Kinh tế Việt Nam năm 2022 được WB dự báo tăng trưởng 5,5%. (Nguồn: AF) |
Phiên Khai mạc Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2022 với chủ đề "Phục hồi và bứt tốc tăng trưởng: Từ chính sách kích thích kinh tế đến sức bật của các ngành, địa phương và doanh nghiệp" chính thức bắt đầu vào lúc 8h30, theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp, với sự tham dự của 34 tỉnh, thành phố cùng đông đảo doanh nghiệp trên cả nước.
Sự kiện do Bộ Ngoại giao chủ trì và Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) phối hợp tổ chức. Chương trình được phát trực tuyến trên Zoom Webinar tại đường link: https://us02web.zoom.us/webinar/register/WN_2ZRCOeXuReiZ6DUz4H8ssg.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu khai mạc sự kiện. Cùng tham dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Ngân hàng Nhà nước, Tổng Cục Du lịch, các viện nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2022, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nêu bật 3 điều có tính chất kinh điển được đúc rút ra từ đại dịch "trăm năm có một" đối với các doanh nghiệp.
Thứ nhất, trong nguy có cơ. Ngay trong giai đoạn cao điểm của đại dịch, khi nhiều ngành dịch vụ như du lịch, vận tải, bán lẻ... chịu tác động nặng nề, song chúng ta cũng chứng kiến sự đi lên của các ngành, lĩnh vực mới, giàu tiềm năng như thương mại điện tử, thương mại số, các ngành cung ứng các sản phẩm và dịch vụ gắn với khoa học đời sống.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu khai mạc Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2022. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thứ hai, trong cái khó ló cái khôn. Nhiều doanh nghiệp đã thể hiện năng lực thích ứng tốt, đầy sáng tạo và quả cảm, không chỉ vượt qua đại dịch mà còn phát triển mạnh mẽ hơn, tìm kiếm những xu hướng sản xuất, kinh doanh mới, an toàn, bền vững và có trách nhiệm với xã hội cao hơn…
Thứ ba: thay đổi, quản lý thay đổi và tốc độ sự thay đổi có ý nghĩa quan trọng, quyết định đối với doanh nghiệp nhất là trong một thế giới của nhiều sự chuyển dịch to lớn, chưa từng có về quy mô, tốc độ như hiện nay, đặc biệt là sự xuất hiện của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các xu hướng bền vững từ đại dịch.
Ba thực tế trên nói lên rất nhiều điều đối với doanh nghiệp và hiệp hội. "Trong đó có lẽ điều quan trọng nhất là học cách sống chung với mọi biến cố và sự thay đổi rất cần những điều kiện thuận lợi bên ngoài, song trong bối cảnh mà những yếu tố bên ngoài luôn bất định, bất ổn và bất an, thậm chí bất ngờ như đại dịch vừa qua, thì sự thay đổi và thích ứng ở bên trong mỗi doanh nghiệp mới là điều quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định", Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, chúng ta đang ở thời điểm rất phù hợp để “nghĩ lớn, làm lớn, nghĩ khác, làm khác”, đưa ra các quyết định táo bạo phù hợp cho doanh nghiệp. Điều đó xuất phát từ những thuận lợi rất căn bản khi nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc trở lại với việc Chính phủ triển khai Nghị quyết 128, đánh dấu quá trình chuyển trạng thái sang vừa phục hồi kinh tế, vừa sản xuất kinh doanh, cùng với đó là một loạt nghị quyết, chính sách tạo động lực, định hướng và nguồn lực cho sự phục hồi và bứt phá của nền kinh tế (Nghị quyết số 01 và số 02 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; và Nghị quyết của Quốc hội về hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội).
Bởi vậy, việc Diễn đàn tập trung thảo luận và đưa ra khuyến nghị về các biện pháp phục hồi, bứt tốc phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung vào ba nhóm vấn đề sẽ đem lại những kết quả thực chất.
Thứ nhất, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội và các định hướng chính sách của Chính phủ, chúng ta sẽ cùng nhau hiến kế các giải pháp/biện pháp mà Chính phủ cần triển khai nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, bứt tốc, tận dụng một cách bền vững và hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các xu hướng của kinh tế thế giới.
