📞

Diễn đàn mô phỏng nghị viện trẻ Việt Nam về y tế

11:46 | 07/01/2019
Dự án Diễn đàn Mô phỏng nghị viện trẻ Việt Nam (Viet Nam Youth Parliament – VNYP) vừa tổ chức thành công buổi tọa đàm “Cải thiện và nâng cao nguồn nhân lực cho hệ thống y tế cơ sở (YTCS) ở Việt Nam” tại Hà Nội.

Tọa đàm có sự tham gia của các nghị sĩ trẻ, đặc biệt là 3 vị diễn giả: ThS. BS. Nguyễn Trọng An - Nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), ThS. BS. Phạm Thanh Tùng - Giảng viên Đại học Y Hà Nội, Tốt nghiệp Thạc sĩ Đại học Johns Hopkins Bloomberg School of Public Health, Mỹ  và ThS. Nguyễn Phương Lan - Chuyên ngành chính sách và quản lý y tế, Đại học Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan School of Public Health.

Nghị sĩ trẻ Ủy ban Y tế trình bày đề xuất cải thiện nhân lực cho hệ thống Y TCS của Việt Nam. (Nguồn: BTC)

Nội dung chính của tọa đàm là chủ đề Cải thiện và nâng cao nguồn nhân lực cho hệ thống YTCS ở Việt Nam. Chính sách cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống YTCS gồm 5 nội dung chính: Xây dựng lộ trình đào tạo y khoa phù hợp để phát triển YTCS; Chuẩn hóa  chất lượng nguồn nhân lực YTCS; Xây dựng đề án làm việc tại y tế tuyến cơ sở cho sinh viên Y khoa sau khi tốt nghiệp;  Chế độ đãi ngộ phù hợp cho nhân viên y tế làm việc tại y tế tuyến cơ sở; Phân bổ nguồn nhân lực hợp lí cho YTCS.

Đề án được thực hiện trong vòng 5 năm, đánh giá qua 3 tiêu chí: tính hiệu quả, tính hiệu suất và tính công bằng.

Đánh giá cao sự quan tâm tìm hiểu của các nghị sĩ trẻ tới một vấn đề lớn như hệ thống y tế cơ sở, Bác sĩ Trần Trọng An cũng đưa ra một số góp ý cho việc thực thi chính sách.  Theo bác sĩ, trong Tuyên ngôn Alma-Ata ra đời năm 1978 hay gần đây nhất là Tuyên ngôn Astana về Chăm sóc sức khỏe ban đầu có cam kết thứ 6: Trao quyền cho gia đình, cộng đồng và các tổ chức xã hội dân sự thực hiện chính sách y tế.

Do đó, không chỉ các bệnh viên công mà các phòng khám tư cũng có thể tham gia vào hệ thống y tế cơ sở. Trên thực tế, các phòng khám tư đã góp công rất lớn trong việc phát triển hệ thống y tế cơ sở ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, điều này chưa được chú ý đúng mức trong đề xuất của Ủy ban Y tế.

Thạc sĩ Nguyễn Phương Lan cũng cho biết: “Vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo chất lượng đội ngũ y tế ở hai khu vực công và tư giống nhau. Khối y tế tư phát triển sẽ đóng góp rất nhiều và trở thành 1 trong 3 chân kiềng chắc chắn của hệ thống y tế”.

Tuy nhiên, chỉ ra vai trò của hệ thống y tế nhà nước, bác sĩ Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh: “Còn ở khu vực biên giới, vùng sâu vùng xa, nơi mà nguồn thu không lớn, các cơ sở tư nhân không thể đầu tư được thì đó là nơi cần sự hỗ trợ, điều tiết từ nhà nước”.

Bác sĩ Trần Trọng An với tâm huyết đào tạo đội ngũ bác sĩ cộng đồng tại trường đại học. (Nguồn: BTC)

Trong Tọa đàm, các nghị sĩ trẻ cũng tranh luận về kiến nghị buộc các bác sĩ sau thời gian thực tập phải tham gia hệ thống y tế cơ sở trong một thời gian nhất định thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Theo ý kiến từ Ủy ban Kinh tế, công việc ở hệ thống y tế cơ sở không nhiều, các bác sĩ sẽ không có nhiều điều kiện để thực hành và trau dồi kiến thức. Chưa kể, ở hệ thống y tế cơ sở hiện tại, nhân lực cũng đã có nhiều nhưng ít việc làm.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Trần Trọng An cho biết điều tiên quyết là phải thay đổi cách thức đào tạo trong các trường Đại học. Muốn y tế cơ sở phát triển, phải đào tạo đội ngũ bác sĩ cộng đồng đủ mạnh. Bác sĩ cộng đồng được đào tạo để làm ở các trạm y tế tuyến cơ sở, chứ không phải để làm việc ở các bệnh viện.

Từ những đóng góp của các diễn giả, các nghị sĩ trẻ sẽ điều chỉnh kiến nghị để hoàn thiện đề xuất và đưa ra tại “Phiên họp toàn thế” vào tháng 1 tới đây của VNYP.

Dự án VNYP được tổ chức bởi nhóm VNYP và Trung tâm Sống và học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) với mục đích nâng cao nhận thức, vai trò, và năng lực của thế hệ trẻ Việt Nam trong quy trình hoạch định chính sách. Thông qua chương trình, ngày các nhiều các bạn trẻ có cơ hội học hỏi, tham gia nghiên cứu và cất lên tiếng nói của mình với các vấn đề chung của đất nước.