Với chủ đề "Cùng hành động hướng tới nền kinh tế xanh", Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm và tham dự của khoảng 180 đại biểu từ các thành viên ASEM, Quỹ Á – Âu, chuyên gia của các tổ chức quốc tế như Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), Ủy ban Kinh tế xã hội Châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP), Chương trình giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng của Liên Hợp quốc (UNREDD), Quỹ Han Sai-đơ (Hanns Seidel Foundation), Viện Phrê-đê-rích Ê-bớt (Frederich Ebert) và Quỹ Rô-xa Lúc-xem-buốc (Rosa Luxembourg Foundation) của Đức. Tham dự Diễn đàn còn có đông đảo các Đại sứ, đại diện các Đại sứ quán thành viên ASEM tại Hà Nội, đại diện các bộ, ngành hữu quan, các Viện nghiên cứu và các Sở tài nguyên - môi trường của các tỉnh, thành trong cả nước.
Trong diễn văn khai mạc và chỉ đạo Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nêu rõ tăng trưởng xanh không chỉ là động lực thúc đẩy và phục hồi kinh tế toàn cầu, mà còn là mô hình và công cụ để thực hiện phát triển bền vững với ba thành tố quan hệ chặt chẽ với nhau đó là: phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh, tăng cường phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, là một trong những diễn đàn liên khu vực quan trọng đại diện cho hơn 60% dân số thế giới, đóng góp khoảng 55% GDP toàn cầu và với tiềm lực khoa học - công nghệ dồi dào, ASEM hoàn toàn có khả năng và phải có trách nhiệm đóng góp tích cực cho nỗ lực hướng tới nền kinh tế xanh. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Diễn đàn tập trung chia sẻ kinh nghiệm, xác định nội hàm của mô hình tăng trưởng xanh, đề xuất những biện pháp để ASEM tăng cường phối hợp chính sách và hợp tác thúc đẩy tăng trưởng xanh, và định hướng để ASEM đóng góp triển khai các sáng kiến kinh tế xanh của Liên hợp quốc và chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững tại Bra-xin năm 2012.
Trong bài phát biểu định hướng, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh những nội dung hợp tác quan trọng của ASEM hiện nay là cùng nhau xác định thuận lợi và thách thức đối với các nước khi lựa chọn tăng trưởng xanh, xây dựng các cơ chế chính sách, hệ thống phát luật nhằm loại bỏ rào cản và khuyến khích đầu tư vào phát triển nền kinh tế xanh, và thiết lập các cơ chế đa phương và song phương hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển cho các nước đang phát triển trong khuôn khổ ASEM. Chào mừng các đại biểu tham dự Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng bày tỏ sự tin tưởng rằng, Diễn đàn sẽ góp phần tăng tính thiết thực và hiệu quả của hợp tác ASEM, thể hiện ASEM là một diễn đàn có trách nhiệm, chủ động và tích cực trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu, làm cho Trái Đất ngày càng xanh và phồn vinh hơn.
Trong hai ngày 3 và 4 tháng 10, Diễn đàn sẽ có 3 phiên thảo luận tập trung trao đổi các mô hình tăng trưởng xanh nhằm hướng tới phát triển bền vững, kinh nghiệm hoạch định chính sách và chiến lược tăng trưởng xanh, đồng thời thảo luận và đề xuất về các cơ hội hợp tác của ASEM trong lĩnh vực này. Các diễn giả ASEM và quốc tế sẽ đi sâu trao đổi về những thực tiễn điển hình về tăng trưởng xanh tại ASEM, xây dựng chiến lược, kế hoạch và lộ trình của quốc gia, sử dụng năng lượng hiệu quả, chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh, giao thông bền vững... Các đại biểu Việt Nam cũng sẽ trình bày về tầm nhìn mới trong tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng thúc đẩy tăng trưởng và định hướng xây dựng nền kinh tế xanh tại Việt Nam đến năm 2020. Dự kiến, các kiến nghị của Diễn đàn sẽ được báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEM lần thứ 4 (tại Mông Cổ, tháng 5/2012), và cuộc họp các Quan chức cao cấp ASEM (tại Tokyo, ngày 27-28/10/2011).
Tối ngày 3/10, thay mặt UBND Thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Thị Bích Ngọc sẽ tổ chức chiêu đãi trọng thể chào mừng các đại biểu.
Cùng với “Diễn đàn ASEM về lưới an toàn xã hội” (tổ chức tại Hà Nội, ngày 18 -19/4/2011), “Diễn đàn ASEM về tăng trưởng xanh” là hai hoạt động lớn của ASEM mà nước ta đăng cai tổ chức trong năm 2011, nhằm triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của Đại hội Đảng lần thứ XI. Diễn đàn cũng là một trong 15 sáng kiến do nước ta đề xuất tại ASEM, tiếp theo việc đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 5 (tháng 10/2004) và các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Kinh tế và giáo dục, góp phần đưa tiến trình hợp tác Á – Âu theo hướng thiết thực, hiệu quả./.
P.V (theo MOFA)