📞

Điều gì sẽ xảy ra khi 'lục địa' và 'đại dương' đổi chỗ cho nhau?

08:44 | 07/09/2019
Khi toàn bộ lục địa biến thành nước và điều ngược lại xảy ra với đại dương, sông ngòi… con người sẽ không còn lo chuyện thiếu đất ở nhưng liệu cuộc sống trên Trái Đất “phiên bản mới” này có tốt đẹp hơn?
Liệu cuộc sống trên Trái Đất “phiên bản mới” này có tốt đẹp hơn? (Nguồn: Dân trí)

71% bề mặt của Trái Đất được bao phủ bởi nước và chỉ có 29% còn là là đất liền. Trước thực trạng dân số thế giới bùng nổ, có vẻ như con số “29%” là quá ít ỏi so với nhu cầu về chỗ ở của hơn 7,5 tỷ dân và còn đang tăng lên từng ngày với tốc độ chóng mặt.

Vậy hãy thử đặt ra một giả thiết rằng, bằng một cách nào đó chúng ta có thể hoán đổi vị trí của đất và nước, nghĩa là toàn bộ diện tích nước mặt, điển hình là 5 đại dương trở thành đất liền và ngược lại, 5 lục địa lại trở thành sông ngòi, biển cả, liệu cuộc sống của con người có trở nên tốt đẹp hơn, khi đã làm tăng hơn gấp đôi diện tích đất hiện có?

Dưới đây, là những viễn cảnh có thể xảy ra sau sự biến đổi này, theo dự đoán của các chuyên gia để bạn có thể tự trả lời cho câu hỏi trên:

Nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng lên nhanh chóng

Nước có thể hấp thụ và phân tán nhiệt một cách nhanh chóng so với đất liền. Do đó có thể nói các đại dương, ở thời điểm hiện tại, đang đóng một phần rất quan trọng, trong việc làm mát Trái Đất. Chính vì vậy, khi đất và nước bị thế chỗ cho nhau, nhiệt độ của hành tinh sẽ bị tăng lên một cách nhanh chóng, bởi lúc này diện tích nước mặt đã giảm đi hơn một nửa.

Lượng Oxy trong khí quyển sẽ bị suy giảm

Trên thực tế, các loài sinh vật dưới nước có khả năng quang hợp đang đóng góp đến 70% lượng Oxy trong bầu khí quyển. Bên cạnh đó, nước còn đóng vai trò một chiếc bể hấp thụ lượng CO2, do chúng ta phát thải. Vì vậy, khi lượng nước của Trái Đất đã bị giảm đi (do đổi chỗ với đất liền), hàm lượng oxy trong khí quyển sẽ bị sụt giảm đáng kể, cùng với đó là sự tăng lên của khí nhà kính CO2, làm trầm trọng thêm tình trạng ấm lên toàn cầu.

Khi lượng nước của Trái Đất đã bị giảm đi (do đổi chỗ với đất liền), hàm lượng oxy trong khí quyển sẽ bị sụt giảm đáng kể. (Nguồn: Dân trí)

Hệ sinh vật của Trái Đất sẽ biến đổi rõ rệt

Nhiệt độ Trái Đất, hàm lượng CO2 tăng lên, lượng Oxy sụt giảm cũng đồng nghĩa với việc cuộc sống của các loài sinh vật trên Trái Đất sẽ trở nên khắc nghiệt hơn. Dưới áp lực này, nhiều loài nhạy cảm, sức chống chịu kém sẽ nhanh chóng bị tuyệt chủng, những loài còn sót lại cũng sẽ có những biến đổi về cơ thể, tập tính xuyên suốt nhiều thế hệ, để thích ứng với điều kiện môi trường mới. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nhận định rằng, với kiểu khí hậu này, các loài động vật máu lạnh (biến nhiệt) sẽ thích nghi tốt hơn hẳn các loài động vật máu nóng (hằng nhiệt), trong đó có loài người.

Vận tải đường bộ lên ngôi

Với sự tăng lên đáng kể của diện tích đất liền, các lục địa sẽ không bị chia cắt, cô lập với nhau, bởi đại dương như trên Trái Đất phiên bản cũ. Do đó, hệ thống giao thông đường bộ sẽ gặp rất nhiều thuận lợi, trong khi giao thông đường thủy lại đối mặt với nhiều trở ngại.

Thiếu nước trở thành vấn nạn toàn cầu

Nước là nguồn tài nguyên quan trọng đối với mọi quốc gia. Với sự giảm đi đáng kể của diện tích nước mặt, vòng tuần hoàn của nước sẽ bị xáo trộn lớn, dẫn đến việc lượng mưa của Trái Đất bị giảm rõ rệt. Trong trường hợp này, nhiều khu vực sẽ phải đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Và có lẽ nước sẽ là thứ thay thế dầu mỏ để trở thành nguyên nhân của nhiều vụ xung đột trên thế giới.

(theo Dân trí)