Là tỉnh miền núi, biên giới, có diện tích tự nhiên rộng (9.562,9km2), xa các trung tâm kinh tế lớn trong nước và còn gặp nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm của Trung ương, sự hỗ trợ của các địa phương, cùng với tinh thần đoàn kết, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, những năm qua, Điện Biên đã chủ động đề ra nhiều giải pháp phù hợp, linh hoạt với điều kiện thực tiễn, từng bước đạt được những kết quả nổi bật.
Trong bối cảnh cảnh tình hình trong nước, khu vực và trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, có cả những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, cùng với việc quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Trung du, miền núi phía Bắc, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên đã tập trung quán triệt, cụ thể hóa và ban hành các nghị quyết chuyên đề, các chỉ thị và nhiều chương trình hành động, kế hoạch, kết luận trên các lĩnh vực để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện.
Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực trong nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua, cơ bản hoàn thành 10/18 nhóm chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội.
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường kiểm tra tiến độ các công trình trọng điểm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 26/3/2024. (Nguồn: Tỉnh ủy Điện Biên) |
Ba đột phá chiến lược
Để tạo động lực cho đầu tư, phát triển, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời ban hành chín nghị quyết chuyên đề, sáu chương trình hành động, tám kế hoạch và hàng trăm văn bản chỉ đạo thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, tập trung lãnh đạo Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành 98 văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; trong đó, có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư trên các lĩnh vực, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cơ chế, chính sách do HĐND, UBND tỉnh ban hành đã tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc khơi thông môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sức hút đầu tư tốt hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư uy tín trong và ngoài nước đến nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện các dự án đầu tư tại tỉnh.
Để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Điện Biên tập trung nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng và từng bước hiện đại hệ thống đô thị; trọng tâm là các công trình giao thông trọng điểm như: Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên Phủ; hoàn thành Dự án đường 60m và hạ tầng kỹ thuật khung; hoàn thành hai dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ…
Tiếp tục xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị tại thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, các thị trấn, thị tứ trên địa bàn tỉnh để từng bước thực hiện các tiêu chí đảm bảo phù hợp với cấp đô thị theo quy hoạch; trọng tâm là xây dựng thành phố Điện Biên Phủ đạt tiêu chí đô thị loại II, trung tâm thị xã, thị trấn các huyện đạt tiêu chí đô thị loại V vào năm 2025.
Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch từng bước được đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu của người dân, khách du lịch. Đặc biệt là việc hoàn thành, đưa vào khai thác các công trình văn hóa tiêu biểu như: Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, Bức tranh Panorama trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng... phục vụ nhân dân và thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và nước ngoài đến thăm Điện Biên.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển, Điện Biên tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành, nghề ưu tiên như: Y tế, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin. Đẩy mạnh mô hình đào tạo theo địa chỉ đối với các ngành, lĩnh vực mà tỉnh đang thiếu nguồn nhân lực. Chủ động hội nhập quốc tế, hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với các tỉnh Bắc Lào, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, các tỉnh Bắc Thái Lan theo Đề án được duyệt.
Tận dụng tối đa lợi thế
Bằng những giải pháp đột phá, quyết tâm chính trị cao nhất và sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, từ năm 2020 đến nay, Điện Biên từng bước chuyển mình, đạt nhiều kết quả nổi bật về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện.
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 7,77%/năm, vượt so mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra là 7%; GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 42,98 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng; tổng thu ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2023 tăng dần qua các năm, ước đạt 41.364,12 tỷ đồng, trong đó năm 2023 đạt 13.805,469 tỷ đồng.
Phát huy tiềm năng phát triển các lĩnh vực: Nông - lâm nghiệp, năng lượng, đô thị, du lịch… những năm qua, tỉnh Điện Biên đã và đang hoàn thiện về cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp nghiên cứu, khảo sát và đầu tư các dự án trên địa bàn. Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển đô thị, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường yêu cầu đẩy nhanh tiến độ bảo tồn, tôn tạo di tích khu trung tâm Đề kháng Him Lam, ngày 19/3/2024. (Nguồn: Tỉnh ủy Điện Biên) |
Đẩy mạnh thu hút đầu tư là chủ trương xuyên suốt từ tỉnh đến cấp huyện. Các địa phương dựa trên thế mạnh, kế hoạch, định hướng phát triển đã chủ động tìm kiếm, kết nối để các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến khảo sát địa bàn; tổ chức hội thảo đầu tư, liên kết sản xuất… Nhờ đó, nhiều lĩnh vực có tiềm năng đã được các nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu, khảo sát và tiến hành đầu tư .
Tỉnh cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, bảo hiểm y tế đối với người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi và đối tượng hưởng trợ giúp xã hội; giải quyết kịp thời, đầy đủ chế độ cho các đối tượng chính sách, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, cứu trợ, trợ cấp cho các đối tượng yếu thế góp phần ổn định cuộc sống.
Triển khai hiệu quả việc hỗ trợ xây dựng nhà ở, nhà Đại đoàn kết cho 3.276 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ nguồn xã hội hóa và thông qua Chương trình “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội”; tập trung thực hiện hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo…
Triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, góp phần ổn định sản xuất, giảm nghèo bền vững, giữ gìn an ninh trật tự, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; triển khai lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là khu vực đặc biệt khó khăn, vùng cao, biên giới.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Các khâu trong công tác cán bộ được thực hiện đồng bộ, đúng quy trình, quy định. Xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng được tăng cường, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên rõ rệt.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tập trung chỉ đạo quyết liệt; một số vụ án, vụ việc được phát hiện và chỉ đạo xử lý nghiêm minh, góp phần củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác dân vận có bước đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, nhất là trong tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác hưởng ứng, ủng hộ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã bám sát thực tế.
Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới, nhất là đối với hoạt động của chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên; vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường và phát huy hiệu quả.