Đặc biệt, cần tăng cường phối hợp thực hiện các nhiệm vụ cấp bách trước mắt như phòng chống đại dịch Covid-19 với phục hồi kinh tế. Cần tranh thủ tối đa quá trình sắp xếp lại các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất đã và đang diễn ra. Với vị trí địa - chiến lược quan trọng của đất nước cũng như vị thế cao của Việt Nam trong chính sách khu vực của các nước lớn, ta đang có cơ hội lớn. Nhưng cơ hội này không kéo dài mãi, chậm chân sẽ lỡ thời cơ. Do đó, điều này đòi hỏi sự phối hợp liên thông, nhịp nhàng, hiệu quả hơn nữa giữa các lực lượng làm đối ngoại với các ban, bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương trong nước. Để đất nước có thể bứt phá, cần kết hợp nội lực với việc tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài, nhất là các nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, tri thức, những xu thế phát triển mới…
Thứ hai, khuyến nghị về các giải pháp bảo đảm sự ổn định và quản lý rủi ro trong quá trình phục hồi và bứt tốc. Trong bối cảnh thế giới có nhiều yếu tố bất định, khó lường và phức tạp do dịch bệnh và cạnh tranh địa chiến lược, chúng ta cần tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu ổn định trong điều hành kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng đồng thời ổn định về kinh tế vĩ mô và về an sinh xã hội. Mặt khác, chúng ta cần đẩy mạnh các biện pháp nhận diện và quản lý rủi ro trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh và chiều hướng gia tăng các rủi ro kinh tế - phát triển trên thế giới.
Thứ ba, các giải pháp tận dụng tốt các động lực tăng trưởng mới và bền vững. Ta đang có những động lực mới từ các FTA, từ các ngành nghề mới hình thành từ xu hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong Báo cáo mới nhất công bố ngày 13/1, Ngân hàng Thế giới WB đánh giá, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 sẽ khởi sắc với sự hỗ trợ bằng chính sách tài khóa nới lỏng hơn, ít nhất trong nửa đầu năm 2022. Với giả định đại dịch Covid-19 được kiểm soát tương đối tốt trong nước và trên toàn cầu, GDP Việt Nam năm nay được WB dự báo tăng trưởng 5,5%, thấp hơn mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là 6,5-7%, cũng như con số dự kiến của các tổ chức khác như HSBC (6,5%), Standard Chartered (6,7%).
Theo WB, khu vực dịch vụ của Việt Nam sẽ dần phục hồi khi người tiêu dùng và nhà đầu tư lấy lại niềm tin, trong khi lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được hưởng lợi nhờ nhu cầu ổn định từ Mỹ, EU và Trung Quốc. Ngành nông nghiệp dự kiến tiếp tục tăng trưởng bằng mức của giai đoạn 2020-2021, đem lại đóng góp nhỏ nhưng ổn định cho tăng trưởng.
Dù vậy, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt là trước diễn biến chưa rõ ràng của đại dịch. WB cho rằng, các chính sách ứng phó cẩn trọng có thể giảm thiểu những rủi ro trên. Các hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng cũng cần có quy mô lớn hơn và tập trung hơn. Các chương trình an sinh xã hội phải xác định đúng các nhóm đối tượng cần trợ giúp và triển khai thực hiện hiệu quả hơn để giải quyết những hậu quả xã hội nặng nề và không đồng đều của cuộc khủng hoảng. Rủi ro đang gia tăng trong khu vực tài chính cũng cần được giám sát chặt chẽ và chủ động giải quyết.
Với rất nhiều thách thức đặt ra, chủ đề của Diễn đàn - Phục hồi và bứt tốc tăng trưởng: Từ chính sách kích thích kinh tế đến sức bật của các ngành, địa phương và doanh nghiệp, đề cập và tập trung phân tích, đánh giá thực trạng nền kinh tế cũng như năng lực vực dậy của các ngành/lĩnh vực, các khu vực kinh tế, địa phương và doanh nghiệp sau quá trình tác động nghiêm trọng và kéo dài của đại dịch covid-19;
Nhận định bối cảnh kinh tế thế giới mới, những thay đổi của chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu tác động đến phương thức vận hành, chiến lược hoạt động và quản trị doanh nghiệp; Đánh giá tính tác động, phù hợp và hiệu quả của các chính sách kích thích kinh tế đã và đang triển khai, các đạo luật mới sửa đổi; Nhận diện các động lực tăng trưởng mới có khả năng lan tỏa thúc đẩy đà phục hồi tăng trưởng; Hiến kế các giải pháp có tính khả thi cao nhằm nỗ lực thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng đã được Đảng, Chính phủ đặt ra trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Tại Phiên Khai mạc và dẫn đề, sẽ có các tham luận về Mục tiêu tăng trưởng đánh giá khả năng phục hồi và bứt phá của các ngành kinh tế: cơ hội & rủi do của Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Giải pháp cấp bách và kế hoạch hành động của ngành Du lịch gắn với Chương trình Phục hồi kinh tế - xã hội 2022-2023 của Lãnh đạo Tổng cục Du lịch; Sức bật của địa phương năm 2022 từ nội lực và các động lực tăng trưởng mới của lãnh đạo thành phố Hải Phòng...
Phiên thảo luận với chủ đề Sức bật của các ngành kinh tế và khu vực doanh nghiệp gắn với chính sách phục hồi tăng trưởng sẽ do TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam và TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV điều hành.
Với nội dung liên quan trực tiếp đến hành động của các ngành, địa phương và doanh nghiệp, Phiên thảo luận sẽ có sự tham gia của TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc Hội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân; Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính; Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển Thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn; Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10; Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban Kế hoạch Phát triển Vietnam Airlines.