Diễn đàn Cao cấp OECD-Đông Nam Á: Điểm hẹn của các ý tưởng về tầm nhìn hợp tác mới
Nguyễn Hồng
18:58 | 19/10/2022
Sau hai ngày 17-18/10, Diễn đàn Cao cấp OECD-Đông Nam Á đã thành công tốt đẹp và thực sự là điểm hẹn của các ý tưởng về tầm nhìn hợp tác mới, với các đánh giá đa chiều, các khuyến nghị có tính thực tiễn cao trong định hình và kết nối chuỗi cung ứng giữa khu vực OECD và Đông Nam Á.
Diễn đàn cao cấp OECD-Đông Nam Á năm 2022 có chủ đề "Kết nối các khu vực: Thúc đẩy quan hệ đối tác hướng đến chuỗi cung ứng tự cường và bền vững". (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thượng nghị sĩ Tim Ayres, đồng Bộ trưởng phụ trách Thương mại và sản xuất Australia, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cùng hơn 250 đại biểu là các bộ trưởng, đại sứ, lãnh đạo các bộ, ngành từ các nước thành viên OECD và Đông Nam Á, đại diện các tổ chức quốc tế, chuyên gia, học giả và cộng đồng doanh nghiệp tham dự trực tiếp và trực tuyến. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trong phát biểu khai mạc Diễn đàn đã đề nghị hợp tác giữa OECD và Đông Nam Á cần bảo đảm phương châm ổn định, bền vững, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và cùng có lợi, tập trung vào 6 định hướng quan trọng. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị các nước OECD tiếp tục ủng hộ, đồng hành cùng Việt Nam cũng như đóng góp để nâng tầm và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ OECD – Đông Nam Á, vì hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển của hai khu vực và trên thế giới. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Chương trình SEARP đã đồng hành cùng quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của các quốc gia Đông Nam Á trong gần 10 năm qua. Bộ trưởng tin tưởng quan hệ đối tác giữa OECD và các nước Đông Nam Á tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, vì hòa bình, ổn định, tự cường và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Với tư cách đồng Chủ tịch Chương trình SEARP, Thượng nghị sĩ Tim Ayres, đồng Bộ trưởng phụ trách Thương mại và sản xuất Australia nhấn mạnh tầm quan trọng của Diễn đàn trong việc thúc đẩy hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp nhằm xây dựng chuỗi cung ứng tự cường và bền vững, qua đó đóng góp vào việc bảo đảm chuỗi cung ứng toàn cầu. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Tổng thư ký OECD Mathias Cormann đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Việt Nam trên cương vị đồng Chủ tịch Chương trình SEARP, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng đặc biệt của Diễn đàn trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đứng trước những thách thức chưa có tiền lệ; đồng thời, khẳng định OECD hết sức coi trọng vai trò của khu vực Đông Nam Á trong chiến lược mở rộng hợp tác của tổ chức này. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Tại Diễn đàn đã diễn ra hai phiên thảo luận. Phiên 1 có chủ đề Tăng cường quan hệ đối tác OECD-Đông Nam Á nhằm củng cố chuỗi cung ứng tự cường. Phiên 2 có chủ đề Tăng cường hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp hướng đến tương lai tự cường.
Qua hai phiên thảo luận, các nước OECD và Đông Nam Á nhất trí một số định hướng hợp tác quan trọng trong thời gian tới, trong đó có các dự án hợp tác trong các lĩnh vực thuế, năng lượng sạch, chính sách đầu tư, tài chính tiêu dùng... Các thành viên cũng nhất trí thông qua Kế hoạch hành động hợp tác ASEAN – OECD và Kế hoạch hành động hợp tác Việt Nam – OECD giai đoạn 2022 – 2026. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Đặc biệt, tại Diễn đàn, lần đầu tiên các nước OECD và Đông Nam Á đã nhất trí thành lập Mạng lưới doanh nghiệp OECD-Đông Nam Á nhằm tăng cường hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp, tăng cường đối thoại giữa Mạng lưới doanh nghiệp với Chính phủ các nước trong nỗ lực thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Thảo luận về triển vọng kinh tế vĩ mô, các chuyên gia đánh giá Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là khu vực tiếp tục giữ được mức tăng trưởng ấn tượng sau tác động của dịch Covid-19 nhờ chính sách thích ứng linh hoạt và chiến dịch vaccine được triển khai nhanh. Đồng thời, các chuyên gia đã đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Thảo luận về thu hút FDI chất lượng cao phục vụ tăng trưởng xanh và chuyển đổi số, các diễn giả đều đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam và các nước Đông Nam Á, đồng thời, nhấn mạnh khu vực còn nhiều dư địa thu hút các nguồn đầu tư “xanh”. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đã đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam nhằm biến tiềm năng thành cơ hội. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á năm 2022, Cuộc họp quan chức cao cấp lần thứ 10 Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của OECD đã diễn ra trực tiếp và trực tuyến tại Hà Nội và Paris. (Ảnh: Nguyễn Việt)
Cuộc họp do Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng và Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Australia tại OECD Brendan Pearson đồng chủ trì. (Ảnh: Nguyễn Việt)
Bên cạnh Diễn đàn, khu trưng bày "Tinh hoa Việt Nam - Elite Vietnam" đã đưa văn hóa, ẩm thực, danh lam thắng cảnh, những di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận giới thiệu đến các đại biểu tham dự Diễn đàn; đồng thời, những tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và du lịch... cũng được quảng bá trong dịp này. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Các đại biểu tham quan gian trưng bày các ấn phẩm của Báo Thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc sản địa phương bên lề Diễn đàn. (Ảnh: Tùng Lê)
Bên lề Diễn đàn, Báo Thế giới & Việt Nam (Bộ Ngoại giao) đã tổ chức Press corner với chủ đề "Định vị Việt Nam trong chuỗi cung ứng tự cường và bền vững", với sự tham dự của đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), các chuyên gia kinh tế, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp tiêu biểu... (Ảnh: Nguyễn Việt)
Press corner có hai phiên, gồm "Thúc đẩy chuyển đổi số, hợp tác đa phương nhằm xây dựng chuỗi cung ứng bền vững" và "Xây dựng chuỗi cung ứng bền vững đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu". (Ảnh: Nguyễn Việt)
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm, hai bên đã nâng cấp quan hệ Việt Nam-Malaysia lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Trở lại Nhà Trắng một cách mạnh mẽ, áp đảo, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ 'đối đãi' với thế giới như thế nào trong nhiệm kỳ 2.0 vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Chuyên gia Trung Quốc: Bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trước cơ hội lịch sử của “kỷ nguyên vươn mình".