Thông thường, các cuộc thảo luận ở khu nghỉ dưỡng xa xôi này của Thụy Sỹ dường như chẳng mấy liên kết với các sự kiện và các cuộc khủng hoảng ở những nơi khác trên thế giới. Năm nay thì khác. Đơn thuần là không có một sự tương đồng lịch sử nào để mô tả những biến động của thời điểm này.
Về mặt lịch sử, các vị khách thường xuyên của Davos vẫn tự hào rằng họ có thể dự báo được tình hình năm tới, song trước đây chưa bao giờ họ mắc phải sai lầm tập thể như lần này vì đã đoán sai những vụ gây sốc lớn của năm 2016 khi cử tri đa số đã bỏ phiếu cho ông Donald Trump và ủng hộ Brexit (nước Anh rời EU) - những điều mà trong kỳ họp trước phần lớn được cho là không thể xảy ra.
Trọng tâm cuộc họp ở Davos giờ không phải về một thế giới “biến động nhanh” do quá trình toàn cầu hóa, mà là sự hỗn loạn được gây ra bởi sự né tránh hiện tượng đó. Sau một giai đoạn toàn cầu hóa 25 năm phải trả giá cao, chúng ta giờ đã tiến tới khúc quanh, nơi toàn bộ tương lai của mô hình thời hậu chiến đang gặp nguy hiểm.
Khu nghỉ dưỡng Davos (Thụy Sỹ). (Nguồn: Nature) |
Một số người ở Davos đã hiểu được điều đó. Một số đã bày tỏ sự kinh sợ rằng Mỹ sắp sửa cho ra đời một loạt chính sách trọng thương và bảo hộ toàn cầu, không như những chính sách của gần một thế kỷ trước. Tuy nhiên, một số khác dường như lại cảm thấy phấn chấn với hy vọng rằng việc chính quyền mới của Mỹ hứa hẹn sẽ tạo sự thúc đẩy tài chính lẫn xóa bỏ các quy định có thể đủ để tạo dựng một nền kinh tế toàn cầu phẳng khác. Họ dường như hài lòng với sự tăng trưởng ngắn hạn của thị trường - chừng nào nó còn tiếp tục.
Giới tinh hoa toàn cầu ở Davos không vô can trước tình trạng suy yếu hiện nay của thế giới. Chắc chắn toàn cầu hóa và sự cải cách công nghệ đều đem tới sự thịnh vượng, đưa nhiều người thoát khỏi đói nghèo hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong lịch sự nhân loại, có tuổi thọ và điều kiện sống hơn hẳn 50 năm trước.
Đồng thời, điều mà ông Klaus Schwab - người sáng lập WEF- mô tả là Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư cũng đã đóng góp phần lớn cho lợi nhuận của giới tinh hoa. Báo cáo của tổ chức Oxfam mới đây cho biết 8 nhân vật giàu nhất thế giới sở hữu tài sản có giá trị tương đương 3,6 tỷ người nghèo nhất (1/2 dân số thế giới), và các nhà lãnh đạo ở Davos đang cùng nhau cố gắng tính toán cách làm thế nào để điều chỉnh lại sự phân phối lợi lộc từ toàn cầu hóa trước khi tấm giấy phép toàn cầu hóa bị tiêu hủy dần. Họ đau đớn nhận ra rằng áp lực dân túy thể hiện trong các cuộc bỏ phiếu năm ngoái ở Anh và Mỹ giờ đang đe dọa sẽ tiếp tục diễn ra ở Đức, Hà Lan, Pháp và hơn 20 nước khác sẽ có các cuộc bỏ phiếu trong năm nay.
WEF 2017 bàn thảo cách giải quyết thách thức toàn cầu. (Nguồn: Bloomberg) |
Vì vậy, khi diễn đàn Davos 2017 qua đi, dường như một sự rối loạn thế giới mới đang bắt đầu nổi lên, đặt ra câu hỏi về khả năng tồn tại một trật tự quốc tế tự do thời hậu chiến.
Hiện vẫn còn thời gian để các nhà tiên phong toàn cầu hóa hành động. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trong phát biểu chính thức cuối cùng của mình đã cảnh báo cộng đồng Davos rằng “Toàn cầu hóa chưa hoàn toàn tốt. Nó làm sâu sắc thêm những rạn nứt giữa những người đang cố đua lên hàng đầu và những người đang vất vả giữ mình ở hạng trung hay bị rơi xuống đáy”.
Ông nói thêm rằng mặc dù chúng ta không thể hủy bỏ tác động của thay đổi công nghệ, cũng không thể rút bớt những cam kết toàn cầu hóa, song chúng ta phải “hành động để giảm bớt những xu hướng kinh tế đang gây ra sự bất ổn ở nhiều nền kinh tế tiên tiến và phá hủy nhận thức cơ bản của con người về nhân phẩm”.
Các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh phải cùng nhau sẵn sàng chuẩn bị cho tương lai bằng cách cung cấp các hệ thống hỗ trợ mới để tái đào tạo người lao động khi họ bị ảnh hưởng bởi toàn cầu hóa, cung cấp các hệ thống phúc lợi xã hội dành cho những người có tuổi, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và cho họ có lý do để hy vọng, và thu hẹp khoảng cách chênh lệch ngày càng lớn mà nếu không thay đổi được sẽ ảnh hưởng tới sự lãnh đạo toàn thế giới.