Diễn đàn kinh tế TP. Hồ Chí Minh (HEF) là sự kiện quốc tế thường niên - cơ hội để Lãnh đạo Thành phố trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. (Ảnh: Thanh Tùng) |
Tham dự diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong.
Về phía lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi…
Sự kiện có sự tham gia của hơn 900 đại biểu bao gồm Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ ngành Việt Nam; đại diện các cơ quan ngoại giao; các địa phương nước ngoài; các định chế tài chính quốc tế (World Bank, IMF, IFC, ADB...); các tổ chức Quốc tế như WEF, OECD, các nhà quản lý và Lãnh đạo các địa phương nước ngoài đến từ 9 quốc gia như Mỹ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Phần Lan, Israel, Thái Lan, Thụy Sỹ, Trung Quốc, Australia; các chuyên gia kinh tế và kinh tế số, đại diện các quốc gia thành công trong lĩnh vực chuyển đổi số; doanh nghiệp....
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định: “Sau 2 năm bị trì hoãn do đại dịch Covid-19, Diễn đàn kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 3 năm 2022, với chủ đề “Kinh tế số - động lực tăng trưởng và phát triển TP. Hồ Chí Minh trong tương lai” diễn ra vào thời điểm tháng 4 này vô cùng ý nghĩa.
Đây là một sự kiện rất quan trọng đối với sự phát triển dài hạn của Thành phố trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; không chỉ riêng một quốc gia nào, mà là vấn đề toàn cầu; mở ra nhiều cơ hội và cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng”.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại Diễn đàn kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2022. (Ảnh: Thanh Tùng) |
Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Hôm nay, chúng ta họp mặt tại Diễn đàn này, nơi mà chỉ mấy tháng trước đây thôi đại dịch covid-19 đã làm ngưng trệ và gãy đổ hầu hết các hoạt động kinh tế và sinh hoạt của đời sống xã hội; cuối năm 2021 kinh tế trên địa bàn suy giảm đến 7,4%, hầu hết các doanh nghiệp phải chống chọi, vượt qua vô vàn khó khăn để tồn tại chờ cơ hội để hồi sinh.
Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh khó khăn đó, công nghệ số đã trở thành một công cụ quan trọng trong công tác phòng chống dịch, duy trì chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất kinh doanh và đây là thực tiễn minh chứng cho tính hiệu quả của chuyển đổi số”, ông Mãi khẳng định.
Cũng theo lãnh đạo Thành phố, khi xây dựng “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025”, Thành phố đã đề ra mục tiêu và quyết sách: Thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa- dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; biến thách thức thành cơ hội để phát triển nhanh nền kinh tế số; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị; tạo sự đột phá trong việc xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển; giữ vũng và phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước.
Tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chia sẻ về 4 điểm quan trọng:
Thứ nhất, mục tiêu phát triển đến năm 2025: TP. Hồ Chí Minh là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố.
Thứ hai, Thành phố đã và đang triển khai có hiệu quả các chính sách của trung ương trên địa bàn; đồng thời xây dựng một hệ thống các biện pháp và giải pháp nhằm huy động tối đa các nguồn lực, phát huy tính năng động, sáng tạo vốn có của người dân thông qua từng chương trình, đề án cụ thể cho từng năm.
Thứ ba, triển khai các chương trình đề án cụ thể liên quan trực tiếp đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, bao gồm: Hợp tác về chuyển đổi số trong khuôn khổ hợp tác chung giữa UBND Thành phố và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, tập trung công tác quản trị dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội thành phố;
Tập trung giải quyết vấn đề liên thông, kết nối dữ liệu ở phạm vi toàn thành phố và phát triển kho dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở để người dân, doanh nghiệp, và chính quyền có thể đẩy mạnh hợp tác cùng xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm tiện ích có giá trị cao, kiến tạo môi trường khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp;
Triển khai các nhiệm vụ thuộc chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030” để thúc đẩy đưa trí tuệ nhân tạo trở thành một trong những công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững;
Phát triển đồng bộ tầng số phục vụ kinh tế số và xã hội số theo Đề án phát triển hạ tầng viễn thông và Kế hoạch phát triển hạ tầng số thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030;
Nghiên cứu để triển khai các chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sand box) đối với các dịch vụ số mới, mô hình kinh doanh kinh tế số mới chưa được pháp luật quy định rõ ràng; cơ chế để các doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ phục vụ chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường;
Tập trung triển khai Trung tâm khởi nghiệp đối mới sáng tạo, hình thành mạng lưới các trung tâm hồ trợ khởi nghiệp làm nền tảng kết nối, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thành phố;
Nghiên cứu Đề án Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, vớ 3 chức năng chính: thị trường tiền tệ; thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh vận hành dựa vào lợi thế công nghệ số.
Thứ tư, đặc điểm kinh tế TP. Hồ Chí Minh với hơn 95% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với hơn 300 ngàn hộ sản xuất kinh doanh cá thể đang tạo ra sức sống cho đời sống kinh tế Thành phố. Mặc dù chuyển đổi số sẽ nâng cao hiệu quả, năng suất và sức cạnh tranh của doang nghiệp, hộ kinh doanh trong mọi ngành kinh tế, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức, trong đó nổi bật là yếu tố nhân lực kể cả 2 khía cạnh: nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và nhân lực dôi dư do không đáp ứng yếu cầu chuyển đổi số trong từng doanh nghiệp - động lực và trở lực đang đan xen nhau.
