Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee. (Nguồn: Yonhap) |
Tuyên bố sẽ ra tranh cử chức Tổng Giám đốc WTO, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên và người Hàn Quốc thứ 3 trong lịch sử tuyên bố chạy đua vào vị trí này.
Các cựu Bộ trưởng Thương mại Kim Chul-su và Bark Tae-ho đã lần lượt tranh cử năm 1994 và 2012 nhưng không thành công. Nếu được chọn, bà Yoo Myung-hee sẽ là nữ Tổng Giám đốc đầu tiên trong lịch sử tổ chức thương mại đa phương lớn nhất toàn cầu.
Nhà đàm phán xuất sắc
Bà Yoo Myung-hee - một nhà đàm phán kỳ cựu trong lĩnh vực thương mại được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc tháng 2/2018 và trở thành nữ Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc đầu tiên kể từ khi cơ quan này được thành lập vào năm 1948.
Bà quản lý gần 1.300 nhân viên, trong đó 30% là nữ. Bà nói thành thạo tiếng Anh và từng đảm nhiệm chức vụ phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống cho các phóng viên nước ngoài.
Ông Kim Eui-kyeom, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc nhận xét, bà Yoo Myung-hee là người có khả năng giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại với tư duy lãnh đạo mạnh mẽ, có khả năng kiểm soát tới từng chi tiết dựa trên kinh nghiệm dày dặn từ các vị trí mà bà đã kinh qua trong Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc suốt hơn 20 năm qua.
Bà đã chinh phục những cuộc đàm phán vô cùng khó khăn, nổi bật nhất là các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ và Nhật Bản thời gian gần đây.
Là nữ Bộ trưởng Thương mại đầu tiên của Hàn Quốc, bà Yoo Myung-hee là một người đổi mới, nhà đàm phán, chiến lược gia và người tiên phong trong suốt 25 năm làm việc trong lĩnh vực thương mại.
Bà đã cống hiến sự nghiệp của mình để phát triển trong lĩnh vực thương mại đa phương từ những ngày đầu của năm 1995. Khi đó, bà phụ trách các vấn đề của WTO trong Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng thông qua vai trò là chiến lược gia FTA chủ chốt của Hàn Quốc.
Gần đây, bà là nhà đàm phán tại Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), FTA Hàn Quốc-Trung Quốc và đàm phán lại FTA Hàn Quốc-Hoa Kỳ (KORUS) trong số các sáng kiến thương mại khác.
Bà đã thiết lập lại định hướng chính sách thương mại của Hàn Quốc để ứng phó với những thay đổi trong môi trường thương mại quốc tế do Covid-19 gây ra.
Trong "Chính sách Thương mại thời hậu Covid-19" tháng 6/2020, bà nhấn mạnh đến hợp tác quốc tế và thiết lập quy tắc riêng trước sự tiến bộ của nền kinh tế kỹ thuật số. Bên cạnh đó là tầm quan trọng của việc giúp các doanh nghiệp thích ứng với những thay đổi trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Quyết tâm cải cách mạnh mẽ WTO
Với tầm nhìn và hiểu biết sâu sắc tới từng chi tiết các lĩnh vực khác nhau của thỏa thuận thương mại, bà đã phát triển như một chất xúc tác hòa hợp các quan điểm đa dạng của các bên đàm phán nhằm đạt được giải pháp thương mại lâu dài.
Qua các năm, trong thiết lập đàm phán WTO và FTA, với Ban Thư ký APEC (từ 2010 đến 2014) và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Trung Quốc (từ năm 2007 đến năm 2010), bà đã làm việc với các quốc gia trải qua mọi giai đoạn của phát triển.
Bà hiểu các thành viên WTO phải đối mặt với nhiều loại áp lực và nhu cầu chính trị trong nước. Bà có niềm tin vững chắc rằng hệ thống đa phương cần phải làm việc cho tất cả mọi người.
Bà Yoo Myung-hee chia sẻ, nếu trúng cử vị trí người đứng đầu WTO, bà sẽ nỗ lực hết sức trong vai trò là trung tâm hòa giải, nhằm giải quyết các tranh cãi thương mại hiện nay giữa các thành viên.
"Tôi sẽ cam kết khôi phục hệ thống WTO hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi được thành lập. Hàn Quốc có khả năng đóng vai trò cầu nối, dựa trên kinh nghiệm tăng trưởng thông qua thương mại", bà phát biểu trong một cuộc họp báo.
Theo bà Yoo Myung-hee, đầu tiên, WTO cần phải tiếp tục cải tiến và trở nên phù hợp hơn với thực tiễn kinh tế luôn thay đổi trong thế kỷ XXI. Chức năng đàm phán cần phải phục hồi để mang lại nhiều cập nhật cần thiết với sách quy tắc, trong đó trợ cấp nghề cá và thương mại điện tử cần ở đầu danh sách. Một ưu tiên khác là cần phải phục hồi chức năng hiệu quả của cơ chế giải quyết tranh chấp.
Tiếp theo, WTO cần phải xây dựng dựa trên kinh nghiệm và chuyên môn để đạt mục tiêu bền vững và toàn diện để có thể kiên cường và đóng vai trò nhà tiên phong trong thương mại mở trong vòng 25 năm tới và hơn nữa.
Ngoài ra, tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này cần tăng cường cơ chế giải quyết các nhu cầu và mối quan tâm tương ứng của các nước đang phát triển để họ có thể hòa nhập hoàn toàn vào hệ thống thương mại toàn cầu.
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, WTO cần phải nhanh nhạy hơn nữa với thách thức và bối cảnh toàn cầu, vì lợi ích của tất cả các thành viên.
Một phần trong nhiệm vụ của WTO là duy trì sự ổn định và khả năng dự đoán của hệ thống thương mại đa phương và đóng góp vào nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Ưu tiên trước mắt là điều phối nỗ lực các thành viên nhằm tạo thuận lợi thương mại hàng hóa và các dịch vụ thiết yếu cũng như hỗ trợ sự phục hồi kịp thời trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay.