Theo đó, ông Surin Pitsuwan nhận thấy sự bất bình đẳng và việc phụ thuộc vào ngoại thương là những yếu tố dễ gây tổn hại đến ASEAN.
Thế giới đang phải chứng kiến làn sóng phản đối toàn cầu hoá mạnh mẽ và hàng loạt thất bại của các thỏa thuận đa phương ở phương Tây. Điều này chắc chắn làm ảnh hưởng xấu đến hướng đi cởi mở và hội nhập của ASEAN. Thậm chí trước khi những biến động toàn cầu này xảy ra, chính sự ngần ngại đã tạo nên rào cản với việc hội nhập sâu rộng của ASEAN.
Cựu Tổng thư ký Pitsuwan chia sẻ rằng ASEAN đã loại bỏ thuế quan, nhưng lại tạo thêm các rào cản phi thuế quan khác. Vì vậy, ASEAN cần phải hội nhập, gắn kết, tập trung hơn vào chủ nghĩa đa phương, cũng như trao đổi thương mại và đầu tư nhiều hơn vào các nước nội khối. Hiện tại, 75% thương mại của khu vực này là với các nước ngoại khối.
Cựu Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan. (Nguồn: The Globe and Mail) |
Sự phụ thuộc kinh tế vào bên ngoài đã làm các nước thành viên quên đi rằng ASEAN muốn trung lập và đứng vững trên đôi chân mình. ASEAN bị vướng vào các lực lượng địa chính trị kể từ giữa những năm 1990. Sự tăng trưởng của khu vực đã bị cuốn theo sự bùng nổ thị trường của các nước đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc.
Sự đa dạng về nền kinh tế khiến ASEAN dễ bị tổn thương trước các áp lực từ bên ngoài. Chính vì vậy, ASEAN cần phải tìm ra các biện pháp cải thiện bất bình đẳng nội khối và đưa các nền kinh tế thành viên lên một bậc thang mới trong phát triển kinh tế.
Trong tuyên bố đầu tiên năm 1967, ASEAN đại diện cho ý chí tập thể của dân tộc Đông Nam Á. Nhưng hiện nay, những bước đi đột phá là điều rất cần thiết. Ông Pitsuwan cho rằng tất cả nước thành viên cần cải cách cơ chế quản lý nhằm giải quyết sự bất bình đẳng xã hội và thúc đẩy phát triển hoà nhập. Cần phải chứng tỏ cho thế giới rằng ASEAN có đủ biện pháp và phương tiện để tự xác định tương lai của chính mình.