Điều gì đang xảy ra với tầng lớp trung lưu Trung Quốc? (Nguồn: China Briefing) |
Lao đao trước thách thức
Trước tình trạng nhu cầu yếu, chậm chạp hậu đại dịch, Kelly Fang và chồng - chủ một doanh nghiệp mỹ phẩm có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông đang cân nhắc đến kế hoạch cắt giảm nhân công lần đầu tiên kể từ khi thành lập. “Chúng tôi đang cảm thấy áp lực tài chính rất lớn vì công việc kinh doanh ngày càng thu hẹp”, cô than thở.
Điều đáng nói, theo Kelly Fang là doanh số bán hàng của năm nay thậm chí còn tồi tệ hơn cả thời điểm năm ngoái, dù Trung Quốc đã dỡ bỏ những hạn chế để phòng dịch. Để đủ trang trải chi phí sinh hoạt, gia đình cô đã phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu không cần thiết.
"Học phí cho con, tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt là hơn 76.000 USD mỗi năm. Mong muốn của tôi trong năm nay là có thể thanh toán tất cả các hóa đơn. Thực tế là số lượng các gia đình mới mắc nợ sẽ tăng nhanh, do thất bại trong đầu tư hoặc do nhu cầu kinh doanh bị thu hẹp”, Kelly Fang dẫn chứng.
Anh họ của Kelly Fang - một kỹ sư cấp cao làm việc tại một công ty viễn thông hàng đầu Trung Quốc cho biết, anh đang rất lo lắng về khả năng bị sa thải trong thời gian tới.
Tin liên quan |
Vật lộn tái cơ cấu nợ hậu phá sản, liệu Evergrande sẽ trở thành Lehman Brothers của Trung Quốc? |
Jade Zeng, chủ sở hữu một căn hộ 3 phòng ngủ rộng 70 mét vuông và 2 căn hộ ở Thâm Quyến, cho biết, rất nhiều bạn bè cô đã vay ngân hàng để đầu tư vào bất động sản, nhưng việc thị trường này tiếp tục gặp khủng hoảng khiến không ít người rơi vào tình cảnh khó khăn, khốn đốn.
Zeng và chồng đang nợ 60.000 NDT (khoảng 8.245 USD) tiền thế chấp hàng tháng, ngoài khoản học phí trường tư cho con trai. “Hàng tháng, chúng tôi gần như không để dư ra được đồng nào”, Zeng nói. Cô cho hay, tổng giá trị tài sản của gia đình đã giảm 1/4 so với thời điểm diễn ra đại dịch năm 2020.
Thời gian vừa qua, Trung Quốc đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về quy mô và tầm ảnh hưởng của tầng lớp trung lưu trong những thập kỷ cải cách và mở cửa. Tuy nhiên, trên thực tế, một số chính sách nhằm vào các doanh nghiệp tư nhân được cho là đã làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. “Điều này có thể đã làm suy yếu sự mở rộng của tầng lớp trung lưu”, Gavin Chiu Sin-hin, cựu giảng viên và là phó giáo sư tại một số trường đại học ở Quảng Đông và Hong Kong, nhận định.
Chuyên gia này cũng cho rằng, dân số già và tỷ lệ sinh ngày càng giảm sút cũng ảnh hưởng đáng kể đến lực lượng lao động và an sinh xã hội của Trung Quốc, tạo thêm “trở ngại” cho việc gia tăng tầng lớp trung lưu. “Sự suy giảm của tầng lớp trung lưu cho thấy, nền kinh tế sẽ khó thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình để trở thành một nước phát triển”, ông nói.
Từ lâu, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới luôn "ám ảnh" về bẫy thu nhập trung bình - một giai đoạn phát triển kinh tế với mức thu nhập trì trệ, ngăn cản một quốc gia gia nhập hàng ngũ các quốc gia giàu có.
Trung Quốc đã đặt mục tiêu đạt mức thu nhập bình quân đầu người của một quốc gia phát triển trung bình vào năm 2035 - GDP bình quân đầu người dự kiến ít nhất là 200.000 USD. Quốc gia Đông Bắc Á này cũng đang trong quá trình chuyển từ thu nhập trung bình sang thu nhập cao khi GDP bình quân đầu người vượt qua mốc 10.000 USD vào năm 2020.
Các chuyên gia kinh tế của cả Mỹ và Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo rằng, dân số già, cùng với áp lực kinh tế đến từ sự căng thẳng của quan hệ Mỹ-Trung Quốc, kéo theo niềm tin của nhà đầu tư tư nhân bị suy giảm, đang tạo ra những trở ngại lớn cho sự gia tăng tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc.
"Đòn giáng mạnh" vào tầng lớp trung lưu
Một quan chức trong ngành lao động của chính phủ Trung Quốc lý giải, chính những tác động từ đại dịch, sự phục hồi ảm đạm của kinh tế toàn cầu đã dẫn đến việc cắt giảm quy mô tuyển dụng trên diện rộng. Điều này đồng nghĩa với tình trạng sẽ có ít việc làm mới ở khu vực thành thị hơn, tầng lớp trung lưu vì thế cũng bị ảnh hưởng.
Theo thống kê, kể từ năm 2017, Trung Quốc có 400 triệu người có mức thu nhập trung bình, tương đương khoảng 28% trong tổng số 1,4 tỷ dân.
