Sáng 28/7, dưới thời tiết oi ả của thủ đô Rome, hàng chục người dân Italy chen chúc trước cổng Hạ viện Quốc hội, giơ cao biểu ngữ “Đừng chạm vào con chúng tôi!”. Họ hét to chỉ trích các nhà lập pháp đi ngang qua. Tuy nhiên, những nỗ lực không biết mệt mỏi của đoàn người biểu tình không thể thay đổi quyết định phê chuẩn Dự luật tiêm phòng vaccine bắt buộc cho trẻ em dưới 16 tuổi của Quốc hội Italy sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8.
Tiêm phòng Vaccine cần được phổ cập rộng rãi hơn trên thế giới. (Nguồn: Getty Images). |
Có lẽ, chưa bao giờ trong lịch sử phát triển của vaccine, vai trò của tiêm phòng lại bị nghi vấn nhiều như hiện nay. Bất chấp những thành tựu vượt bậc mà các loại thuốc mang lại trong việc ngăn chặn sự bùng phát của nhiều dịch bệnh, không ít bậc cha mẹ đã tỏ ra hoài nghi về sự an toàn của vaccine, cũng như hiệu quả thực sự mà tiêm phòng mang lại.
Mất niềm tin
Sự cẩn trọng của các bậc cha mẹ không phải là không có cơ sở, đặc biệt là trong thời gian gần đây, có không ít những trường hợp thương tâm liên quan đến việc tiêm phòng vaccine, cướp đi tính mạng và để lại di chứng nặng nề cho các trẻ em.
Hồi tháng 6/2017, 15 trẻ Nam Sudan đã tử vong sau khi tiêm phòng vaccine sởi. Trước đó, cũng tại quốc gia này, 32 trẻ em đã phải nhập viện sau khi tham gia một chiến dịch tiêm phòng cho 300 người. Đáng buồn thay, nguyên nhân vụ việc xuất phát từ tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất của những nước còn nghèo khó ở châu Phi: vaccine chưa được xử lý đúng quy trình, trong khi kim tiêm được tái sử dụng nhiều lần. Bên cạnh đó, các y bác sĩ tham gia tiêm phòng vẫn còn thiếu kinh nghiệm và chưa được đào tạo bài bản.
Tuy nhiên, nếu như ở các quốc gia kém phát triển, người dân có thể dè chừng với việc tiêm vaccine vì hệ thống y tế chưa đảm bảo chất lượng, thì các ông bố bà mẹ ở các quốc gia có nền y học tiên tiến hơn lại có những mối quan ngại khác về tác dụng phụ và phản ứng của cơ thể các bé với vaccine.
Mary Alexander, tác giả của cuốn sách về tiêm phòng “Calling the Shots: Childhood Vaccinations”, đã không do dự khi đưa hai con của mình đi tiêm phòng vaccine ngừa viêm màng não. Bé trai bốn tuổi của cô Mary bình yên vô sự, nhưng bé gái Florence lại không may mắn như vậy, khi phản ứng mạnh với thuốc và liên tiếp lên cơn co giật trong 36 tiếng sau khi tiêm. Sức khỏe của em suy giảm rõ rệt, tóc thưa và rụng dần, các cơn co giật xuất hiện thường xuyên hơn.
Xét nghiệm cho thấy Florence bị viêm phổi và trong máu của cô bé vẫn còn vi khuẩn viêm màng não. Quá trình điều tra kết luận loại vaccine được sử dụng cho Florence vẫn còn trong quá trình thử nghiệm và Mary hoàn toàn không được thông báo về điều này.
Có thể nói, việc mập mờ thông tin trong quá trình tiêm phòng, cũng như không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các tình huống xảy ra tác dụng phụ đã khiến cho Mary và không ít các ông bố bà mẹ ngày càng mất niềm tin vào vaccine và vai trò phòng bệnh của các loại thuốc.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Nhiều nghiên cứu khoa học và Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC), đều cho rằng vaccine có tác dụng phụ không đáng kể. Những ảnh hưởng của vaccine tới trẻ sau khi tiêm chủ yếu là đau ở chỗ tiêm, sốt nhẹ nhưng đều có thể đẩy lùi bằng thuốc hạ sốt và kháng sinh. Trường hợp nặng hơn như trẻ co giật là rất hiếm gặp, tuy nhiên đều có thể được chữa trị và không để lại di chứng. Một số trẻ nhạy cảm với các thành phần của thuốc sẽ được xét nghiệm kỹ trước khi các bác sĩ đưa ra quyết định tiêm vaccine.
Một thống kê khác của CDC hồi tháng 4/2017 cho thấy có tới 3/4 số trẻ em tử vong vì dịch cúm từ năm 2010 – 2014 đã không được tiêm phòng đầy đủ. Hơn một nửa trong số này được coi là khỏe mạnh trước khi mắc bệnh. Nghiên cứu của Nathan Lo từ Đại học Stanford cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêm phòng vaccine đầy đủ: chỉ cần tỷ lệ tiêm phòng sởi, quai bị và rubella (MMR) tại Mỹ giảm 5%, nước Mỹ sẽ phải đối phó với ít nhất 150 ca bệnh liên quan mỗi năm, tiêu tốn ít nhất 2,1 triệu USD cho công tác phòng và chữa bệnh.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng bệnh, nhiều quốc gia đã bắt đầu siết chặt quy trình tiêm vaccine cho trẻ nhỏ: Sau Italy, Pháp tuyên bố sẽ áp dụng hình thức tiêm vaccine bắt buộc kể từ năm 2018. Dự thảo luật tiêm phòng vaccine mới của Romania được cho là sẽ áp dụng hình thức phạt hành chính đối với các gia đình từ chối cho con tiêm vaccine.
Quan trọng hơn cả, các bậc làm cha mẹ cần nhận thức rõ được quyền và trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh, đảm bảo trẻ được khỏe mạnh và phát triển bình thường.