📞

Điều ít biết về bản dịch tiếng Phần Lan 'Nhật ký trong tù' của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Quế Hoa 15:16 | 18/12/2020
TGVN. Với việc có thêm bản dịch tiếng Phần Lan, 'Nhật ký trong tù' của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay đã được dịch ra ít nhất 33 ngôn ngữ nước ngoài.

Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài. Nhưng cho đến nay, số lượng ngôn ngữ và bản dịch tác phẩm này vẫn là vấn đề chưa có câu trả lời thống nhất.

Trong một bài viết công bố năm 2015, tác giả Đỗ Hồng Công cho biết: “Nhật ký trong tù đã được dịch ra 11 thứ tiếng trên thế giới: Nga, Mông Cổ, Ba Lan, Anh, Pháp, Hungary, Quốc tế ngữ, Đan Mạch, Tiệp, Nam Tư, Đức”. Nhưng trong một bài viết vào năm 2013, dịch giả Thúy Toàn, đã dẫn ra một danh sách với 31 ngôn ngữ.

Bìa sách 'Nhật ký trong tù' đã được dịch ra tiếng Phần Lan. (Ảnh: Quế Hoa)

Năm 2015, một bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng Albania chưa có trong danh sách của hai bài viết trên đã được ra mắt tại Hà Nội.

Như vậy, số liệu các ngôn ngữ và bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài (không kể tiếng Hán và tiếng Việt) vẫn ở tình trạng mà dịch giả Thúy Toàn nói đến: “Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như số nơi mà tác phẩm của Người được xuất bản, cho đến nay còn chưa được tìm hiểu đầy đủ, chính xác”.

‘Nhật ký trong tù’ bằng tiếng Phần Lan

Ngoài tiếng Albania, trong các nguồn dẫn ra ở trên, cũng chưa thấy nói đến một bản dịch Nhật ký trong tù bằng ngôn ngữ khác là tiếng Phần Lan có tên Ho Tsi Minh: Poliittisen vangin runot. Đây là bản dịch đã ra đời lần đầu tiên cách đây hơn nửa thế kỷ (1969), đúng vào năm Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời và đã được tái bản 2 lần vào năm 1970 nhưng chưa được biết đến. Ho Tsi Minh: Poliittisen vangin runot do nhà thơ Pentti Saarikoski (1937-1983) dịch từ bản dịch tiếng Anh The Prison Diary của Aileen Palmer, nhà xuất bản Tammi xuất bản ở Helsinki.

Ho Tsi Minh: Poliittisen vangin runot gồm 107 trang, khổ 11,5 x 19cm với 101 bài thơ, mỗi bài in riêng trên một trang. Đối chiếu với bản nguồn tiếng Anh của Aileen Palmer, bản dịch tiếng Phần Lan thiếu bài Word-Play (Chơi chữ), không có 1 trang chữ Hán bài này và không có chữ Hán trang Fac-simile of President HO CHI MINH’s autograph.

Ngoài ra, bản dịch này cũng không có lời giới thiệu và 4 chú thích như trong bản tiếng Anh. Tất cả các bài thơ đều được Saarikoski dịch sang thơ tiếng Phần Lan theo thể tự do và chuyển tải trung thành nội dung của bản dịch tiếng Anh.

Người biết tiếng Phần Lan dù không am hiểu nhiều về thơ Phần Lan, song từng đọc và thuộc một số bài thơ trong Nhật ký trong tù bằng tiếng Việt đều có thể hiểu nội dung và nhận ra các bài thơ tiếng Phần Lan trong bản dịch này.

Pentti Saarikoski (1937-1983) là một trong những nhà thơ nổi tiếng và quan trọng nhất của Phần Lan vào thập kỷ 60-80 của thế kỷ trước, Mặc dù mất sớm (khi mới 45 tuổi), nhưng ông đã để lại một di sản văn học vô cùng đồ sộ, với 70 tác phẩm (thơ, ký, kịch bản sân khấu, truyền hình) và 65 tác phẩm dịch các loại.

Saarikoski đã được nhận 13 giải thưởng các loại về văn học, trong đó có 6 giải thưởng nhà nước. Đáng chú ý, chỉ một năm sau khi Nhật ký trong tù bằng tiếng Phần Lan được xuất bản, ông đã được nhận giải thưởng nhà nước Phần Lan về dịch thuật năm 1970 cùng với năm tác phẩm dịch khác của mình.

Bản dịch Phần Lan và dòng sách “Huutomerkki!”

Trong trang đầu và cuối bìa 4 của bản dịch Ho Tsi Minh: Poliittisen vangin runot, dịch giả Saarikoski viết: “Tôi dịch những bài thơ này trong thời gian ngừng bắn khi nhân dân Việt Nam tiếc thương vĩnh biệt người giải phóng và vị lãnh tụ của họ. Tôi dịch chúng vì chúng là những bài thơ hay. Bởi vì tôi ngưỡng mộ cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh. Cuộc đấu tranh dũng cảm, kiên cường của ông cho tự do của nhân dân, một cuộc đấu tranh mà dân tộc sẽ chiến thắng. Ông đã đem đến cho người dân sự tự tin. Ông đã đem đến cho họ những lời khuyên”.

Những lời trên đây đã nói lên sự kính trọng của nhà thơ Pentti Saarikoski đối với cuộc đời và sự nghiệp cũng như giá trị nội dung của tác phẩm Nhật ký trong tù và lý do khiến ông dịch sang tiếng Phần Lan.

Ngoài ra, còn một lý do khác giải thích cho sự ra đời của bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng Phần Lan là không khí chính trị xã hội ở Phần Lan vào cuối thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước và dòng sách “Huutomerkki” (Dấu chấm than!).

Đây là thời gian mà phong trào chống chiến tranh, ủng hộ hòa bình trên thế giới dâng cao và lan rộng ở Phần Lan dẫn đến sự ra đời của loạt sách về những vấn đề chính trị, xã hội mang tính thời sự, được dư luận quan tâm gọi là “Huutomerkki” do Tammi xuất bản trong khoảng thời gian 1968–1983.

Nhà thơ Pentti Saarikoski. (Ảnh; Quế Hoa)

Về Việt Nam, ngoài Ho Tsi Minh: Poliittisen vangin runot (xuất bản năm 1969, tái bản 2 lần năm 1970), trong dòng sách này còn có Näin toimivat Vietnamin sissit (Hoạt động của du kích Việt Nam) của Mauno Sissonen, xuất bản năm 1972 và Kotirintama riisivainiolla (Hậu phương trên cánh đồng lúa) của Johan von Bonsdorffin, xuất bản năm 1975.

Đáng chú ý, với sự xuất hiện của Ho Tsi Minh: Poliittisen vangin runot, mà một số bài hát trong album Elämme Vietnamin aikaa (Chúng ta sống trong thời đại Việt Nam) ra đời vào năm 1973, những lời ca cách mạng của bài thơ Trời hửng trong Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh đã vang lên trong các cuộc mít tinh, biểu tình ủng hộ Việt Nam của người Phần Lan.

Ho Tsi Minh: Poliittisen vangin runot không chỉ là cuốn sách đầu tiên được dịch ra tiếng Phần Lan mà có lẽ còn là tác phẩm văn học Việt Nam được tái bản nhiều lần nhất (3 lần) ở Phần Lan cho đến nay.

Như vậy, với việc có thêm bản dịch tiếng Phần Lan và tiếng Albania cho đến nay Nhật ký trong tù đã được dịch ra ít nhất 33 ngôn ngữ nước ngoài.