TIN LIÊN QUAN | |
Hà Nội "chiêu hiền đãi sĩ" | |
Hà Nội tuyên dương 112 thủ khoa xuất sắc năm 2011 |
Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, Lại Thành Minh sớm được bồi dưỡng khả năng cảm thụ và có một cái nhìn sâu sắc về nghệ thuật. Với nỗ lực của mình, năm 2011, em trở thành thủ khoa đầu vào của Đại học Mỹ thuật Việt Nam với 36 điểm. Trong kỳ thi tốt nghiệp đại học vừa qua, với số điểm trung bình đạt 9,49 (khóa luận 9,82 và đồ án 9,22), Lại Thành Minh tiếp tục trở thành thủ khoa đầu ra của trường.
Cô thủ khoa chia sẻ rằng bản thân đã rất bị áp lực. Để có được đồ án tốt nghiệp đạt 9,22 điểm, em đã thay đổi 2 lần đề tài với 3 hướng làm khác nhau. Khi được đánh giá tốt, nhận được điểm đồ án đạt điểm cao nhất, Minh hạnh phúc vì đã vượt qua được chính mình.
Cô thủ khoa Lại Thành Minh và mẹ. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Điều đáng nói, dù học và yêu thích ngành thiết kế đồ họa nhưng cô gái này vẫn có thêm niềm đam mê khác – nghề thiết kế thời trang.
Chuyến đi đầy trải nghiệm
Trong hành trang của mình, với Minh, chuyến đi tới Nhật Bản tham gia chương trình Giao lưu văn hóa Jenesys 2.0, dành cho sinh viên khối ngành nghệ thuật, văn hóa các nước Đông Nam Á (2013) là một chuyến đi ấn tượng.
“Em thực sự ấn tượng với sự quy củ, tử tế, văn minh của người Nhật. Lịch trình của họ được chuẩn bị rất chi tiết, thời gian ghi kỹ đến từng phút và khi thực hiện thì vô cùng chuẩn. Sự tương tác về công việc của họ thì như những mắt xích kết nối với nhau vậy. Bản thân mỗi cá nhân đều có trách nhiệm và cùng nghĩ đến tổng thể chung. Em rất đề cao cách họ gìn giữ, duy trì và quảng bá nền văn hóa của đất nước. Họ mô phỏng điều gì cũng rất sát với thực tế, để người xem hiểu một cách chân thật nhất văn hóa của Nhật Bản” – Thành Minh hào hứng kể.
Minh và những người bạn trong chuyến giao lưu văn hóa tại Nhật Bản. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Cũng trong chuyến giao lưu này, được chứng kiến sự nổi bật của trang phục áo dài truyền thống nước mình, Minh cảm thấy rất tự hào. Minh chia sẻ: “Áo dài trắng của đất nước mình đẹp không thua gì của các nước bạn. Đa số trang phục dân tộc của nước bạn đều được thêu, đính chi tiết trang trí cầu kỳ. Vậy nên sự đơn giản, nhẹ nhàng, thanh thoát của áo dài mình với màu trắng lại trở nên vô cùng tinh tế và có sức hút riêng khiến bạn bè các nước đều trầm trồ”.
Minh kể rằng, cùng ăn, cùng ở, cùng tham gia các hoạt động, cô đã học được rất nhiều điều. Em tâm sự: “Em nhận ra là đôi khi không cần chung một nền văn hóa, chung một ngôn ngữ, nhưng với những cảm nhận chân thành từ trái tim, thì con người ở khắp nơi trên thế giới vẫn có thể xích lại gần nhau được”.
Bức tranh “mất cân bằng dân số”
Khi được hỏi về bức tranh cổ động đạt giải 3 trong cuộc thi sáng tác tranh cổ động toàn quốc về đề tài "mất cân bằng dân số" (năm 2012), dù đã 4 năm trôi qua nhưng Minh vẫn tỏ ra khá hào hứng.