“Có lẽ quá trình chuyển đổi số vấn đề công nghệ quan trọng, nhưng quan trọng hơn là yếu tố con người. Do đó, vấn đề đặt ra là: vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra chính sách động lực để doanh nghiệp thấy được lợi ích và tự vượt qua thách thức để thực hiện quá trình chuyển đổi số; đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh. Mối quan hệ giữa nhà nước - doanh nghiệp và người dân có lẽ là trọng tâm của chính sách trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số”, ông Phan Văn Mãi nói.
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Diễn đàn kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2022. (Ảnh: Thanh Tùng) |
Tại Lễ khai mạc, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết thêm, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ trọng 25% GRDP; đến năm 2030, trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á, kinh tế số chiếm 40% GRDP.
Để đạt được mục tiêu đó, TP. Hồ Chí Minh đã thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch hành động chuyển đổi số; đặt mục tiêu sớm đưa Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo thành phố và Trung tâm tư vấn hỗ trợ chuyển đổi số hoạt động hiệu quả.
Thành phố cũng triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh (giai đoạn 2) và hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước thúc đẩy các đề án phát triển giáo dục thông minh, y tế thông minh, chương trình Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo. TP. Hồ Chí Minh quyết tâm hình thành nhanh một hệ sinh thái toàn diện phục vụ cho sự phát triển kinh tế số của thành phố.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy sự tăng trưởng, đà tăng trưởng mạnh mẽ của thành phố, song cũng từ đó cho thấy vai trò của công nghệ số đối với hoạt động chống dịch, hồi phục kinh tế.
"Với tinh thần đó, Diễn đàn kinh tế 2022 có ý nghĩa rất quan trọng với TP. Hồ Chí Minh. Chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp nhằm kiến tạo mô hình chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trước mắt và lâu dài", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu.
Diễn đàn kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2022 là cơ hội để Lãnh đạo Thành phố trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài nước về chuyển đổi số và kinh tế số nhằm mục đích thống nhất và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và kinh tế số; tìm kiếm các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn Thành phố, giúp doanh nghiệp Thành phố phát huy tính sáng tạo, tăng cường khả năng tiếp cận các mô hình kinh doanh mới nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả; tạo cơ hội để các cá nhân và tổ chức đề xuất các kiến nghị về khuôn khổ chính sách khuyến khích và quản lý phát triển kinh tế số; phát huy vai trò các bên liên quan trong hệ sinh thái kỹ thuật/kinh tế số; góp phần đồng thời đẩy mạnh xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh
HEF 2022 xoay quanh 4 chủ đề chính là: (i) “Bức tranh chung về chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở TPHCM, tầm nhìn và khát vọng đến năm 2030”; (ii) “Thiết kế chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế số tại TPHCM: định hướng 2025 và tầm nhìn 2030”; (iii) “Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: thách thức và giải pháp”; (iv) “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: kinh nghiệm và bài học thành công của doanh nghiệp trong nước và quốc tế”.
Qua đây, Thành phố có thể tiếp thu ý kiến của các chuyên gia trong việc chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá thực trạng, triển vọng, cơ hội và thách thức đối với việc phát triển kinh tế số, góp phần tạo động lực để triển khai hiệu quả Đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, tương tác cao trong tương lai.
Là sự kiện quan trọng, Diễn đàn kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2022 thu hút sự tham gia của hơn 900 đại biểu. (Ảnh: Thanh Tùng) |
Diễn đàn kinh tế TP. Hồ Chí Minh là sự kiện quốc tế thường niên do Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức nhằm mục tiêu tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố nói chung; các Đề án, mục tiêu, chương trình trọng điểm của Thành phố nói riêng.
Qua nhiều kỳ tổ chức, Diễn đàn đã tập hợp được nhiều ý kiến, đề xuất, đóng góp thiết thực cho các kế hoạch xây dựng của Thành phố. Thông qua những trao đổi thẳng thắn, thực chất, Thành phố đã có được cái nhìn sâu sắc và toàn diện về hiện trạng và xu hướng phát triển đô thị sáng tạo trên thế giới, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm và đề xuất khả thi có thể áp dụng đối với thực tiễn của Thành phố.
Phát biểu tại buổi họp báo mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Từ đầu năm đến nay, nhiều hoạt động kinh tế của Thành phố đã khôi phục trở lại, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Đặc biệt, qua đại dịch Covid-19 đã cho thấy số hóa trong hoạt động của DN và trong đời sống của người dân ngày càng trở nên cần thiết hơn. Hiện nay, kinh tế số đang lan tỏa rất nhanh và có hiệu quả nhưng sự hiểu biết về kinh tế số của các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa vẫn còn nhiều hạn chế; nhận thức, hiểu biết về kinh tế số chưa được đồng bộ.
Đặt trọng tâm là vấn đề kinh tế và chuyển đổi số, Diễn đàn nhằm mục tiêu triển khai hiệu quả Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; triển khai Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 3/6/2020 về “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 3/7/2020 về phê duyệt chương trình Chuyển đổi số của thành phố Hồ Chí Minh, trong đó tập trung vào kinh tế số.
| Giá vàng hôm nay 15/4 lại bước vào một "thử nghiệm mới"? khi lạm phát nóng hơn dự kiến khiến nhu cầu tài sản an ... |
| Xung đột Nga-Ukraine: Khủng hoảng thiếu dầu ăn nguy hiểm như thiếu dầu mỏ Không chỉ dầu mỏ và khí đốt, khi thế giới thiếu dầu ăn (dầu hướng dương) thì hiệu ứng domino tăng giá cũng nguy hiểm ... |