển và tàng trữ ma túy trên các tuyến đường có nguy cơ cao.
Các cán bộ được phân công công tác tại các văn phòng BLO thường xuyên tham gia các khóa tập huấn, hội nghị qua biên giới và hoạt động tuần tra chung để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.
Ngoài việc tổ chức đào tạo, tập huấn trực tiếp cho các cán bộ tuyến đầu và thông qua các học viện, UNODC còn hỗ trợ trang thiết bị cho các BLO mới thành lập cũng như các BLO đã hoạt động lâu năm ở Việt Nam để tăng cường hiệu quả trong việc hỗ trợ thực hiện các chuyên án tại các cửa khẩu biên giới.
Trong năm 2021, Việt Nam dự kiến mở thêm một BLO mới tại tỉnh Gia Lai, nâng tổng số BLO ở Việt Nam lên 22 văn phòng.