Minh cho rằng nhu cầu lựa chọn giới tính khi sinh vẫn tồn tại khá phổ biến trong nhiều gia đình ở Việt Nam. Cô thủ khoa bày tỏ quan điểm: “Em nghĩ dù là con gái hay con trai cũng cần được coi trọng và được đối xử công bằng như nhau. Tuy nhiên, nhiều người vẫn duy trì xu hướng chuộng con trai hơn nên sinh ra sự chênh lệch giới tính một cách chồng chéo là điều dễ hiểu”.
Bức tranh cổ động với chủ đề "Mất cân bằng giới tính" đạt giải 3 của Minh. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Minh đã lấy cảm hứng từ hình tròn âm dương để biểu hiện cho sự mất cân bằng lựa chọn giới tính khi sinh. Mỗi nửa hình tròn có xếp những biểu tượng minh họa là giới tính nam và nữ. Đặc biệt, số lượng biểu tượng giới tính nam được xếp dày đặc hơn nữ gấp nhiều lần để thể hiện nam đang áp đảo nữ một cách rõ nét. Từ đó dẫn đến ý nghĩa ẩn dụ về sự mất cân bằng âm - dương, nam - nữ trong dân số Việt Nam.
Sự tâm huyết với tranh cổ động của bố trước đây đã truyền cảm hứng cho cô con gái và giải thưởng này Minh muốn dành tặng bố của mình dù ông đã đi xa mãi mãi. Cô thủ khoa tâm sự: “Bố em từng hoạt động trong lĩnh vực tranh cổ động. Em đoạt được giải thưởng này sau khi bố mất khoảng 4 năm. Lúc đó, em đang là sinh viên năm thứ 2. Trước đó, bố cũng không nghĩ rằng em sẽ bước tiếp con đường của ông”.
Nói về cái tên "nam tính" của mình, Lại Thành Minh chia sẻ: “Bố đặt tên cho em nam tính như vậy chỉ vì muốn khẳng định rằng bố mẹ luôn coi trọng em như con trai. Thực sự cái tên ấy vừa là tình yêu, vừa là kỳ vọng của bố mẹ, vừa muốn truyền tải thông điệp chống lại quan niệm trọng nam khinh nữ. Khi mang bầu em, mẹ bảo rằng, thời nào phụ nữ cũng đều phải chịu áp lực về giới tính của con cả. Mẹ em muốn vượt qua những quan niệm lạc hậu ấy và luôn nghĩ con cái là của trời cho. Đó cũng là nguồn cảm hứng để em vẽ bức tranh cổ động này”.
Lại Thành Minh là Thủ khoa vào chuyên ngành thiết kế đồ họa của Đại học Mỹ Thuật Việt Nam (năm 2011); giành Học bổng Thiết kế Đồ họa của FPT dành cho Sinh viên đỗ thủ khoa năm 2011; Học bổng hàng năm của trường dành cho sinh viên đạt điểm tổng kết loại Giỏi; Giải 3 cuộc thi Sáng tác tranh cổ động toàn quốc đề tài “Mất cân bằng dân số”; Top 3 sinh viên tham gia chương trình Giao lưu văn hóa Jenesys 2.0, tổ chức tại Nhật Bản; Thủ khoa và thủ khóa 2016 Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam. |
Hà Nội tuyên dương 100 thủ khoa xuất sắc năm 2016 Đây là năm thứ 14 liên tiếp thành phố Hà Nội tổ chức tuyên dương các thủ khoa xuất sắc các trường Đại học, học ... |
Hà Nội: Tuyên dương 100 thủ khoa xuất sắc Đó những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, học viện với thành tích ấn tượng về học tập, rèn luyện và công tác ... |
Trường THPT Hoằng Hóa 2: Top 100 trường THPT chất lượng nhất Việt Nam Nói đến Thanh Hóa, chắc không ít người biết đến kỷ lục “Thủ khoa Đại học” của các sỹ tử trường làng. Kỳ thi ĐH ... |