Nhóm ngành nghề doanh nhân, nhà quản lý, bác sĩ, luật sư và giáo viên... vốn được coi là động lực chính của nền kinh tế, nhưng lại đang phải đối mặt với những lo lắng mới, điển hình là mức tăng trưởng thu nhập bị chậm lại, thậm chí trở nên trì trệ. Đây cũng là một thách thức cho lộ trình tiến đến sự thịnh vượng của một quốc gia.
Dân số già và tỷ lệ sinh ngày càng giảm sút cũng ảnh hưởng đáng kể đến lực lượng lao động và an sinh xã hội của Trung Quốc, tạo thêm “trở ngại” cho việc gia tăng tầng lớp trung lưu. (Nguồn: AP) |
Thời gian gần đây, các ngành công nghiệp cũng chứng kiến làn sóng giảm lương, sa thải nhân viên trong bối cảnh thị trường chứng khoán và bất động sản trong nước rơi vào bế tắc, ảm đạm khiến người dân phải cân nhắc nhiều hơn khi chi tiêu. Điều này là tín hiệu xấu đối với Bắc Kinh.
Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ khi Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy tầng lớp trung lưu phát triển thì quốc gia châu Á này mới thực sự trở nên hấp dẫn, khiến các nhà đầu tư quốc tế tin rằng chi tiêu tiêu dùng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và dồi dào dư địa cho hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao.
Tình trạng mất việc làm ở các khu vực có thu nhập cao cũng "giáng một đòn mạnh" vào tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc.
Theo tờ 21st Century Business Herald vào tháng Tư,19 trong số 22 công ty môi giới hàng đầu đã chứng kiến mức lương bình quân đầu người giảm rõ rệt trong năm qua. Theo Hiệp hội Môi giới bất động sản Thâm Quyến, số lượng bất động sản được chủ sở hữu rao bán đã tăng vọt ở nhiều thành phố của Trung Quốc, với 52.397 căn được niêm yết trên thị trường thứ cấp Thâm Quyến vào giữa tháng Năm, tăng từ mức 35.000 căn vào cuối tháng Một.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) nhận định, việc 70% tài sản mà các hộ gia đình thành thị nắm giữ - hầu hết thuộc tầng lớp trung lưu - là bất động sản sẽ dẫn đến xu hướng đáng lo ngại.
Yan Chao, 34 tuổi, CEO của một công ty quảng cáo có trụ sở tại Thượng Hải lo ngại rằng, bất kỳ một cuộc khủng hoảng sức khỏe nào giống như đại dịch Covid-19 vừa qua hay những bất ổn địa chính trị trong tương lai chắc chắn sẽ khiến nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề.
“Nếu mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục xấu đi, hoặc nếu xảy ra một trận đại dịch khác hoặc thậm chí là một cuộc chiến tranh bất ngờ, thì chắc chắn tầng lớp trung lưu sẽ bị tổn thương, sự lo lắng ngày càng trở nên tồi tệ hơn”, Yan Chao nói.
Không riêng Trung Quốc, Mỹ cũng đang đau đầu đối mặt với việc tầng lớp trung lưu suy giảm. Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Pew, tầng lớp trung lưu Mỹ đã giảm từ 61% dân số vào năm 1971 xuống còn 50% vào năm ngoái. Cũng theo Pew, những khó khăn tài chính do Covid-19 gây ra đã ảnh hưởng đến hầu hết các gia đình Mỹ có thu nhập thấp và trung bình - khi thu nhập trung bình đã giảm 2,1%. Harry Holzer, Giáo sư tại Trường Chính sách công McCourt tại Đại học Georgetown ở Washington, cho biết: “Tăng trưởng tiền lương ở Mỹ dù tăng trưởng mạnh mẽ nhưng có lẽ không đủ để đưa những người lao động có mức lương thấp trở thành tầng lớp trung lưu. Số lượng tuyển sinh đại học cũng đang giảm, gây bất lợi cho sự phát triển của tầng lớp trung lưu trong tương lai”. Tuy nhiên, tầng lớp trung lưu Mỹ, theo Derek Scissors, học giả thường trú tại Viện nghiên cứu Chính sách công thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, thường khá giả hơn nhiều so với những đối tượng cùng nhóm ở Trung Quốc. “Phần lớn tầng lớp trung lưu Trung Quốc sống ở các thành phố mà ở đó chi phí sinh hoạt không thấp hơn nhiều so với Mỹ”, ông nói. |
'Chiến dịch' phá vây của Nga bị chặn đứng, phi USD hóa tưởng dễ mà khó không tưởng, Moscow có kế sách mới? Nỗ lực phi USD hóa của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không thể diễn ra theo kế hoạch. Hàng tỷ USD lợi nhuận từ ... |
| Nhiều công ty đa quốc gia vẫn đặt niềm tin nơi Trung Quốc Giữa bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trì trệ, nhiều công ty đa quốc gia - đặc biệt là nhóm thuộc lĩnh vực tiêu ... |
| Nền kinh tế trước áp lực giảm tốc, Trung Quốc vẫn ‘đủng đỉnh’ không đi đâu mà vội, đây là lý do Hiện nay, lối suy nghĩ và phong cách chính sách đã thay đổi của các nhà hoạch định chính sách hàng đầu Trung Quốc giúp ... |
| Vật lộn tái cơ cấu nợ hậu phá sản, liệu Evergrande sẽ trở thành Lehman Brothers của Trung Quốc? Với việc tập đoàn bất động sản lớn của Trung Quốc là Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản đã tác động mạnh đến ... |
| Loay hoay tìm cách tách rời Trung Quốc, Mỹ vẫn gặp 'khó chồng khó' Nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm cắt đứt các liên kết kinh tế với Trung Quốc đang gặp khó khăn ... |