Theo ông Morten B. Pedersen, Giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học UNSW Canberra (Australia), cuộc đảo chính ở Myanmar lần này có sự khác biệt lớn với sự kiện cách đây 33 năm về các khía cạnh hình thức, tương quan lực lượng, sự hội nhập và mức độ phản ứng quốc tế.
Dòng người biểu tình phản đối lực lượng an ninh Myanmar. (Nguồn: Getty) |
Về hình thức, cuộc đảo chính năm 2021 không hướng đến việc thay đổi hệ thống chính trị như năm 1988 mà chỉ thay đổi chính phủ.
Quân đội Myanmar (Tatmadaw), những người đứng đầu phe đảo chính đã cẩn thận xác định việc tiếp quản theo khuôn khổ Hiến pháp năm 2008 của nước này và đảm bảo với tất cả rằng sẽ trao trả quyền lực cho chính phủ sau cuộc bầu cử mới.
Hiến pháp Myanmar đề cập việc chuyển giao cho chính phủ dân sự sẽ từ 2 đến 3 năm tùy thuộc vào quá trình.
Nguyên nhân dẫn đến cuộc đảo chính lần này được cho là sự bất đồng quan điểm của giới quân đội với bà Aung San Suu Kyi về hệ thống chính trị chia sẻ quyền lực bán dân chủ ở Myanmar được thiết lập vào năm 2011. Giới quân đội hi vọng sẽ tiếp tục gìn giữ hệ thống chia sẻ quyền lực nhưng bà Aung San Suu Kyi lại muốn cải cách.
Tương quan lực lượng giữa quân đội và chính phủ Myanmar cho thấy sự chia rẽ sâu sắc về phương hướng, đường lối và tư tưởng chính trị giữa hai bên.
Với quân đội, những người đứng đầu phe đảo chính được sự ủng hộ nhiệt thành của các chức sắc Phật giáo, những người theo dân tộc chủ nghĩa và các tổ chức về xã hội, sắc tộc. Quân đội Myanmar đã xây dựng hình ảnh như một người bảo an, phục vụ khối thống nhất quốc gia thay vì lãnh đạo Myanmar.
Trong khi đó, chính phủ Myanmar dưới sự lãnh đạo của Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) lại được sự ủng hộ của các đảng cấp tiến, doanh nghiệp và các nhóm xã hội khác nhau, đặc biệt là giới trẻ. Vì được sự ủng hộ của nhiều thành phần xã hội, đảng NLD rất khó kết nối thành một khối liên minh nhưng lại có thể tạo ra một đối trọng lớn với quân đội.
Về hội nhập quốc tế, Myanmar đã hội nhập sâu rộng hơn 30 năm trước, trong đó các quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh quốc tế đã được tăng cường và đa dạng hóa.
Điều đó thể hiện qua tư tưởng của Tatmadaw ngày nay ít bị cô lập và phiến diện hơn 30 năm trước.
Tư tưởng của Tatmadaw từ những năm 1960 đến 1980 chủ yếu chống lại những “tệ nạn” của dân chủ. Nhưng đến nay, họ đã được giáo dục thêm để thiết lập và bảo vệ “hệ thống dân chủ đa đảng có kỷ luật” được ghi rõ trong hiến pháp. Ngoài ra, quân đội cũng đã cởi mở hơn với thế giới bên ngoài rất nhiều khi được tiếp cận với các tiêu chuẩn, kinh nghiệm và quan điểm quốc tế.
Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, Thượng tướng Min Aung Hlaing là người sống kín tiếng nhưng rất thoải mái trong việc ngoại giao với quan chức nước ngoài và tiếp xúc với công nghệ thông tin. Điều đó cho thấy sự hội nhập của Myanmar trong 30 năm qua đã tác động lớn đến tư duy hội nhập của giới quân đội.
Ngoài ra, sự hiện diện của các cơ quan đại diện nước ngoài, tập đoàn xuyên quốc gia và các tổ chức quốc tế ở Myanmar, cùng với sự lên án cuộc đảo chính của cộng đồng quốc tế đang tạo những áp lực lớn tới cả quân đội nói riêng và Myanmar nói chung.
Theo ông Pedersen, vẫn còn quá sớm để đề cập đến cuộc đảo chính và những phản ứng quốc tế sẽ có những tác động như nào. Thế nhưng, rất có thể, những tiến bộ đạt được trong hơn 30 năm qua sẽ "đổ sông, đổ bể" nếu Myanmar bị tái cô lập và nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo hoàn toàn có thể xảy ra.
Vì vậy, cộng đồng quốc tế cần có những can thiệp cụ thể và tích cực để sớm giúp Myanmar đạt được giải pháp chính trị toàn diện để quốc gia này sớm ổn định trở lại và tiếp tục có những sự phát triển tích cực.