📞

Điện Biên đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội dựa trên thế mạnh

Thoan Tống 07:00 | 07/05/2024
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô, năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,1%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước và xếp thứ tư trong 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.

Xin ông cho biết những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật mà tỉnh Điện Biên đã đạt được trong năm 2023?

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự ủng hộ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương và đồng bào cả nước; Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đạt được nhiều kết quả nổi bật quan trọng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Có thể kể đến những điểm nổi bật: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,1%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước và xếp thứ tư trong 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tăng dần giá trị của các ngành công nghiệp xây dựng, các ngành dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người (GDP) năm 2023 ước đạt 42,68 triệu đồng/người/năm, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp gắn với thực hiện các chính sách hỗ trợ thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia thông qua, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị kinh tế tiếp tục đạt được những kết quả tiến bộ, duy trì và phát triển hiệu quả diện tích cây công nghiệp hiện có, đặc biệt, các dự án phát triển trồng cây macca đã được tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô. (Ảnh: Tống Thoan)

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực. Điện Biên tiếp tục được nhiều nhà đầu tư lớn, tiềm năng quan tâm tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu đăng ký đầu tư. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của tỉnh Điện Biên đạt 88,02/100 điểm, xếp hạng thứ 20/63 tỉnh, thành phố.

Năm 2023, với việc tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hoá, thể thao, lễ hội cũng như tăng cường quảng bá, giới thiệu về mảnh đất con người Điện Biên, các lĩnh vực thương mại, dịch vụ tiếp tục có bước phát triển mạnh, có mức tăng trưởng cao. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên, Điện Biên đạt được mốc thu hút được hơn 1 triệu khách du lịch đến với tỉnh.

Công nghiệp - xây dựng tiếp tục là điểm sáng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn ngành; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước (tăng 12,96% so với cùng kỳ năm 2022); các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, nhiều công trình dự án hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đã phát huy được hiệu quả sau đầu tư như: Dự án cầu Thanh Bình, Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biện Phủ, Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên...

Các lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều đổi mới, tiến bộ; giáo dục đào tạo, giải quyết việc làm... được tập trung thực hiện, đạt được những kết quả tích cực, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao nhất từ trước đến nay đạt 99,51%. Các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện có hiệu quả, kịp thời. Các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả.

Chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại của tỉnh Điện Biên được tiếp tục mở rộng. Không những tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị đặc biệt với các tỉnh bạn Lào, duy trì quan hệ đối ngoại với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) mà còn mở rộng quan hệ với các địa phương của Nhật Bản, Algeria và các tổ chức quốc tế đến với Điện Biên.

Năm 2024 được xác định là một năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Điện Biên. Vậy để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2024, đâu là những giải pháp trọng tâm, thưa ông?

Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và các hoạt động trong Chương trình Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024. Điện Biên đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 10,5%; tổng thu ngân sách Nhà nước phấn đấu đạt 14.192 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.924 tỷ đồng; đón trên 1,3 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt trên 2.200 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ đạt 130 triệu USD. Năm 2024, tỉnh sẽ tập trung vào tám nhóm giải pháp chủ yếu.

Thứ nhất, xây dựng kế hoạch để triển khai cụ thể, chi tiết Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thực hiện các dự án đầu tư công trọng điểm, các dự án kết cấu hạ tầng; tập trung giải ngân vốn đầu tư công tạo động lực cho tăng trưởng cũng như tạo nguồn thu cho ngân sách.

Thứ hai, tiếp tục huy động các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia, các thành phần kinh tế, người dân… để tiếp tục đẩy mạnh, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hướng mạnh vào khai thác các tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng cao, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, tập trung nâng cao hiệu quả cải cách, hiện đại hóa nền hành chính, cải thiện môi trưởng đầu tư kinh doanh gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi thu hút đầu tư vào các lĩnh vực lợi thế, thế mạnh của tỉnh.

Điện Biên đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 10,5%; tổng thu ngân sách Nhà nước phấn đấu đạt 14.192 tỷ đồng. (Nguồn: Tạp chí Du lịch)

Thứ tư, tiếp tục tập trung phát triển các lĩnh vực dịch vụ, thực hiện tốt công tác quản lý giá cả thị trường; tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ số hóa để phát triển kinh tế số, chính quyền số, xã hội số; tập trung thực hiện hiệu quả 28 chuỗi hoạt động, sự kiện Năm Du lịch quốc gia Điện Biên, góp phần từng bước cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thứ năm, tập trung triển khai các dự án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, hoàn thành các dự án chỉnh trang đô thị, các công trình thiết yếu, dự án đầu tư trọng điểm để khánh thành trong dịp tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2024 gắn với các hoạt động về tổ chức kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (7/5/1954-7/5/2024).

Thứ sáu, quan tâm, chú trọng thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực về văn hóa, xã hội; thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đổi mới căn bản giáo dục - đào tạo để nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đảm bảo khống chế không để xảy ra các loại dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân và du khách.

Thứ bảy, tiếp tục huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện các chương trình, chính sách an sinh xã hội, thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, phấn đấu mức giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2024 đạt trên 4%.

Thứ tám, tăng cường công tác về đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ động nắm bắt và dự báo được tình hình để không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tiếp tục mở rộng các hoạt động, quan hệ đối ngoại với các nước có chung đường biên giới, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển đảo và phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới đã được chính quyền tỉnh Điện Biên triển khai như thế nào trong năm 2023, thưa ông?

Về thông tin đối ngoại, năm 2023 công tác thông tin đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về vị trí vai trò của công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới. Các cơ quan báo chí của tỉnh tiếp tục nâng cao nội dung các chương trình phát thanh, truyền hình về thông tin đối ngoại, kịp thời có những tin, bài đấu tranh, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại và phản bác các thông tin sai sự thật ảnh hưởng đến tỉnh Điện Biên.

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ thông tin đối ngoại; đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, thế mạnh, truyền thống văn hóa của mảnh đất và con người Điện Biên trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua đó thu hút các nhà đầu tư đến thăm và xúc tiến đầu tư trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ quan, đơn vị.

Hội đàm giữa đoàn đại biểu cấp cao hai tỉnh Điện Biên và Louangnamtha (Lào).(Ảnh: Tống Thoan)

Về công tác tuyên truyền biển đảo, đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển đảo Việt Nam trong sự n ghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cá nhân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đồng thời, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề Biển Đông và mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia có liên quan trên Biển Đông; phát huy tính tích cực của các cơ quan báo chí, đài truyền thanh cơ sở trong công tác tuyên truyền và bảo vệ chủ quyền, phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam trong giai đoạn mới.

Về công tác quản lý biên giới, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào được quan tâm triển khai thực hiện; qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là người dân ở khu vực biên giới trong quản lý, bảo vệ biên giới, tích cực tham gia cùng bộ đội biên phòng quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; đấu tranh hiệu quả với các hoạt động vi phạm pháp luật trên tuyến biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.